Nghệ An: Giá trứng gia cầm xuống thấp, tiêu thụ chậm
(Baonghean.vn) - Nếu như các năm trước, sau Tết là chu kỳ trứng gia cầm giảm giá, chững lại song cũng chỉ kéo dài vài tuần thì thị trường khởi sắc. Năm nay, giá trứng đang xuống thấp, tiêu thụ chậm hơn và nhiều trang trại lỗ tiền triệu mỗi ngày…
Giá trứng gà hiện nay đang ở mức 1.800 đồng - 2.000 đồng/quả, thấp hơn trước Tết 500-700 đồng/quả. Ảnh: Thanh Phúc |
Nuôi 15.000 con gà đẻ với công nghệ khép kín, trung bình mỗi ngày, trang trại của ông Trần Xuân Sơn, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) cung ứng ra thị trường dao động từ 14.000-15.000 trứng. Nếu như trước Tết, giá trứng lên đến 2.500 đồng/quả, lượng trứng của trang trại không đáp ứng đủ nhu cầu của khách thì hiện nay, giá trứng giảm xuống còn 2.000 đồng/quả, 15.000 quả trứng phải bán trong vòng 3-5 ngày mới hết.
Ông Sơn cho biết: “Theo chu kỳ thị trường, sau Tết giá trứng thường chững lại nhưng chỉ kéo dài đến hết Rằm tháng Giêng. Sau đó, khi các nhà máy, trường học, các bếp ăn tập thể hoạt động trở lại thì giá trứng lại tăng. Nhưng đến nay, khi đã bước sang tháng Hai (âm lịch) nhưng thị trường vẫn chưa khởi sắc”.
Ngoài 20 triệu tiền thức ăn mỗi ngày thì ông Sơn (Nghĩa Hưng, Nghĩa Đàn) còn phải trang trải tiền thuê nhân công, chi phí vận hành trang trại. Ảnh: Thanh Phúc |
15.000 con gà mái đẻ mỗi ngày tiêu tốn hết 20 triệu tiền thức ăn, cộng với đó là chi phí cho 4 nhân công 800.000 đồng và tiền điện vận hành cho cả trại gà cũng hết khoảng 400.000-500.000 đồng, do đó, giá trứng hiện nay thì trang trại không những không có lãi mà còn lỗ tiền triệu mỗi ngày.
Nuôi với quy mô nhỏ hơn, chỉ 2.500 con gà đẻ do đó, anh Nguyễn Văn Sinh (Yên Hợp, Quỳ Hợp) không phải thuê nhân công, chủ yếu là các lao động trong gia đình chăm sóc gà. Mỗi ngày, số trứng mà anh thu được là khoảng 2.000 quả, với giá bán hiện nay là 2.000-2.200 đồng/quả (tuỳ giá sỉ, lẻ) thì anh không có lãi.
Chăn nuôi với quy mô trang trại nhưng không phải thuê nhân công nên giá trứng xuống thấp nhưng anh Nguyễn Văn Sinh (Yên Hợp, Quỳ Hợp) không bị lỗ. Ảnh: Thanh Phúc |
Anh Sinh cho biết: “Đó là không tính công lao động của 4 người trong gia đình thì mới không lỗ. Còn nếu phải thuê nhân công thì ngày lỗ 800.000-1.000.000 đồng. Giá trứng xuống thấp nhưng sức tiêu thụ cũng giảm, lượng trứng bán ra chậm hơn trước nhiều”.
Theo phân tích, sở dĩ giá trứng giảm là do nhu cầu thị trường giai đoạn này đang chững lại trong khi đó, nguồn cung trứng lại dồi dào, do đây là thời điểm mà các trại đang vào đàn mật độ dày, thời tiết ấm nên gà đẻ tốt hơn các thời điểm khác trong năm.
Không chỉ xuống giá mà sức tiêu thụ trứng cũng chậm hơn. Ảnh: Thanh Phúc |
Mặt khác, do thời tiết nóng lạnh thất thường, trứng khó bảo quản nên các đại lý cũng không dám nhập lượng lớn để trữ hàng. Do đó, bán hết đợt này thì mới lấy tiếp đợt khác.
Để tránh thua lỗ trong giai đoạn giá trứng xuống thấp, hầu hết các trang trại đang có kế hoạch giảm đàn. Như trang trại của ông Trần Xuân Sơn đang có kế hoạch thải loại 4.000 con; trang trại anh Sinh cắt giảm 1.000 con… “Số gà này lẽ ra nếu giá trứng không xuống thì sẽ khai thác thêm 1-2 tháng nữa. Nhưng nay, giá trứng xuống thấp, chi phí cho gà cao nên tôi quyết định thải loại, đến khi giá trứng tăng sẽ tái đàn”, ông Sơn cho biết.
Anh Nguyễn Văn Sinh dự tính sẽ thải loại bớt 1.000 con gà đẻ để giảm chi phí trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Thanh Phúc |
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết: “Từ đầu năm 2023, giá trứng gà có giảm vì cung vượt cầu sau Tết. Cụ thể, giá thu mua tại trang trại khoảng 1.800 - 2.000 đồng/quả. Mức giá này người nuôi gà đẻ trứng theo chuỗi không lỗ nhưng lãi ít. Còn những hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, mua thức ăn ăn nuôi ở các đại lý cấp 2, cấp 3, quy mô nhỏ, khi thị trường mất cân đối giữa cung với cầu nên họ hạ giá, bán tự do, tiêu thụ chậm, có thể lỗ nhưng chưa đến mức giải cứu”.