Nghệ An: Hàng trăm ha lúa ngập trong biển nước, giao thông sạt lở
(Baonghean.vn) - Sau mưa lớn trong đêm 21/5, hiện nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, thiệt hại lớn nhất là sản xuất nông nghiệp khi lúa bị ngập chìm trong nước; hoa màu gãy đổ và thối úng.
Nhiều diện tích lúa ở xã Cao Sơn (Anh Sơn) chìm trong biển nước. Ảnh: Thanh Phúc |
Mưa lớn trong hai ngày 20, 21/5 đã khiến nhiều địa phương ở huyện Anh Sơn, nhất là các xã ven sông Lam bị ngập úng nặng, nhiều diện tích lúa chìm trong biển nước, ao hồ, đập, lồng bè nuôi cá bị thất thoát khá nhiều. Trong đó, xã Cao Sơn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo thống kê, nhiều diện tích lúa vào kỳ thu hoạch của người dân (190ha) bị ngập hoàn toàn, bùn đất bồi lấp; 30ha ao hồ bị tràn nước, cá tràn ra ngoài.
“Hiện tại, người dân mới chỉ thu hoạch được 50/240ha lúa, diện tích chưa thu hoạch kịp ngập trong nước. Việc cứu lúa là “bất khả kháng” khi việc tiêu thoát nước khó khăn do hiện nay, mực nước trên sông Lam dâng cao. Chính quyền đang phối hợp cùng người dân theo dõi sát diễn biến thời tiết, nước rút đến đâu huy động người dân dùng thuyền giúp nhau thu hoạch đến đó.
Chờ nước rút, xã sẽ huy động tổng lực giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: Thanh Phúc |
Đặc thù của xã Cao Sơn là chỉ sản xuất được lúa vụ xuân, lương thực cả năm của người dân trông chờ vào đó. Nếu trời tiếp tục mưa, lúa mất thì đời sống người dân sẽ rất khó khăn”, ông Hoàng Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết.
Thanh Mỹ (Thanh Chương) bị ngập úng cục bộ do mưa lớn, theo đó, 245ha lúa bị ngập nước, lút cổ bông; ngô bị gãy đổ khá nhiều. Đặc biệt, nhiều tuyến đường bê tông bị xói lở, bồi lấp, hư hỏng nặng.
Địa hình dốc, nhiều khe suối, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bê tông ở Thanh Mỹ (Thanh Chương) sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Phúc |
Hiện địa phương đang tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại; huy động lực lượng khắc phục các đoạn đường sạt lở để phục vụ việc đi lại của người dân. Đồng thời, động viên người dân khi nước rút khẩn trương thu hoạch lúa; đối với ngô gãy đổ nếu khắc phục được thì dựng cây, vun gốc; nếu không khắc phục được thì thu hoạch cây làm thức ăn cho gia súc.
20/30ha dưa lê, dưa hấu của người dân xã Nghi Long (Nghi Lộc) liên tiếp bị các đợt mưa trái mùa làm hư hại. Chị Võ Thị Vân, cán bộ Nông nghiệp xã Nghi Long cho biết: “Vụ xuân năm nay, người dân xuống giống dưa lê, dưa hấu muộn hơn các năm trước.
20/30ha dưa hấu, dưa lê ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) ngập úng nặng. Ảnh: Thanh Phúc |
Hiện, toàn bộ diện tích dưa đang ra quả non, một số diện tích khoảng 10-15 ngày nữa là cho thu hoạch. Tuy nhiên, sau 2 đợt mưa vừa rồi, 20ha dưa ngập nước, bùn nhão đã gây thối rễ, héo cây; nhiều diện tích dưa quả xanh, quả non bị dập nát, thối hỏng. Sắp tới, nếu nắng to kèm nhiệt độ cao, nguy cơ cây dưa chết rũ rất cao; khả năng bà con sẽ mất trắng, thiệt hại ước tính là 6 tỷ đồng”.
Người dân dùng máy bơm tiêu thoát nước để cứu cây dưa. Ảnh: Thanh Phúc |
Hiện trên các cánh đồng dưa, người dân đang nỗ lực dùng máy bơm tiêu thoát nước; nạo vét rãnh, khơi thông bờ để cứu cây dưa.