Nghệ An hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối nước ngoài
(Baonghean.vn) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp
New Zealand được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận. Phần lớn các mặt hàng mà New Zealand cần thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung ứng và ngược lại.
Việc Việt Nam và New Zealand cùng tham gia các FTA đa phương khiến cho rào cản thuế quan, phi thuế quan ngày càng thấp hoặc bị loại bỏ. Đây là lợi thế lớn giúp hàng hóa Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh với hàng hóa từ các nước không có FTA với New Zealand. Chính sách của New Zealand về việc tìm kiếm các nước đối tác cung ứng và thị trường khác ngoài EU và Trung Quốc cũng góp phần mở ra cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu.
Về phương diện nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu chính của New Zealand bao gồm các sản phẩm từ sữa, thịt bò, cừu, len, gỗ, các sản phẩm từ gỗ, các loại trái cây và hạt, trong đó có các loại trái cây như kiwi, cherry, táo…, hải sản như cá ngừ, cá hồi… Đây là những mặt hàng được nhiều người Việt Nam ưa chuộng.
Tuy nhiên, dù nhiều lợi thế như vậy, kim ngạch xuất, nhập khẩu 2 chiều giữa Nghệ An – New Zealand chưa tăng trưởng như kỳ vọng. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu Nghệ An sang New Zealand năm 2022 mới chỉ đạt 1,43 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An sang New Zealand đạt 960,8 ngàn USD, chỉ có 8 doanh nghiệp xuất khẩu với các mặt hàng chủ yếu: Giày, dép, bao bì các loại, gạo, bột đá vôi trắng siêu mịn, hàng dệt may, đá ốp lát...
Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Dù rất nhiều doanh nghiệp của tỉnh có nhu cầu xuất, nhập khẩu các mặt hàng sang thị trường này nhưng còn khá mơ hồ về các điều kiện, bởi New Zealand là một thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng hàng hóa nhập khẩu với tiêu chuẩn cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, nên việc thâm nhập vào thị trường này là việc không dễ dàng.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường; Giải đáp và hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc khi xuất, nhập khẩu với New Zealand, vừa qua, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến “Gặp gỡ Tham tán thương mại Việt Nam tại New Zealand với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Nghệ An”. Qua hội nghị giúp doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp để thực hiện hiệu quả hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với một số sản phẩm cụ thể của tỉnh Nghệ An sang thị trường này, khai thác tối đa lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA).
Hội nghị đã được bà Trần Diệu Oanh – Tham tán thương mại Việt Nam tại New Zealand thông tin đến các doanh nghiệp về thị trường New Zealand; chia sẻ những lưu ý khi xuất, nhập khẩu hàng hóa sang thị trường New Zealand. Các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã giao lưu, trao đổi trực tiếp với Tham tán về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như các cơ hội để kết nối trong thời gian tới.
Trước đó, vào trung tuần tháng 9/2023, đoàn công tác Sở Công Thương Nghệ An tham gia đoàn xúc tiến giao thương, đầu tư Việt Nam tại New Zealand và Australia. Chuyến công tác được đánh giá mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển với doanh nghiệp các nước trong thời gian tới…
Từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Thực hiện Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài. Qua đó, hỗ trợ về thông tin thị trường; Hỗ trợ đào tạo, tư vấn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại điện tử xuyên biên giới. Phấn đấu đến năm 2030 đưa sản phẩm chủ lực của tỉnh có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả các quốc gia đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thực hiện đề án, trong năm 2023, chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường; Thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường thế giới và các chuỗi cung ứng quốc tế cho doanh nghiệp bằng cách gửi thông tin trực tiếp đến doanh nghiệp và qua cổng Thông tin điện tử tỉnh. Cung cấp thông tin, phổ biến chính sách của các nhà phân phối đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt, có những điều chỉnh cần thiết, nhằm đáp ứng tiêu chí, yêu cầu để trở thành nhà cung ứng cho các mạng phân phối nước ngoài. Phối hợp với các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội ngành hàng và các tập đoàn phân phối nước ngoài để xây dựng tài liệu về quy trình lựa chọn sản phẩm, doanh nghiệp cung ứng cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm xuất khẩu nhằm hướng dẫn cho các doanh nghiệp của tỉnh áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, cung ứng hàng hóa đáp ứng yêu cầu chất lượng của các nhà phân phối nước ngoài.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực cung ứng cho thị trường nước ngoài, đề án đặt ra mục tiêu hằng năm tổ chức 3-5 cuộc tập huấn đào tạo doanh nghiệp nâng cao năng lực trong phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và yêu cầu của mạng phân phối. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn chất lượng của mạng phân phối nước ngoài thông qua các chương trình đào tạo, phổ biến thông tin. Hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất, dịch vụ thông minh.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững; giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ động phát triển nguồn nguyên liệu xanh, sạch để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu; Phối hợp với các tập đoàn phân phối và chuyên gia tư vấn hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp phát triển thương hiệu, trước mắt, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh.
Thiết lập, tăng cường ký kết các thỏa thuận nhằm thiết lập khung hợp tác với các tập đoàn phân phối nước ngoài với những chương trình hành động cụ thể. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài xây dựng chiến lược thu mua bền vững với thị trường Việt Nam. Hỗ trợ các tập đoàn phân phối nước ngoài mở văn phòng đại diện, thành lập doanh nghiệp thu mua,... tại tỉnh, hợp tác đưa hàng hóa của tỉnh xuất khẩu.
Với sự phối hợp bài bản và hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự tham gia tích cực của Sở Công Thương và doanh nghiệp, đề án được kỳ vọng sẽ xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp Nghệ An vững mạnh có khả năng thâm nhập ngày càng sâu vào hệ thống phân phối của khu vực và thế giới.