Nghệ An: Hoàn thiện hệ thống thủy lợi, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

13/08/2017 16:40

(Baonghean) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lốc xoáy làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và dân sinh. Xây dựng, củng cố và nâng cấp các công trình thủy lợi là một trong những giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất những tác động xấu của BĐKH.

Ưu tiên những công trình trọng yếu

Nghệ An có diện tích tự nhiên rộng, địa hình đa dạng và phức tạp, bị chia cắt bởi các hệ thống đồi núi, sông, suối; lượng mưa hàng năm trên địa bàn phổ biến từ 1.800 mm đến 2.200 mm, do đó thường xuyên xảy ra lũ lụt, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, nạn xâm thực, triều cường, gió bão lớn ở vùng đồng bằng ven biển.

Những năm gần đây tình hình BĐKH ngày càng rõ rệt, tình trạng hạn hán, bão lụt diễn ra theo xu hướng ngày càng gia tăng nên hàng năm số lượng công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp rất lớn. Trong khi đó, nhu cầu tu sửa, nâng cấp hệ thống hạ tầng thủy lợi đòi hỏi rất nhiều kinh phí nhưng do nguồn vốn hạn chế, nhiều hồ chứa và các tuyến đê xung yếu chất lượng thấp, công trình chưa đạt mục tiêu chống lũ nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sự cố như vỡ đập, vỡ đê...

Nâng cấp, sửa chữa đê Tả Lam. Ảnh: Việt Phương
Nâng cấp, sửa chữa đê Tả Lam. Ảnh: Việt Phương

Để tăng khả năng ứng phó với bất lợi của thời tiết, năm 2014 tỉnh đã có quyết định phê duyệt ''Đề án Xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 thuộc lĩnh vực thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu'', trong đó xác định các mục tiêu cụ thể về cấp nước tưới và sinh hoạt, tiêu úng, phòng chống lũ.

Thực hiện đề án, đến nay, hệ thống thủy lợi đã được xây dựng, qua quá trình đầu tư đã hình thành một hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi khá đồng bộ. Nhiều dự án đã được hoàn thành như xây dựng cống Nam Đàn giai đoạn 1, hệ thống kênh mương Sông Sào giai đoạn 2, dự án tu sửa, nâng cấp 30 hồ chứa ách yếu trên địa bàn tỉnh; nâng cấp, tu sửa và xây dựng mới 70 công trình vùng miền núi; Dự án Khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc, hồ Khe Lại - Vực Mấu, Quản lý rủi ro thiên tai WB5...

Đồng thời đang vận động xúc tiến các dự án cống ngăn mặn giữ ngọt trên sông Lam, cống ngăn mặn giữ ngọt trên sông Hoàng Mai; hệ thống thủy lợi Nậm Việc; kênh Lam Trà, dự án xây dựng trạm bơm tại cống Nam Đàn. Trong lĩnh vực tiêu úng, đã hoàn thành dự án Tiêu vùng màu cho 3 huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và đang xúc tiến dự án Cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu úng Vách Nam - Sông Bùng, dự án nạo vét nhiều tuyến kênh khác ở Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn...

Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Ngành cùng các địa phương đang tập trung rà soát lại các quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch đê sông, đê biển và quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương để điều chỉnh phương án ứng phó với tác động của BĐKH nhằm phát triển bền vững. Lồng ghép đầu tư đa mục tiêu, kết hợp nguồn vốn xây dựng các công trình phù hợp với yêu cầu từng vùng miền. Đồng thời, tăng cường nguồn vốn, ưu tiên tất cả các nguồn vốn cho các địa phương để khắc phục hậu quả, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, trong đó ưu tiên phòng, chống lũ quét lũ ống, sạt lở bờ sông, bờ biển”.

Chủ động ứng phó tại mỗi địa phương

Tại huyện Yên Thành có 16/39 xã nằm trong vùng trũng, khoảng 3.500 ha thường xuyên bị ngập úng và lũ lụt. Hiện huyện đang chuẩn bị thi công “Dự án nâng cấp, gia cố hệ thống thoát lũ và đê chống lũ thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh”. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 217 tỷ đồng do UBND huyện làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án là tiêu úng cho 22.917 ha, bảo vệ 43.815 hộ dân và 16.032 nhân khẩu ở các xã vùng trũng của huyện, tăng khả năng tiêu thoát lũ cho hạ du; đồng thời, ngăn mặn, giữ ngọt cho 4.100 ha đất canh tác, chủ động ứng phó BĐKH và nước biển dâng, tạo nguồn cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất.

Xả tràn hồ Vực Mấu. Ảnh: Thanh Thủy
Xả tràn hồ Vực Mấu. Ảnh: Thanh Thủy

Công Thành là một trong những xã nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án. Trên địa bàn có 4 km kênh Vách Nam đi qua, thế nhưng trong đó đã có 1,5 km bị đất bồi lắng, chỉ cần một trận mưa lớn dưới 100 mm là 1/2 diện tích xã, 700- 800 ha đất trong đó có 300 ha đất nông nghiệp bị ngập úng cả tuần do khả năng tiêu thoát kém. Trong khi đó, hệ thống tiêu thoát lũ, chống lũ chính của huyện hầu hết hình thành tự nhiên hoặc được người dân địa phương tự xây dựng, thời gian sử dụng lâu nên các hạng mục công trình xuống cấp trầm trọng. Hàng năm, vào mùa mưa lũ nước biển dâng làm ngập và cô lập nhiều khu vực, tàn phá mùa màng và nhiều công trình, tính mạng hàng ngàn người bị đe doạ, nhiều diện tích sản xuất thường xuyên bị ngập úng, phải bỏ hoang.

“Chính vì vậy, khi dự án được thực hiện sẽ góp phần đáng kể giải quyết những vấn đề này” - ông Hồ Phi Hoà - Phó Chủ tịch UBND xã Công Thành chia sẻ.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Chủ trương của tỉnh và các địa phương là huy động tối đa nguồn lực để nâng cấp kè bờ sông như đê Tả Lam, các tuyến đê vùng hữu ngạn sông Lam, 5 Nam, tuyến đê qua Thanh Chương… nhằm đảm bảo an toàn công trình trước những tác động bất lợi của BĐKH. Cùng đó, triển khai đề xuất phương án xây dựng mới cống ngăn mặn giữ ngọt sông Mơ và sông Lam phục vụ cho vùng Vinh, Quỳnh Lưu; nâng cấp các tuyến đê biển Đông Hồi, Quỳnh Lập và một số tuyến khác, đồng thời nạo vét và nâng cấp đê nội đồng, đê cửa sông cho lưu vực sông Bùng, sông Thái, sông Hoàng Mai, sông Cấm. Củng cố và nâng cấp hệ thống hồ thủy lợi.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nghệ An: Hoàn thiện hệ thống thủy lợi, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO