Nghệ An: Hội Nông dân đứng ra nhận ruộng hoang canh tác

Thanh Phúc 05/06/2021 07:06

(Baonghean.vn) - Hiện tình trạng bỏ ruộng hoang diễn ra khá phổ biến, nhất là ở vụ hè thu. Để không lãng phí “tấc đất tấc vàng”, ở Nghệ An đã xuất hiện cách làm hay đó là Hội Nông dân đứng ra nhận ruộng hoang canh tác.

KHI HỘI NÔNG DÂN THUÊ ĐẤT HOANG LÀM RUỘNG

Từ vùng đất sản xuất kém hiệu quả, có nhiều vụ bỏ hoang nay trở thành vùng trồng bí chuyên canh hàng hóa do Hội Nông dân xã Thanh Tiên (Thanh Chương) đảm nhận. Ảnh: Thanh Phúc
Từ vùng đất sản xuất kém hiệu quả, có nhiều vụ bỏ hoang nay trở thành vùng trồng bí chuyên canh hàng hóa do Hội Nông dân xã Thanh Tiên (Thanh Chương) đảm nhận. Ảnh: Thanh Phúc

Vùng bãi Rào Trẹ (xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương) thường xuyên ngập lụt, trồng ngô, sắn hiệu quả thấp nên hay bị bỏ hoang, để cỏ dại mọc um tùm. Vụ hè thu 2021, Hội Nông dân xã Thanh Tiên thông qua chính quyền xã thuê lại 1ha đất của 8 hộ dân vùng Rào Trẹ để trồng cây bí xanh với mức giá 800.000 đồng/sào.

Sau khi đứng ra nhận đất, Hội Nông dân xã huy động các chi hội tham gia mô hình trồng bí xanh theo hướng VietGAP. Theo tính toán, 1sào bí xanh cho thu hoạch khoảng 4 tấn quả, với mức giá xuống đáy như hiện nay (3.000 - 3.500 đồng/kg) thì cũng đã có lãi gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa.

Ông Dương Đắc Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tiên (Thanh Chương) cho biết: “Thiếu nhân lực, hiệu quả sản xuất không cao nên người dân không mặn mà với ruộng đồng, nhiều vùng ruộng bị bỏ hoang, nhất là vụ hè thu. Năm 2021, xã có kế hoạch tích tụ ruộng của các hộ dân không có nhu cầu sản xuất cho nông dân thuê lại xây dựng các mô hình mới, đưa các cây trồng có hiệu quả kinh tế vào sản xuất. Từ đó, hạn chế diện tích đất bỏ hoang, tránh lãng phí tài nguyên đất. Đồng thời, nhân rộng và xây dựng vùng chuyên canh cây hàng hóa trên vùng đất kém hiệu quả”.

Trước đây, việc khép kín diện tích vụ hè thu ở vùng ngập lụt Thanh Xuân rất nan giải. Tuy nhiên, từ khi mô hình hội Nông dân thuê đất trồng lúa hữu cớ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ ở Thanh Xuân (Thanh Chương). Ảnh: Thanh Phúc
Trước đây, việc khép kín diện tích vụ hè thu ở vùng ngập lụt Thanh Xuân rất nan giải. Tuy nhiên, từ khi mô hình Hội Nông dân thuê đất trồng lúa hữu cơ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ đã khích lệ bà con bám đồng sản xuất. Ảnh: Thanh Phúc

Đối với vùng đất thường xuyên ngập lụt như Thanh Xuân, việc khép kín diện tích vụ hè thu từ trước đến nay là vấn đề nan giải. Vụ xuân năm 2021, Hội Nông dân xã đã tiên phong đứng ra nhận thầu 5ha đất vùng trũng để trồng lúa hữu cơ. Trên diện tích 5ha, được hỗ trợ giống, phân bón, Hội Nông dân xã Thanh Xuân thu hoạch được 15 tấn lúa, bán lúa tươi tại ruộng với giá 7 triệu đồng/tấn, thu về cả trăm triệu đồng.

Hiệu quả kinh tế mang lại, vụ hè thu năm 2021, mô hình trồng lúa hữu cơ tiếp tục được trên diện tích 5ha ở vùng lũ Thanh Xuân do Hội Nông dân xã chủ trì thực hiện.

Trang trại cây ăn quả 3ha thuê lại từ đất 5% của xã do Hội Nông dân Thanh Mỹ (Thanh Chương) làm chủ. Antr: Thanh Phúc
Trang trại cây ăn quả 3ha thuê lại từ đất 5% của xã do Hội Nông dân xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) làm chủ. Ảnh: Thanh Phúc

Vùng đất Cồn Ba (xã Thanh Mỹ) thuộc đất 5% của xã chia cho dân sản xuất song do trồng sắn kém hiệu quả nên người dân phần thì để hoang hóa, phần thì trồng cỏ phục vụ chăn nuôi nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Để không lãng phí đất, năm 2018, xã đã vận động các hộ dân gom đất, cho Hội Nông dân thuê lại để trồng cây ăn quả hàng hóa. 7 hộ hội viên nông dân đã cải tạo đất, đầu tư hệ thống tưới, kéo điện ra tận ruộng và trồng táo, ổi trên diện tích 3ha, đồng thời trồng xen các loại cây màu khác, bước đầu cho thu nhập khá.

Tính đến thời điểm hiện nay, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo và xây dựng thành công 6 mô hình Hội Nông dân thuê đất canh tác. Cụ thể, thuê đất trồng bí xanh ở các xã Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Hòa; thuê đất trồng cây ăn quả ở Thanh Mỹ, thuê đất trồng khoai tây hàng hóa ở Thanh Yên; thuê đất trồng lúa hữu cơ ở Thanh Xuân với tổng diện tích gần 30ha. Sắp tới sẽ nhân rộng ra toàn huyện.

ĐỂ KHÔNG BỎ HOANG, RUỘNG PHẢI “SINH LỜI”

Những năm qua, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, không ít nông dân bỏ ruộng hoang. Việc Hội Nông dân thông qua chính quyền xã đứng ra nhận khoán để canh tác, sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét đã chứng minh được một điều rằng, làm ruộng vẫn có lãi nếu biết thay đổi tư duy và phương pháp sản xuất.

Tích tụ ruộng đất bằng hình thức thuê ruộng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất sẽ giải quyết được vấn đề về nhân lực lao động và tiết kiệm chi phí sản xuất. Ảnh: Thanh Phúc
Tích tụ ruộng đất bằng hình thức thuê ruộng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất sẽ giải quyết được vấn đề về nhân lực lao động và tiết kiệm chi phí sản xuất. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Nguyễn Xuân Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương cho biết: “Làm ruộng không có lãi là do diện tích ít, không đưa máy móc vào sản xuất được nên thiếu nhân lực, hiệu quả thấp. Mô hình Hội Nông dân thuê đất làm ruộng là minh chứng rõ nét chứng minh rằng, tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và cơ cấu cây trồng hợp lý sẽ đem lại lợi nhuận. Một khi đã có lợi nhuận thì nông dân sẽ không bỏ ruộng hoang. Hay nói cách khác, thông qua mô hình này, nông dân có thể sống với ruộng đồng, gắn bó với đồng đất quê hương lâu dài”.

Tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang không chỉ diễn ra ở Thanh Chương mà khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng như cả nước. Có những năm, diện tích đất bỏ hoang vụ hè thu lên đến 3.000 - 4.000ha. Nguyên nhân đã được phân tích, mổ xẻ tại nhiều diễn đàn, hội nghị. Theo đó, vấn đề thiếu lao động sản xuất nông nghiệp đang ở mức báo động.

Sản xuất mạ khay ở Thanh Liên (Thanh Chương). Ảnh: Thanh Phúc
Sản xuất mạ khay cấy máy ở xã Thanh Liên (Thanh Chương). Ảnh: Thanh Phúc

Trên thực tế, những năm qua, đã có nhiều mô hình doanh nghiệp (DN) hoặc cá nhân đứng ra tập trung đất nông nghiệp để phát triển sản xuất nông sản hàng hóa. Những mô hình này đã thực sự chứng tỏ hiệu quả kinh tế mang lại. Tuy nhiên, do còn gặp phải nhiều vướng mắc về thủ tục, tâm lý sợ “mất ruộng” của người dân và việc tích tụ còn khó khăn nên dù doanh nghiệp có nhu cầu tập trung đất sản xuất thì hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp vẫn đang bị bỏ hoang hóa.

Do đó, trong khi chờ những vướng mắc đó được tháo gỡ thì cách làm của huyện Thanh Chương cần được phát huy, nhân rộng.

“Lao động trẻ đi làm ăn xa hoặc đầu quân cho các nhà máy, các nhà xưởng trên địa bàn nên nhân lực sản xuất nông nghiệp vừa thiếu lại vừa yếu. Nhưng đó là lẽ “dĩ nhiên” vì khi làm ruộng không mang lại hiệu quả kinh tế. Do đó, muốn nông dân gắn bó với ruộng đồng, không có cách nào khác là phải tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa sản xuất, cơ cấu lại cây trồng… nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Làm ruộng sinh lời, sức lao động được giải phóng thì người dân sẽ bám ruộng, vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương”.

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương


Mới nhất

x
Nghệ An: Hội Nông dân đứng ra nhận ruộng hoang canh tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO