Nghệ An khắc phục mía gãy đổ sau bão
(Baonghean) - Cơn bão số 2 làm hơn 4.000 ha mía nguyên liệu trên địa bàn huyện Tân Kỳ bị đổ. Sau bão, 40% diện tích mía đã bị nhiễm rệp.
Đang chăm sóc ruộng mía của nhà, bà Phan Thị Phúc, xóm 9, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) cho biết, sau bão số 2, toàn bộ 5 sào mía của gia đình đổ rạp. Được sự hướng dẫn của cán bộ nông vụ Công ty CP Mía đường Sông Con, bà cắt bóc những lá mía già cho cây mía.
Khi đất khô ráo, bà sẽ bón thêm phân kali, NPK vào gốc mía để tăng độ ngọt. Đến nay, ruộng mía đã xanh trở lại, ngọn vươn khỏe. Là cây trồng thu nhập chính của gia đình, nên bà tuân thủ quy trình chăm sóc theo sự hướng dẫn của cán bộ nông vụ.
Theo hướng dẫn của cán bộ nông vụ, bà Nguyễn Thị Phúc, xóm 9, xã Nghĩa Đồng bóc lá mía cho cây mía dễ đứng thẳng sau khi bão số 2 xô đổ rạp. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ông Trần Đình Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng cho hay: Cán bộ nông vụ lo nhiều hơn dân, hàng ngày có mặt tại các cánh đồng, theo dõi tình hình diễn biến sâu bệnh và phát triển của cây mía. Khi phát hiện luống mía nào có sâu bệnh là liên hệ ngay với chủ hộ kịp thời phun thuốc.
Có những trường hợp chủ hộ đi vắng, cán bộ nông vụ nhờ người khác phun, chủ hộ thanh toán chi phí sau. Đối với những ruộng mía phát triển kém, cán bộ nông vụ hướng dẫn chủ hộ cách chăm sóc, bón phân.
"Cơn bão số 2 vừa qua làm hơn 4.000 ha mía nguyên liệu trên địa bàn huyện Tân Kỳ bị đổ. Ngay sau khi bão tan, Công ty chỉ đạo đội ngũ cán bộ nông vụ tăng cường bám địa bàn, hướng dẫn người trồng mía cách chăm sóc phù hợp.
Vì mía đang giai đoạn phát triển chiều cao, nên Công ty chỉ đạo cán bộ nông vụ hướng dẫn bà con không dựng cây mía lên ngay, mà tiến hành cắt, đập lá, phát quang gốc để cây mía dễ phát triển trở lại. Đồng thời tháo sạch nước trong ruộng mía, khi cây mía đã ổn định rễ, gốc, bà con mới tiến hành bón thúc phân NPK loại 11-3-8" - Ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Con cho biết.
Công ty cũng khuyến cáo, sau bão, độ ẩm trong ruộng mía cao, là điều kiện cho rệp hại mía phát triển; hiện vùng mía nguyên liệu của Tân Kỳ đã có 40% diện tích bị nhiễm rệp.
Để hạn chế rệp trên ruộng mía, sau thu hoạch cần thu gom vệ sinh sạch sẽ ruộng mía đem chôn lấp hoặc tập trung thành đống để đốt, đặc biệt ở những vùng có rệp gây hại nặng, dọn sạch xung quanh bờ cỏ,... nhằm giảm bớt nơi cư trú của rệp.
Không được sử dụng mía làm giống từ những ruộng bị nhiễm rệp từ vụ trước, nên sử dụng những giống mía có tính chống chịu rệp để đưa vào cơ cấu trồng (dựa vào kết quả theo dõi qua hàng năm từ các giống đang trồng ở địa phương để lựu chọn khuyến cáo cho nông dân dùng, trên thực tế thường nhóm giống mía ROC nhiễm rệp nhẹ hơn các giống MY55-14,...).
Thực hiện trồng mía đúng quy trình kỹ thuật theo từng loại giống và từng vùng đất chú ý phải bón đủ lượng phân và cân đối N-P-K giúp mía sinh trưởng khỏe sẽ làm tăng khả năng chống chịu rệp. Thường xuyên làm sạch cỏ dại, bóc bỏ lá già, tỉa cây ổn định mật độ hợp lý hạn chế rệp phát sinh phát triển.
Khi rệp mới phát sinh ở diện hẹp có thể đeo găng tay để vuốt rệp hạn chế mật độ hoặc dùng dao, kéo,... cắt bớt những lá nhiễm rệp đem tiêu hủy.
Biện pháp dùng thuốc BVTV: Trong trường hợp rệp phát sinh với mật độ cao từ cấp 2-3 có khả năng ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất mía cần phải sử dụng thuốc để phun trừ. Dùng bình bơm tay hoặc bình bơm động cơ; sử dụng một trong các loại thuốc: Anboom40EC, Bassa 50EC; Nibas 50EC, Goldra 250WG, USD Grago 595EC, Dragon 585EC,... pha với nước theo khuyến của nhà sản xuất. Cũng có thể bảo vệ thiên địch để trừ rệp, như: bọ rùa, nhện, sâu non vệt xanh, bọ đuôi kìm.
Xuân Hoàng
TIN LIÊN QUAN |
---|