Kinh tế

Nghệ An: Không chủ quan trước dịch tả lợn châu Phi tái phát nhiều nơi

Xuân Hoàng - Quang An 18/05/2025 10:52

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tái bùng phát tại nhiều địa phương của Nghệ An, trong đó có một số xã khu vực miền núi kéo dài nhiều tháng liền. Ghi nhận thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến dịch bùng phát và khó kiểm soát triệt để.

Dịch diễn biến phức tạp

Xã Đôn Phục là địa phương hiện đang bị bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nhất huyện Con Cuông nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung. Có mặt tại xã Đôn Phục vào ngày 14/5, cho thấy công tác phòng, chống dịch bệnh này chưa được chính quyền địa phương triển khai quyết liệt.

dịch lợn 3
Xã Đôn Phục (Con Cuông) chỉ treo tấm biển báo khu vực có dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Quang An

Ông Lang Vi Đồng ở bản Phục cho hay, thời điểm đầu tháng 3/2025, gia đình đang nuôi 1 lợn nái và 6 con lợn giống. Đàn lợn bị nhiễm dịch, buộc phải tiêu hủy cả đàn trọng lượng 347kg.

“Nguyên nhân đàn lợn bị nhiễm dịch, có thể do trước đó gia đình sử dụng thức ăn thừa của các quán hàng trên địa bàn để cho lợn ăn; hoặc gia đình chung đụng giết mổ lợn. Ngay sau khi xảy ra dịch bệnh, xã cấp 1 lít hoá chất cho gia đình phun khử trùng trong và ngoài khu vực chuồng trại, thấy chưa yên tâm, gia đình mua thêm 1 lít hóa chất nữa để xử lý môi trường. Cùng đó, gia đình sử dụng vôi bột rắc trong khu vực chuồng trại. Đến nay, gia đình chưa dám tái đàn, bởi dịch bệnh đang xảy ra tại nhiều hộ dân trong xã”, ông Lang Vi Đồng cho hay.

dịch lợn 4
Ông Lang Vi Đồng ở bản Phục, xã Đôn Phục rắc vôi xử lý môi trường chuồng trại. Ảnh: Quang An

Ông Lữ Ngọc Chi – Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phục cho biết: Thời điểm đầu năm 2025, toàn xã có 3.200 con lợn, được người dân nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn 6/6 bản. Từ đầu tháng 3 đến trung tuần tháng 5, trên địa bàn xã đã có 47 hộ có lợn bị nhiễm dịch, với tổng số 157 con lợn phải tiêu hủy, tổng trọng lượng 5.741kg. Trong đó, 38 con lợn nái, 2 con lợn đực giống, 69 con lợn thịt và 48 con lợn con. Hiện nay dịch đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, điểm dịch mới đây nhất là ngày 9/5.

Xã đã tiếp nhận và cấp cho người dân 130 lít hóa chất khử trùng, đồng thời cấp hơn 3 tấn vôi bột cho người dân xử lý môi trường. Tuy nhiên, khó khăn đối với địa phương là xã chưa có cán bộ thú y, nên khi xảy ra điểm dịch mới, chính quyền địa phương không nắm bắt kịp thời và việc lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm cũng bất cập. Những lúc cán bộ thú y huyện chưa vào kịp, người dân và cán bộ xã phải bất đắc dĩ lấy mẫu để tiêu huỷ lợn kịp thời.

Ông Lữ Ngọc Chi - Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phục

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi trên các trục đường liên xã, liên bản, kể cả 3 bản đang có dịch chưa qua 21 ngày: Bản Phục, bản Xiềng và bản Hợp Thành, đều không thấy địa phương lập chốt chặn, ngăn người dân vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào. Điều đó cho thấy công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Đôn Phục chưa quyết liệt. Đồng nghĩa với việc, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang uy hiếp hàng nghìn con lợn của hàng trăm hộ dân nơi đây.

bản phục
Bản Phục, xã Đôn Phục - nơi đang tái phát dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng

Số liệu của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Con Cuông cho biết: Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 6 xã tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi: Trà Lân, Châu Khê, Cam Lâm, Đôn Phục, Yên Khê và Mậu Đức, với 11 thôn, bản có dịch. Tổng số lợn đã tiêu huỷ do nhiễm dịch là 255 con, tổng trọng lượng 14.471kg. Trong đó, xã Đôn Phục có nhiều điểm dịch nhất và dịch diễn biến phức tạp nhất.

dich 1
Những ngày này, đến huyện Anh Sơn dễ dàng bắt gặp hình ảnh vôi bột rắc trắng xóa trên các trục đường để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi lây lan. Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện Anh Sơn cũng là một trong những địa phương có bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp kéo dài trong nhiều tháng qua. Ghi nhận tại một số xã của huyện Anh Sơn: Khai Sơn, Long Sơn... thấy vôi bột được rắc trắng xoá đầu các con ngõ và trục đường chính vào các thôn, xóm.

Theo người dân cho biết, thường là khu dân cư nào có dịch tả lợn châu Phi đều được rắc vôi bột để phòng dịch bệnh; kể cả một số khu dân cư chưa có dịch, bà con vẫn rắc vôi đề phòng dịch lây lan vào từ các phương tiện tham gia giao thông.

dịch lợn 2
Tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở huyện Anh Sơn. Ảnh: XH

Ông Nguyễn Trọng Sơn – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn huyện đã tiêu huỷ 550 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi, tổng trọng lượng hơn 32 tấn. Tính đến ngày 15/5, vẫn còn 6 xã chưa qua 21 ngày dịch: Phúc Sơn, Long Sơn, Cao Sơn, Lạng Sơn, Đức Sơn, Khai Sơn.

Huyện chỉ đạo các địa phương lập chốt khoanh vùng ổ dịch trong diện hẹp; đồng thời sử dụng hóa chất phun khử trùng khu vực chuồng trại và sử dụng vôi bột để rắc đầu các trục đường ra vào khu dân cư để phòng dịch lây lan.

Ông Nguyễn Trọng Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn

Số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2025 đến ngày 10/5 xảy ra 70 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 13 huyện, thành, thị; tổng số lợn buộc tiêu hủy 1.700 con, trọng lượng hơn 99.000 kg. Các huyện có số ổ dịch nhiều: Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Thanh Chương.

Hiện nay, tính đến ngày 10/5, trên địa bàn tỉnh đang còn 53 ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày tại 11 huyện, thành. Đặc biệt, tại 2 ổ dịch tại xã Nậm Giải (Quế Phong) và xã Đôn Phục (Con Cuông) diễn biến khá phức tạp, dây dưa kéo dài từ nhiều tháng nay.

Không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, hiện nay người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, công tác vận chuyển động vật, giết mổ chưa kiểm soát chặt chẽ. Người dân còn giấu dịch, bán chạy động vật khi nghi mắc bệnh; công tác tiêu hủy vật nuôi mắc bệnh còn sai quy trình hoặc tiêu hủy không triệt để vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Trong khi đó, thời tiết diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng đàn vật nuôi nên nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan thời gian tới rất cao.

hop 5
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi tại cuộc họp UBND tỉnh vào ngày 12/5 vừa qua. Ảnh: Xuân Hoàng

Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi tái phát tại nhiều địa phương, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, báo cáo và xử lý kịp thời dịch bệnh trên đàn vật nuôi; tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hướng dẫn, chỉ đạo công tác xử lý ổ dịch như tiêu hủy, tiêu độc khử trùng, điều tra, khoanh vùng ổ dịch đúng quy trình kỹ thuật để hạn chế phát sinh, lây lan dịch bệnh; không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.

Đối với các địa phương đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi như Con Cuông, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Thanh Chương và đặc biệt là 2 ổ dịch tại xã Nậm Giải (Quế Phong) và xã Đôn Phục (Con Cuông), huy động nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan, dây dưa kéo dài và hạn chế thiệt hại, phát sinh ổ dịch mới.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nghệ An: Không chủ quan trước dịch tả lợn châu Phi tái phát nhiều nơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO