Nghệ An kiểm soát, xử lý nhằm giảm nợ xấu

Nguyễn Hải 27/06/2022 15:48

(Baonghean) - Những năm lại đây, cùng với các kênh đầu tư vốn khác ra nền kinh tế, hoạt động tín dụng của các ngân hàng tại Nghệ An diễn ra khá sôi động. Tuy vậy, hoạt động, giao dịch này luôn song hành với rủi ro phát sinh nợ xấu. 

Nỗ lực kiểm soát nợ xấu

Ông Cao Song Điệp - Trưởng phòng Quản lý rủi ro tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An chia sẻ: Vấn đề nợ xấu luôn là một trong những nội dung của quản lý nhà nước đối với ngân hàng. Hiện nay, đứng trước tình hình diễn biến khá nhạy cảm, phức tạp của thị trường vốn và sự phát triển, cạnh tranh khá nóng của các tổ chức tín dụng nên từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Các khách hàng giao dịch tại Phòng giao dịch Agribank Nam Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo đề án này, trên địa bàn Nghệ An, một số ngân hàng thương mại yếu kém đã bị tái cơ cấu lại khi nhập về các chi nhánh lớn. Theo đó, Vietinbank tiếp quản chi nhánh Ngân hàng Đại dương Ocean Bank, BIDV tiếp quản chi nhánh Ngân hàng Đồng bằng sông Cửu Long MB, Vietcombank tiếp quản chi nhánh Ngân hàng Xây dựng CB Bank... Song song với tái cơ cấu, ổn định lại bộ máy bên pháp nhân mới, để đảm bảo các quyền lợi với khách hàng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng trưởng tín dụng theo hướng bền vững, chú trọng kiểm soát và thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý tốt nợ xấu.

Tại Nghệ An, thông qua giám sát thường xuyên, các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3%, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An còn tổ chức các buổi làm việc trực tiếp, cùng đơn vị đánh giá lại thực trạng chi tiết từng khoản nợ xấu, phân tích các khó khăn vướng mắc và yêu cầu đơn vị xây dựng kế hoạch xử lý cụ thể đối với từng khoản nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cũng chỉ đạo toàn ngành ngân hàng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn thực hiện tốt công tác xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 và nợ xấu cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nam Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Mặt khác, tại một số thời điểm như đầu năm hoặc tình hình tín dụng vốn xuất hiện tình tiết đặc biệt, khi Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo về công tác tín dụng, trong đó có nội dung chỉ đạo hạn chế cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay bất động sản, đầu tư chứng khoán, tài trợ vay cho các dự án BOT, BT giao thông hay trái phiếu doanh nghiệp; Quy định mới về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hoạt động của các tổ chức tín dụng… thì Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh hoặc kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng; rà soát, ra văn bản cảnh báo, nhắc nhở đối với đơn vị có nợ xấu lớn…

Khu vực cảng Cửa Hội là nơi neo giữ các tàu bị Ngân hàng thương mại kê biên, bán đấu giá do nợ xấu và không trả được nợ. Ảnh: Nguyễn Hải

Ngoài các giải pháp trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An còn cho biết: Hàng quý, hàng năm, trên cơ sở lựa chọn ngẫu nhiên, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cũng tổ chức các đợt thanh, kiểm tra đột xuất, giám sát đối với các hoạt động tín dụng tiềm ẩn rủi ro; kiểm tra, thẩm định quy trình cho vay, mục đích sử dụng vốn vay trên thực tế và tình hình trả nợ gốc, lãi vay…

Với nỗ lực lớn trên, nợ xấu tại các Ngân hàng thương mại Nghệ An trong những năm qua luôn được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn luôn ở thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu bình quân chung cả nước (chưa đến 1% tổng dư nợ). Cụ thể, đến hết 31/5/2022, tổng nợ xấu của các đơn vị trên địa bàn tỉnh ước là 1.800,3 tỷ đồng, chiếm 0,68% tổng dư nợ; tỷ lệ nợ xấu của cả nước tại thời điểm 31/3/2022 là 1,49% tổng dư nợ.

(Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cho biết)

Nan giải nợ xấu cho vay tàu 67/CP

Với tỷ lệ nợ xấu nói chung như trên các Ngân hàng thương mại Nghệ An là điểm sáng thì nợ xấu cho vay tàu 67/CP là điểm trừ của các ngân hàng Nghệ An. Trong tổng số 1.800,3 tỷ đồng nợ xấu tính đến 31/5/2022 thì có 608,1 tỷ đồng là nợ gốc của 100 tàu còn nghĩa vụ trả nợ. Hiện tại, trong tổng số 104 tàu được ngân hàng tài trợ vay vốn đóng mới, ngoại trừ 4 tàu gặp sự cố đã tất toán khoản vay thì hiện 62 tàu bị chuyển nợ xấu với tổng giá trị nợ xấu là 433,8 tỷ đồng, chiếm 71,3% số nợ gốc vay theo Nghị định 67/CP.

Đội tàu xa bờ của Nghi Lộc và Diễn Châu đang neo tại bờ Nam cảng Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Hải

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: Trong tổng số 104 tàu cho vay thì Chi nhánh Agribank Nghệ An cho vay nhiều nhất với 39 chiếc, tiếp đó là Viettinbank Bắc Nghệ An 27 chiếc, Vietinbank Vinh 12 chiếc. Tương tự, tàu vỏ sắt và composit, Chi nhánh BIDV Phủ Diễn 15 chiếc, BIDV Nghệ An 3 chiếc.

Tại Chi nhánh Vietinbank Bắc Nghệ An, với 27 tàu, Chi nhánh cho vay tổng số vốn là 178,17 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, đã thu hồi được 83,68 tỷ đồng, còn lại 94,49 tỷ đồng là nợ quá hạn và nợ xấu. Ngoại trừ 2 tàu bị sự cố đã tất toán, Chi nhánh còn 25 tàu, có 13 tàu đang hoạt động và được tạo điều kiện, 12 tàu thuộc nhóm nợ xấu nên đang làm thủ tục khởi kiện, trong đó 4 tàu đang thi hành án.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Vietinbank Chi nhánh Bắc Nghệ An chia sẻ: Đơn vị không thuộc diện phải thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm nợ xấu, nguyên do là nếu không tính nợ xấu cho vay tàu theo Nghị định 67/CP thì Chi nhánh chỉ có 20 triệu đồng là nợ xấu, chưa đến 0,005% tổng dư nợ. Dù biết thu hồi nợ qua con đường khởi kiện sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở nhưng để bảo toàn, thu hồi vốn thì đơn vị không còn cách nào khác.

Cán bộ Tổ liên ngành tại BQL cảng kiểm tra hồ sơ, làm thủ tục xuất bến cho ngư dân đi đánh bắt tại cảng Lạch Quèn, Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại Chi nhánh BIDV Phủ Diễn, ông Hà Huy Hùng – Phó Giám đốc Chi nhánh cũng cho biết: Đơn vị cho vay 15 tàu, dù ít hơn một vài Chi nhánh nhưng do có 7 tàu vỏ sắt, mỗi tàu từ 16-17 tỷ đồng nên tính chung dư nợ khá lớn. Cụ thể, dư nợ là 163 tỷ đồng, đến thời điểm này đã thu hồi được 127 tỷ đồng, số còn lại dù các tàu vẫn hoạt động nhưng gần 100% đã là nợ xấu.

Từ thực tiễn theo dõi công tác thu hồi nợ và xử lý nợ xấu tàu Nghị định 67/CP của các ngân hàng, chúng tôi nhận thấy, tại mỗi đơn vị Chi nhánh Ngân hàng thương mại đang có cách xử lý khác nhau. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An, kiểm soát, xử lý nợ xấu tại các Ngân hàng thương mại Nghệ An giờ chỉ là câu chuyện xử lý, gỡ khó nợ xấu tàu 67/CP. Đây là vấn đề khá nan giải vì con số dư nợ quá lớn, nhiều tàu 67/CP vì lý do chủ quan và khách quan đánh bắt không hiệu quả do nguồn lợi thủy sản suy giảm, xăng dầu tăng giá nên nhiều tàu cá buộc phải nằm bờ. Mục tiêu cho vay để ngư dân đóng tàu vươn khơi, bám biển đánh bắt vì thế chưa đạt được.

Do giá dầu tăng mạnh nên nhiều tàu đánh xa bờ chấp nhận nằm bờ thay vì vươn khơi nên dễ làm nợ xấu gia tăng. Trong ảnh tàu nằm bờ tại cảng Cửa Hội cuối tháng 5/2022. Ảnh: Nguyễn Hải

Để chủ động gỡ khó, xử lý nợ xấu nói chung và nợ vay đóng tàu 67/CP nói riêng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An đã báo cáo và được UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thống nhất đưa giải pháp xử lý nợ xấu tàu 67/CP vào chương trình nghị sự của Quốc hội.

Theo đó, ngành ngân hàng kiến nghị, cùng với các biện pháp khởi kiện để thu hồi nợ đối với các tàu đã kê biên hay xuống cấp, Chính phủ nên có các giải pháp khoanh nợ, xóa nợ cho tàu cá bị rủi ro bất khả kháng; dãn nợ, giảm lãi suất vay cho bà con trong giai đoạn nghề đánh bắt khó khăn; xem xét tiếp tục hỗ trợ lãi suất bằng thời gian còn lại của con tàu nhằm tạo điều kiện cho ngư dân tái đầu tư, sửa chữa tàu để vươn khơi trở lại.

Do giá dầu tăng cao nên sản phẩm bà con đánh bắt được gần bờ nào là bán sản phẩm ở đó nên theo đại diện Chi cục Thủy sản, để giảm nợ xấu, các ngân hàng động viên bà con vươn khơi đánh bắt đồng thời với bám địa bàn, bám tàu để thu hồi nợ. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo thông tin mới nhất, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thiện và trình sửa đổi, thay thế Nghị định 67/CP về chính sách phát triển thủy sản trong giai đoạn mới, theo đó chính sách hỗ trợ cho vay sẽ có nhiều đổi mới và trọng tâm hơn. Cùng với cho vay đóng mới tàu, Chính phủ cũng ưu tiên hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, chế biến trên bờ để tái cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng khai thác.

Mới nhất

x
Nghệ An kiểm soát, xử lý nhằm giảm nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO