Chuyện đời Kiểm ngư

Nhật Lân - Đào Tuấn - Thành Cường 10/04/2024 12:09

(Baonghean.vn) - Trước khi gặp những lao động trên tàu kiểm ngư bị dừng việc, cứ nghĩ họ - những người dày dạn nắng, gió, bão tố, sóng gió biển khơi, đối diện nhiều hiểm nguy - hẳn gan góc can trường, không yếu đuối, bi lụy trong mọi tình huống. Nhưng cái nghĩ ấy đã không hẳn đúng...

Đồng nghiệp tình thâm

Chúng tôi ghé đến âu neo đậu tàu thuyền của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu thuyền Hải Châu (phường Trung Đô, TP. Vinh), nơi 2 tàu kiểm ngư cùng 2 xuồng cao tốc của Chi cục Thủy Sản và Kiểm ngư nằm bờ trong ngày 6/4/2024. Tại đây, đã có chút ngạc nhiên khi trên tàu còn 4/10 lao động đã bị dừng việc, và như họ nói lý do, là tình nguyện ở lại trông coi tàu, trong chút mong manh hy vọng sẽ được tiếp tục làm việc.

bna_Kiểm ngư 3. Thành Cường.jpg
2 tàu kiểm ngư và 2 chiếc xuồng cao tốc tại âu neo đậu tàu thuyền của Công ty TNHH MTV Đóng tàu thuyền Hải Châu (phường Trung Đô, TP. Vinh). Ảnh: Thành Cường

Họ gồm thuyền phó tàu KN 688 NA Nguyễn Hữu Hảo, máy trưởng tàu KN 688 NA Trần Hoàng Minh (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu), máy trưởng tàu KN 93967 VN Tạ Quang Thắng (Yên Thành) và thủy thủ trưởng Trần Trọng Thành.

Trong 4 người, khiến chúng tôi chú ý là thủy thủ trưởng Trần Trọng Thành. Có dáng người tầm thước, rắn chắc, lún phún râu quai nón, thấy có phóng viên báo chí, anh lẳng lặng đi ra mạn boong tàu rồi ngồi bệt xuống châm thuốc, trầm tư rít từng hơi rõ sâu, sau đó vớ chiếc cần câu, cài mồi câu cá, thể như tránh bị hỏi chuyện.

Hỏi những lao động này về Thành, được cho biết năm nay 37 tuổi, quê ở huyện Thanh Chương, và đã có hơn 10 năm công tác. Thành đang sống cùng vợ con tại một căn hộ chung cư nhỏ trong thành phố Vinh. Là thủy thủ trưởng, Thành thực hiện khối công việc lớn trên tàu, từ làm dây, neo, tời, cảnh giới… Nhưng quan trọng nhất, Thành là người lái xuồng cao tốc truy đuổi, tiếp cận tàu cá có dấu hiệu đánh bắt hải sản bất hợp pháp, phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trên biển.

“Ít thủy thủ có thể điều khiển xuồng cao tốc được như Thành. Đã có những lần chúng tôi đụng độ trên tàu đánh bắt hải sản bất hợp pháp, sau đó bị đối tượng xô ngã xuống biển, nhờ có Thành điều khiển xuồng cao tốc lao vào hứng đỡ kịp thời thì mới giữ được mạng sống…” - thuyền phó Nguyễn Hữu Hảo nói về đồng nghiệp Trần Trọng Thành.

bna_Kiểm ngư 11. Thành Cường.jpg
Thủy thủ trưởng Trần Trọng Thành bên boong tàu câu cá, tránh bị hỏi chuyện. Ảnh: Thành Cường

Cũng theo thuyền phó Nguyễn Hữu Hảo, mỗi tàu chỉ được bố trí 5 nhân lực gồm lái tàu, thợ máy và thủy thủ. Mỗi khi đi biển thì Chi cục tăng cường thêm cán bộ công chức tham gia. Những công chức ấy, có trách nhiệm như lập biên bản xử lý các vi phạm theo quy định. Còn 5 nhân lực của tàu có trách nhiệm vận hành, lái xuồng cao tốc hỗ trợ công tác kiểm tra kiểm soát; tham gia tìm kiếm cứu nạn mỗi khi ngư dân gặp nạn trên biển. Với 22 năm làm việc trên tàu kiểm ngư, anh Nguyễn Hữu Hảo khái quát rằng: “Nghề nào thì cũng có cái khó. Trong việc vận hành tàu tuần tra biển, thực hiện ngăn chặn đối tượng khai thác hải sản cũng có nhiều khó khăn riêng không phải ai cũng biết, cũng hiểu”.

Những khó khăn như anh mô tả, là khi mà cả tàu cá và xuồng cao tốc cùng di chuyển với tốc độ cao, cùng với sóng lớn thì không chỉ biết nghề, giỏi nghề, mà phải được trang bị kỹ năng, kinh nghiệm. Khi xuồng cao tốc cập vào tàu cá thì phải rời ra ngay để tránh va đập, gây tai nạn; phải biết trớn như thế nào thì có thể sang tàu cá, lúc nào thì mới từ tàu cá xuống xuồng. Lúc lên tàu cá, phải biết lựa chọn vị trí, tạo thế đứng vững chắc để tránh bị hất văng xuống biển do sóng gió; phải tránh xa dây tời, dây lưới đang kéo căng, máy đang hoạt động,… để tránh tai nạn cho bản thân; phải đứng gần các vật dụng có sử dụng để tự vệ khi cần thiết. Và khi đồng đội bước lên tàu cá kiểm tra thì luôn phải bám sát, có ít nhất một người đi kèm để quan sát, hỗ trợ, bảo vệ.

bna_Kiểm ngư 12. Đào Tuấn.jpg
Thuyền phó Nguyễn Hữu Hảo rưng rưng nước mắt khi nói ra những tâm sự nghề. Ảnh: Đào Tuấn

Đi tàu kiểm ngư nhiều năm, các anh biết rõ những khó khăn, rủi ro để phòng tránh, nhưng việc bị ngư dân vi phạm chống đối, tấn công vẫn xảy ra thường xuyên. Bởi khi bị phát hiện hành vi vi phạm, đối tượng thường chống đối bằng cách lái tàu lắt léo, cắt ngang mũi tàu, xuồng kiểm ngư để gây tai nạn; dùng khấu (sào tre dài, đầu có móc nhọn) để xua đuổi, ngăn cản; ném đá và các vật dụng sẵn có để không cho xuồng cao tốc cập tàu cá.

“Thông thường khi chúng tôi lên được tàu vi phạm, đối tượng sẽ không hợp tác bằng cách khóa chặt cabin, chạy tàu hết tốc lực sang vùng biển tỉnh khác, hoặc dùng gậy, dao chặt đá lạnh, rìu cứu hỏa… để đe dọa. Thậm chí họ sẵn sàng hành hung, xô anh em xuống biển để tháo chạy. Chính vì thế, nhân viên nào cũng phải nêu cao trách nhiệm, biết bảo vệ bản thân và bảo vệ đồng đội của mình…” – thuyền phó Nguyễn Hữu Hảo kể.

Tàu là nhà

Lân la hỏi chuyện thủy thủ trưởng Trần Trọng Thành, anh nói rằng mình là trụ cột của gia đình, dù lương chỉ vẻn vẹn 6 triệu đồng/tháng cùng với công tác phí khi đi biển được trả 110 nghìn đồng/ngày.

“Công việc của vợ em còn bấp bênh, con thì còn nhỏ. Từ đầu năm đến nay, do chưa được cơ quan chi trả lương nên ngoài trực và làm việc không công trên tàu, em làm thêm nghề ship hàng để kiếm thêm ít tiền trang trải cho cuộc sống. Vợ thì ở nhà xoay xở tiền sinh hoạt hàng ngày, tiền học hành của con...” – Thành kể.

bna_Kiểm ngư 10. Thành Cường.jpg
Thủy thủ trưởng Trần Trọng Thành. Ảnh: Thành Cường

Hỏi Thành: Khó khăn như thế, cô ấy có trách móc gì không? Thành cười buồn: “Khó khăn, mệt mỏi thì cũng có nói ra nói vào nhưng còn may là… còn chưa bị vợ bỏ”. Dừng một lát, Thành hướng mắt nhìn ra sông Lam như tìm về phía biển rồi nói khẽ: “Với em, và với các anh em đồng nghiệp, tàu như ngôi nhà thứ hai. Nhưng dù không muốn rời tàu, không muốn xa anh em, nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì em cũng phải tìm một công việc khác. Mình là đàn ông thì phải có việc làm để có tiền trang trải cuộc sống, cùng vợ nuôi con…”.

Máy trưởng tàu KN 688 NA Trần Hoàng Minh quê ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, còn máy trưởng tàu KN 93967 VN Tạ Quang Thắng quê ở huyện Yên Thành. Anh Trần Hoàng Minh đã có 22 năm làm việc trên tàu kiểm ngư, còn anh Tạ Quang Thắng cũng đã 17 năm công tác. Họ cho biết, tiền lương mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng, ngoài ra, được nhận thêm một ít công tác phí cho mỗi chuyến đi biển. Khó khăn, vất vả và nguy hiểm là vậy nhưng khi đến việc phải xa tàu, xa anh em là buồn ứa nước mắt.

“Tôi làm việc trên tàu kiểm ngư đã hơn 22 năm, năm nay cũng đã 52 tuổi. Với tuổi này, nghĩ làm việc thêm dăm bảy năm nữa sẽ nghỉ theo chế độ, đâu nghĩ sẽ có ngày rơi vào cảnh éo le như vậy. Khi nghe Chi cục thông tin tạm dừng hợp đồng, chưa có nguồn để trả tiền lương cho anh em, thì thực sự bất ngờ. Một bất ngờ không mong muốn. Tôi vẫn biết là quy định thì phải chấp nhận thôi, không trách cấp trên. Nhưng thực sự vẫn mong muốn được xem xét để tiếp tục gắn bó với nghề, với công việc mình gắn bó suốt hơn 20 năm nay, cho đến khi nghỉ theo chế độ. Phải xa tàu, phải xa anh em, thấy xót xa…”.

bna_Kiểm ngư 14. CTV.jpg
Xuồng cao tốc thực hiện công tác kiểm ngư trên biển. Ảnh: CTV

Trong cánh phóng viên xuống tàu kiểm ngư, phóng viên Thành Cường từng có 5 năm làm nhân viên kiểm ngư. Ngậm ngùi trước tâm sự của những Nguyễn Hữu Hảo, Trần Hoàng Minh, Tạ Quang Thắng và Trần Trọng Thành, phóng viên Thành Cường kể về rất nhiều những hành trình biển mình đã nếm trải. Đó là những lần tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển từ Cồn Cỏ đến Bạch Long Vĩ. Là những lần cùng 8 đồng nghiệp vận hành tàu kiểm ngư KN 93969 KN trực tiếp phát hiện một tàu cá ở xã Sơn Hải sử dụng ngư cụ cấm để khai thác ngao trái phép tại tuyến bờ của xã Diễn Hùng. Tàu cá này sau đó đã không chịu hợp tác, chạy với tốc độ cao, liên tục chủ động đâm, va vào tàu tuần tra khiến lan can hai bên mạn tàu kiểm ngư bị hư hỏng nặng. Đến khi tổ công tác sang được tàu vi phạm thì bị các đối tượng trên tàu dùng dao chống trả quyết liệt, một đối tượng còn lại dùng rìu xuống hầm đục đáy nhằm đánh chìm tàu để "ăn vạ tổ công tác….

bna_Kiểm ngư 6. CTV.jpg
Lực lượng Kiểm ngư làm việc với chủ tàu cá. Ảnh: CTV

Kể ra những kỷ niệm sẽ theo hết suốt cuộc đời mình, Thành Cường cho biết, vì mẹ già ở một mình không ai chăm sóc, nên anh quyết định tìm công việc khác, nhưng cho đến nay vẫn xem tàu như ngôi nhà đầy ấm áp tình thân. “Em đã rời tàu kiểm ngư một thời gian dài, nhưng khi rỗi thì vẫn thường xuống thăm tàu, thăm anh em. Nghề biển lạ lắm, luôn cồn cào day dứt nhớ biển…” – Thành Cường tâm sự.

Sẽ có sự chia sẻ?

Sau khi Báo Nghệ An thông tin về 10 lao động trên tàu kiểm ngư bị dừng việc do vướng quy định, tàu kiểm ngư phải nằm bờ, dừng hoạt động kiểm ngư trên biển do thiếu người vận hành, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ với 10 lao động, mong muốn cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ vướng mắc để họ tiếp tục được làm việc, để tàu kiểm ngư tiếp tục được hoạt động.

Với Ban Chấp hành Công đoàn Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, thì đã có văn bản báo cáo lên Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó báo cáo rõ thực trạng đáng lo trong thực hiện công tác kiểm ngư trên biển; nguyện vọng thiết tha được tiếp tục làm việc trên tàu kiểm ngư của 10 lao động. Nhưng lý do dẫn ra gồm, những đoàn viên này đã lớn tuổi, đã gắn bó, công tác tại đội tàu từ 10 đến 20 năm, việc đi tìm một công việc khác phù hợp là rất khó khăn; trong khi công việc trên tàu kiểm ngư là nhiệm vụ đặc thù, đòi hỏi phải có những người có sức khỏe tốt, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, có kinh nghiệm về luồng lạch, am hiểu về thủy triều và thời tiết, khí tượng thủy văn mà không phải ai cũng có thể làm ngay được... bna_Kiểm ngư 9. Thành Cường.jpg
Văn bản báo cáo của Ban Chấp hành Công đoàn Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư gửi lên Công đoàn ngành NN&PTNT. Ảnh: Thành Cường

Qua đó, đề xuất: “Từ những tồn tại, khó khăn trên, để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động cũng như việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cấp bách về tuần tra, kiểm soát trên biển nhằm góp phần tháo gỡ thẻ Vàng của Ủy ban châu Âu EC, Ban Chấp hành Công đoàn Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư kính đề nghị Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương về việc Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tiếp tục ký Hợp đồng lao động đối với các đoàn viên đã công tác trên 2 tàu kiểm ngư đến khi đào tạo, tuyển dụng được cán bộ theo Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt…”.

Từ kiến nghị của Ban Chấp hành Công đoàn Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, liên hệ với ông Nguyễn Tất Hòa – Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được ông cho biết: “Công đoàn ngành đã nhận được báo cáo của Công đoàn Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư. Chúng tôi cũng đã trao đổi với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được thông báo, ngày gần đây Chủ tịch UBND tỉnh sẽ làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong báo cáo của Sở trình lên Chủ tịch UBND tỉnh, có nêu thực trạng bất cập của công tác kiểm ngư trên biển liên quan đến việc dừng công việc của 10 lao động trên tàu kiểm ngư do vướng quy định. Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hy vọng qua buổi làm việc này, những vấn đề liên quan sẽ được xem xét, tháo gỡ, sẽ giúp 10 lao động được tiếp tục làm việc, để công tác kiểm ngư trên biển được hoạt động trở lại…”.

Mới nhất

x
Chuyện đời Kiểm ngư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO