Nghệ An là 1 trong 10 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước

Mỹ Hà 29/02/2020 17:59

(Baonghean) - So với nhiều tỉnh, thành khác, công tác dân số Nghệ An còn nhiều những thách thức, khó khăn khi Nghệ An vẫn là 1 trong 10 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước và chưa đạt những mức sinh thay thế. Trong khi đó, hiện nay, các chính sách khuyến khích thì không còn phù hợp với hoàn cảnh mới.

Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định một số chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An bắt đầu có hiệu lực từ năm 2015 và đã có ý nghĩa tích cực đối với công tác dân số của tỉnh nhà. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, một số chính sách cũng cần phải điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ mới.

“Bệ đỡ” cho công tác dân số

So với nhiều địa phương khác, công tác dân số của huyện Nghi Lộc gặp nhiều khó khăn với những đặc thù riêng, đặc biệt gần 50% dân số ở vùng đặc thù, vùng biển. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, việc thực hiện các chỉ tiêu về Dân số - KHHGĐ có những kết quả khả quan.

Lãnh đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ và UBND thành phố Vinh trao quà cho các gia đình thực hiện chính sách dân số. Ảnh: Mỹ Hà

Cụ thể, nếu như năm 2015, mức sinh trên toàn huyện là 20,4 %o thì đến năm 2019 giảm xuống còn 16,8%o; Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 23,8% năm 2015 giảm xuống 23,4% năm 2019; Tỷ lệ phát triển dân số hàng năm ổn định ở mức 1-1,2%; tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại từ 56,1% năm 2015 tăng lên 57,8% năm 2019; Chênh lệch giới tính khi sinh từ 123 nam/100 nữ năm 2015 giảm xuống còn 109 nam/100 nữ năm 2019; Tỷ lệ người dân sinh sống ven biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được nâng lên từ 72,3% năm 2015 lên 90% năm 2019; Số xóm không có người sinh con thứ 3 tăng dần qua các năm...

Để có được những kết quả này, trong những năm qua Nghi Lộc là một trong những huyện làm tốt các chính sách dân số, đặc biệt là trong công tác đầu tư để nâng cao hiệu quả hoạt động của các chương trình. Theo đó, hằng năm, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn đã nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện Nghị Quyết 170/2015/NQ - HĐND.

Người dân huyện Yên Thành diễu hành để tuyên truyền về chính sách dân số. Ảnh: Mỹ Hà.
Người dân huyện Yên Thành diễu hành tuyên truyền về chính sách dân số. Ảnh: Mỹ Hà.

Ông Võ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm - Dân số/KHHGĐ huyện Nghi Lộc cho biết: “Nghị quyết số 17 về chính sách dân số là một cơ sở quan trọng để chúng tôi triển khai các chương trình và tham mưu, đề xuất những giải pháp cho công tác dân số của huyện nhà. Chỉ tiêu về Dân số - KHHGĐ được xác định là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong phát triển KT - XH và được gắn với các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng khối, xóm, làng văn hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Đặc biệt, dù điều kiện ngân sách còn hạn hẹp nhưng năm nào huyện và 100% số xã trên địa bàn đều cấp kinh phí để đầu tư cho công tác dân số với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, một số địa phương đầu tư ở mức tương đối cao so các đơn vị khác như Phúc Thọ (175 triệu đồng), Nghi Long (106 triệu đồng), Nghi Mỹ (91 triệu đồng), Nghi Tiến (78 triệu đồng), Nghi Phong (77 triệu đồng), Nghi Công Nam (71 triệu đồng)... Hằng năm, huyện đều có chính sách khen thưởng với những thôn, xóm thực hiện tốt chính sách dân số và phê bình, khiển trách hoặc cắt danh hiệu thi đua đối với những đơn vị vi phạm.

Một buổi tuyên truyền về SKSS cho học sinh huyện Quỳ Hợp. Ảnh: P.V

Huyện Yên Thành là địa phương đầu tiên có chính sách hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng các mô hình nhằm ổn định mức sinh, hạ tỷ lệ phát triển dân số, hạ tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và nâng cao chất lượng dân số với mức hỗ trợ 160 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, huyện cũng có chính sách hỗ trợ cho khối, xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên với mức hỗ trợ ít nhất từ 2 triệu đồng/năm (dành cho khối, xóm 2 năm liên tục làm tốt chính sách dân số).

Mức hỗ trợ cũng sẽ tăng lên theo từng năm và kể từ năm thứ 6 trở đi, cứ mỗi năm liền kề đạt xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên thì được hỗ trợ tăng thêm 1 triệu đồng so với năm trước. Với những xã không có người sinh con thứ 3 trở lên 1 năm UBND huyện tặng Giấy khen và hỗ trợ 20.000.000 đồng (bằng mức hỗ trợ của UBND tỉnh).

"Nhờ có những chính sách về dân số nên trong thời gian qua chúng tôi đã xây dựng được 11 mô hình về công tác giảm sinh. Ngoài ra, việc mở rộng từ nguồn kinh phí theo cơ chế, chính sách hỗ trợ của huyện, của xã, thị trấn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận nhiều hơn với thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tạo được sự đồng thuận của quần chúng, nhân dân".

Ông Phan Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Yên Thành.

Cần có những chính sách mới phù hợp

Trên toàn tỉnh, việc thực hiện chính sách dân số theo Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh và các chính sách khác gắn với các địa phương đã góp phần quan trọng để thúc đẩy và khuyến khích đội ngũ làm công tác dân số của tỉnh và đưa công tác dân số có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chính sách mới cũng cần những điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh mới, nhất là khi ngành dân số đang chuyển trọng tâm từ Dân số - KHHGĐ sang Dân số và phát triển và Nghệ An thì còn đó rất nhiều những thách thức, khó khăn khi Nghệ An vẫn là 1 trong 10 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước và chưa đạt những mức sinh thay thế.

Nói về những bất cập trong việc thực hiện các chính sách dân số hiện nay, mới đây Chi cục Dân số - KHHGĐ cũng đã tổ chức một cuộc họp để lấy ý kiến nhằm điều chỉnh Nghị quyết số 170 và nhiều ý kiến cũng thẳng thắn cho rằng, nhiều chính sách chưa hợp lý và ngày càng khó thực hiện. Trong khi đó, chính sách khuyến khích mà tỉnh đưa ra lại chưa đủ để động viên, khích lệ cơ sở.

Viêc tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng trong công tác dân số. Ảnh: Mỹ Hà.
Viêc tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng trong công tác dân số. Ảnh: Mỹ Hà.

Đơn cử như việc khen thưởng khối, xóm không có người sinh con thứ 3, trước đây được giao cho HĐND các huyện, thành, thị quy định; tuy nhiên, mức khen thưởng ở các địa phương không giống nhau và còn khá thấp, thậm chí một số địa phương không bố trí kinh phí hoặc 2 năm trở về đây đã bị cắt giảm. Điều đáng nói, gần đây số khối, xóm trên địa bàn đã sáp nhập khá nhiều thế nên việc thực hiện xây dựng các mô hình không có người sinh con thứ 3 trở lên càng khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Bản – Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên cho rằng: “Những năm trước, mỗi năm huyện chúng tôi có khoảng 80 khối, xóm không sinh con thứ 3. Nhưng năm nay, sau khi sáp nhập hơn 100 khối, xóm thì chỉ còn chưa đến 10 xóm làm tốt chính sách dân số. Tuy nhiên, những đơn vị này trong năm qua cũng không còn được khen thưởng. Vì thế, tôi rất lo ngại khi một số chính sách dân số bị “nới lỏng” thì việc gia tăng và bùng nổ việc sinh con thứ 3 sẽ gia tăng...”.

Tuyên truyền về chính sách dân số cho người dân huyện Con Cuông. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, huyện Hưng Nguyên có khối đã hơn 20 năm không có người sinh con thứ 3 nhưng đến năm vừa rồi cũng đã có người vi phạm và điều này một phần xuất phát từ việc chưa có chính sách khuyến khích động viên để toàn chính quyền cùng vào cuộc.

Liên quan đến khen thưởng, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chính sách khuyến khích xã không có người sinh con thứ 3 hiện nay chưa hợp lý vì đây là một chỉ tiêu rất khó đạt (số xã đủ tiêu chí hàng năm chỉ đếm trên đầu ngón tay). Vì thế, tỉnh cần tăng mức khen thưởng cho những đơn vị làm tốt công tác dân số.

“Hiện nay, các khối , xóm đã sáp nhập và lượng công việc của các cộng tác viên dân số đã gấp 2, gấp 3 so với giai đoạn trước. Vì thế, mức hỗ trợ bằng 0,1% mức lương cơ bản là không còn phù hợp. Ngoài ra, cũng nên có chính sách khuyến khích những địa phương duy trì tốt việc mất cân bằng giới tính khi sinh, vì đây là vấn đề rất quan trọng và đang có xu hướng ngày càng gia tăng mất cân đối”.

Bà Trần Thị Lương - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Diễn Châu.

Mới nhất

x
Nghệ An là 1 trong 10 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO