Ngành dân số Nghệ An nỗ lực giảm mức sinh

Mỹ Hà 24/04/2023 10:04

(Baonghean.vn) - Trong khi cả nước đã duy trì được tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức dưới 2,1 thì Nghệ An vẫn là 1 trong 6 tỉnh có mức sinh cao nhất nước.

Ưu tiên vùng khó

Ngọc Sơn, Tràng Sơn và Đại Sơn là 3 xã đặc thù, khó khăn của huyện Đô Lương khi hiện nay tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn đều đang ở mức cao hoặc cao đột biến so với mặt bằng chung của tỉnh.

Giữa tháng 4, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đô Lương tổ chức khám, siêu âm, tư vấn các vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các chị em trong độ tuổi sinh đẻ tại địa bàn các xã. Trong những ngày diễn ra chương trình, số lượng người dân đến đăng ký thăm khám sức khỏe rất cao. Nhiều chị em, sau nhiều năm lơ là, nhờ được tư vấn, hỗ trợ đã thấy được tầm quan trọng của việc khám, chăm sóc sức khỏe.

Kiểm tra sức khỏe sinh sản cho người dân ở các xã có mức sinh cao của huyện Đô Lương. Ảnh: NVCC

Tại đây, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng được tư vấn các biện pháp phòng tránh thai, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, hệ lụy của việc sinh nhiều con và các giải pháp nâng cao chất lượng dân số.

Cùng với 3 xã được sự hỗ trợ của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, 15 xã khác trên địa bàn huyện Đô Lương đã hoàn thành chiến dịch lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số năm 2023 với sự tham gia của đông đảo chị em, vượt chỉ tiêu đề ra.

Việc triển khai chiến dịch và tổ chức các hoạt động truyền thông dân số có ý nghĩa rất lớn khi hiện nay tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện vẫn rất cao (30,2%). Trong số này, phần lớn là những gia đình khá giả, có điều kiện và nhiều gia đình đang thực hiện các can thiệp y tế để có thể sinh con theo ý muốn.

Thông qua việc triển khai chiến dịch, những người làm dân số có cơ hội được gặp trực tiếp người dân và thực hiện công tác tư vấn, tuyên truyền. Đồng thời, vận động người dân thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại để giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3.

Theo ông Hoàng Đức Thủy - Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Đô Lương

Thời gian qua, huyện Đô Lương thực hiện quyết liệt các giải pháp để giảm mức sinh. Các chính quyền địa phương cũng hết sức quan tâm, đầu tư kinh phí để triển khai các nhiệm vụ. Theo ông Hoàng Đức Thủy, khó khăn hiện nay trong công tác giảm sinh là mức xử lý đối với người vi phạm chính sách dân số đang từng bước được nới lỏng. Vì vậy, các trường hợp vi phạm đang ngày một gia tăng, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên, khiến cho việc tuyên truyền, vận động ngày một khó khăn hơn.

Trước đó, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai để tổ chức khám, siêu âm, tư vấn các vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các chị em trong độ tuổi sinh đẻ tại địa bàn các xã Quỳnh Long, Quỳnh Lập và Quỳnh Dị. Đây đều là những xã có mức sinh cao do người dân trên địa bàn chủ yếu sống bằng nghề đi biển và có truyền thống sinh nhiều con để có thể nối nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều gia đình vẫn có tư tưởng muốn có con trai để “nối dõi tông đường”.

Tư vấn cho người dân ở những vùng có mức sinh cao trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: DSNA

Đưa dịch vụ về những xã có mức sinh cao, xã đặc thù, khó khăn là hoạt động thường niên được ngành Dân số triển khai từ rất nhiều năm qua và đã nhận được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của chính quyền, người dân địa phương. Điều này đã góp phần quan trọng giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện chính sách dân số, giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ viêm nhiễm, tai biến sản khoa và trẻ sơ sinh tử vong.

Qua trao đổi, bà Thái Thị Tuyết – Trưởng phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Hiện nay, ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn rất cao và xu hướng vẫn còn có thể tăng trong thời gian tới. Vì thế, mục tiêu của chúng tôi là hướng đến những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để họ được khám, tư vấn và thực hiện các dịch vụ miễn phí, từ đó có ý thức nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách dân số.

Từng bước đưa về mức sinh thay thế

Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc của các ban, ngành và chính quyền địa phương, nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách Dân số - Kế hoạch hoá gia đình đã có chuyển biến tích cực, quy mô gia đình ít con được chấp nhận ngày càng rộng rãi. Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 269/KH-UBND về giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên nên việc cung cấp phương tiện tránh thai và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, sức khoẻ sinh sản trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm.

Đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn đã được bao phủ các mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình. Tỷ lệ phụ nữ từ 15-49 tuổi được cung cấp các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 75%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được đi khám đủ 3 lần đạt 95%, tỷ lệ phụ nữ được cán bộ y tế chăm sóc khi sinh đạt 90%. Tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tốc độ tăng dân số cơ bản được khống chế.

Người dân huyện Tân Kỳ đăng ký khám, kiểm tra sức khỏe. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng công tác dân số đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số lớn (đứng thứ 4 cả nước), tiềm năng sinh đẻ lớn (cứ 1 phụ nữ bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ thì có 2,5 người bước vào). Tỷ suất sinh tuy có giảm nhưng chưa vững chắc và đang ở mức cao (năm 2022 là 12,8‰ - giảm 0,6‰ so với năm 2021).

Hiện nay, Nghệ An đang trong nhóm 10 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước (số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,76 con trong khi toàn quốc là 2,1 con); tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở mức báo động (năm 2021 là 117,15 bé trai/100 bé gái và năm 2022 là 116,83 bé trai/100 bé gái). Đặc biệt, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao (năm 2021 là 29,63% và năm 2022 là 29,45%) đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu giảm sinh nhằm sớm đạt mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số.

Nếu nhìn vào mức sinh thì trong 4 năm trở lại đây, Nghệ An có xu hướng giảm, ví dụ năm 2019, tỷ lệ này ở Nghệ An là 2,75%, đến năm 2020 là 2,68%, năm 2021 là 2,6% và năm 2022 là 2,61%, trung bình mỗi năm giảm khoảng 2.000 trẻ sinh ra. Tuy nhiên, trên bình diện cả nước, mức sinh ở Nghệ An vẫn cao và điều này tác động không nhỏ đến việc đạt mức sinh thay thế. Lý do bởi Nghệ An cơ bản vẫn là một tỉnh nghèo, đời sống kinh tế, văn hóa của đại bộ phận người dân còn hạn chế, một số bộ phận người dân có phong tục tập quán lạc hậu còn cho rằng con cái là của trời cho, phải có con trai để nối dõi tông đường...

Ngoài ra, tỷ lệ người dân lao động trực tiếp còn nhiều, nhất là vùng nông thôn và vùng biển cũng cần nhiều nhân lực để lao động. Trong những năm gần đây, một số hộ gia đình kinh tế khá, tỷ lệ người giàu tăng lên, những hộ giàu có xu hướng sinh thêm con.

Ông Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

Nghệ An đang đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt mức sinh thay thế. Song song với đó, tỉnh triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về công tác dân số, đưa một số chỉ tiêu về dân số vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các đề án, mô hình, hoạt động thực hiện KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số.

Đặc biệt, Nghệ An là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong việc xây dựng các chính sách, đề ra nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác dân số./.

Mới nhất

x
Ngành dân số Nghệ An nỗ lực giảm mức sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO