Nghệ An: 'Lượng máu dự trữ không trụ quá 5 ngày do Covid-19 bùng phát'
(Baonghean.vn) - BS CKII Nguyễn Đình Khuê - Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu Nghệ An cho biết về tình trạng thiếu máu phục vụ điều trị nghiêm trọng do dịch Covid-19 bùng phát.
Hiện nay, tại Trung tâm Huyết học và Truyền máu Nghệ An có 42 người đang điều trị huyết tán bẩm sinh. Chủ yếu họ là những người khó khăn, đến từ các huyện vùng cao. Ảnh: Thành Cường |
Những bệnh nhân tan máu bẩm sinh cần phải truyền máu liên tục. Mỗi đợt truyền máu kéo dài từ 10 - 14 ngày tùy bệnh nhân. Tính chung cả viện, trung bình mỗi ngày cần 10 - 13 đơn vị máu. Ảnh: Thành Cường |
Bà Vi Thị Viện cùng cháu là Lô Minh Thịnh (6 tuổi) ở xã Môn Sơn (Con Cuông) bị tan máu bẩm sinh từ lúc 5 tháng tuổi. Mỗi đợt xuống truyền máu cháu cần khoảng 4 đơn vị máu và kéo dài 10-12 ngày. Tuy nhiên, đợt này xuống được 11 ngày và đã truyền được 3 đơn vị, còn thiếu 1 đơn vị nữa nhưng bác sĩ thông báo thiếu máu nên có thể phải chờ đến hơn 20 ngày. Ảnh: Thành Cường |
Cùng hoàn cảnh tương tự, hai anh em ruột Vi Quốc Tuấn (20 tuổi) và Vi Bảo Nam (12 tuổi) ở xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) cũng đang mòn mỏi chờ máu. Ảnh: Thành Cường |
"Những bệnh nhân tan máu bẩm sinh, hầu hết có hoàn cảnh khó khăn, người thân đều có GEN thiếu máu, không đủ sức khỏe để hiến máu, nên hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn máu từ hiến máu tình nguyện. Với tình trạng không có máu để chuyền như hiện nay, các bác sĩ phải theo dõi sức khỏe của bệnh nhân thường xuyên, phòng trường hợp lượng máu bệnh nhân thấp quá thì phải truyền máu cấp cứu ngay, còn những bệnh nhân ổn định hơn thì tiếp tục chờ. Việc điều trị sẽ phải kéo dài ngày thêm" - bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Thơ - Khoa Máu tổng hợp II cho biết. Ảnh: Thành Cường |
Tính chung toàn tỉnh, trung bình mỗi ngày, các cơ sở khám, chữa bệnh cần 130-180 đơn vị máu. Trong khi đó, tại thời điểm hiện nay, Trung tâm Huyết học và Truyền máu cũng chỉ tiếp nhận được 30 - 50 đơn vị máu/ngày. Như vậy, trung bình mỗi ngày thiếu hơn 100 đơn vị máu. Ảnh: Thành Cường |
Nguyên nhân chủ yếu do dịch Covid-19 bùng phát, khiến việc huy động máu gặp nhiều khó khăn. Từ ngày 27/4 cho đến nay, khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 từ chuyến bay đón công dân Việt Nam ở Nhật Bản trở về nước, 100% kế hoạch máu của các cơ quan, đơn vị, huyện, xã, thành, thị đều bị hủy. Lượng máu bị hụt do trì hoãn các kế hoạch hiến máu khoảng 7.300 đơn vị. Ảnh: Thành Cường |
Riêng tháng 5 và tháng 6, trên địa bàn tỉnh có 10 cuộc hiến máu bị hủy do dịch bệnh nên việc tiếp nhận máu và cung ứng máu cho các bệnh viện rất hạn hẹp. Ảnh: Thành Cường |
"Lượng máu dự trữ hiện nay của trung tâm chỉ đủ để dành cho các trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp và dịch bệnh xảy ra, còn để điều trị, mổ xẻ rất hạn hẹp" - Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Văn Thái - Trưởng Khoa Truyền máu cho biết. Ảnh: Thành Cường |
Với tình trạng nguồn cung ngày càng hiếm mà nhu cầu của người bệnh vẫn tiếp tục tăng cao, Trung tâm Huyết học và Truyền máu đang phải lấy máu ở trong kho dự trữ ra sử dụng. Dự báo, nếu tình trạng này kéo dài thì ngân hàng máu hiện tại cũng chỉ trụ không quá 5 ngày. Ảnh: Thành Cường |