Chống vi phạm trong thi hành công vụ
(Baonghean.vn) - Trên địa bàn Nghệ An thời gian qua xảy ra một số vụ việc liên quan đến hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ, đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Điểm danh vụ việc
Mới đây nhất, ngày 13/8/2021, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can ở xã Hợp Thành, huyện Yên Thành về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự.
4 bị can Nguyễn Công Bằng, Trương Văn Chung, Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Văn Mão. Ảnh tư liệu : Bình Minh - Trọng Tuấn |
Các bị can gồm: Nguyễn Văn Mão (SN 1963), nguyên Chủ tịch UBND xã Hợp Thành; Trương Văn Chung (SN 1973), nguyên Kế toán trưởng UBND xã; Nguyễn Công Bằng (SN 1986), nguyên là công chức địa chính, xây dựng, nông nghiệp, môi trường; Nguyễn Thị Thương (SN 1977), nguyên là công chức Tư pháp kiêm thủ quỹ UBND xã. Đồng thời, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc; ra lệnh bắt tạm giam thời hạn 4 tháng đối với bị can Nguyễn Văn Mão và Trương Văn Chung; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Nguyễn Thị Thương và Nguyễn Công Bằng.
Cơ quan Công an tiến hành kiểm đếm tài sản liên quan và tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can ở xã Hợp Thành, huyện Yên Thành về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” . Ảnh tư liệu: Bình Minh-Trọng Tuấn |
Theo tài liệu điều tra: Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, ông Nguyễn Văn Mão, thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã Hợp Thành đã chỉ đạo cấp dưới lấy tiền ngân sách chi trái quy định, số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Để hợp thức hóa các khoản chi trái quy định này và che giấu hành vi sai phạm, cuối năm 2018, ông Mão đã chỉ đạo cấp dưới, gồm ông Chung, ông Bằng, bà Thương lập khống bộ hồ sơ chi hỗ trợ xây dựng Nhà Văn hóa xóm Chùa, xã Hợp Thành, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền 300 triệu đồng. Trên thực tế Nhà Văn hóa xóm Chùa, xã Hợp Thành đã được UBND xã hỗ trợ xây dựng vào năm 2017, số tiền 350 triệu đồng. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra đang tích cực mở rộng điều tra, củng cố chứng cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi cố ý trực tiếp lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện vì vụ lợi hoặc có động cơ cá nhân khác. Trước đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số cán bộ, công chức, đảng viên bị khởi tố, điều tra, truy tố… vì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ như nhóm cán bộ liên quan đến sai phạm trong thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu.
Hay vụ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập khống hồ sơ thực hiện chế độ hỗ trợ cho người dân có diện tích cây trồng, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do thiên tai, gây thất thoát hơn 720 triệu đồng giai đoạn 2014-2018, khiến nguyên 2 lãnh đạo xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc và công chức địa chính bị khởi tố. Rồi các sai phạm xảy ra ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp… gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng.
Các đối tượng nguyên là cán bộ xã Nghi Tiến huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu: Vương Linh |
Bên cạnh đó, hành vi vượt quá quyền hạn, lạm quyền, làm trái công vụ được giao cũng để lại nhiều bài học đau xót. Điển hình là những vụ việc liên quan đến bán đất trái thẩm quyền khiến một số người nguyên là cán bộ xã, xóm rơi vào vòng lao lý xảy ra ở một số địa phương như xã Phúc Thành (Yên Thành), Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái (Tân Kỳ), Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên)…
Những vụ việc trên là sự cảnh báo về vi phạm đạo đức công vụ, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên. Những vụ việc này không chỉ gây thất thoát về kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, của bộ máy chính quyền Nhà nước các cấp mà còn tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Theo Điều 356, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, theo Điều 357, BLHS năm 2015, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nâng cao đạo đức công vụ, phát huy “tai mắt” nhân dân
Nguyên nhân chính dẫn đến hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền trong thi hành công vụ là do nhận thức, năng lực, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên còn hạn chế. Công tác giáo dục đạo đức công vụ và xử lý vi phạm đạo đức công vụ chưa thật sự hiệu quả; chưa phát huy hết vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; việc ban hành chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chậm, thiếu quyết liệt trong thực thi nên hiệu quả chưa cao…
Lực lượng chức năng đọc lệnh bắt ông Kim Văn Bốn - Nguyên cán bộ Phòng chính sách (Ban dân tộc tỉnh). Ảnh tư liệu: Trọng Tuấn |
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn” là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống rất nghiêm trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Bởi vậy đấu tranh, ngăn chặn vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước liêm chính và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Muốn làm được điều này, trước hết, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phòng, chống hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Trong công tác đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hàng năm, ngoài bám các quy định của Đảng, Luật Công chức, viên chức cần lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về trách nhiệm nêu gương, đạo đức nghề nghiệp, quá trình thực thi công vụ làm căn cứ.
Giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu minh họa |
Để cụ thể hóa Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 8/7/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 2993-QĐ/TU về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của tỉnh.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ, chức trách, quyền hạn của cán bộ, đảng viên. Thông qua nhiều hoạt động như thanh tra công vụ, chuyên ngành, chuyên đề, tự kiểm tra nội bộ, cải cách hành chính…
Phát huy “tai mắt” nhân dân, vai trò của báo chí cũng là một giải pháp quan trọng trong đấu tranh ngăn chặn hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền trong thi hành công vụ để trục lợi. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn được phát giác từ quần chúng nhân dân, báo chí và dư luận xã hội.
Điển hình như hành vi lập khống hồ sơ chi hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa xóm của một số người nguyên cán bộ xã Hợp Thành (Yên Thành) hay sai phạm trong bồi thường GPMB tái định cư Dự án Thủy điện Chi Khê của một số đối tượng nguyên là cán bộ thôn 2/9, xã Châu Khê (Con Cuông)… đều được ngành chức năng vào cuộc điều tra bắt nguồn từ sự tố giác, tố cáo sai phạm của công dân.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Anh Đức-nguyên là nhân viên lao động của Công ty cổ phần Thủy điện Chi Khê, về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ảnh tư liệu: Đức Vũ |
Bên cạnh đó, mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, cũng đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải nêu cao ý thức tự giác trong thực hành đạo đức công vụ;xác định bổn phận, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, tận tâm, tận lực làm tròn phần việc được giao./.