Nghệ An mở rộng diện tích lúa chất lượng cao
(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, Nghệ An đã có nhiều giải pháp tăng diện tích lúa chất lượng cao, từ đó đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thị trường cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.
Diện tích tăng nhanh
Vụ xuân năm 2023, xã Hoa Thành (Yên Thành) gieo cấy hơn 200 ha lúa, trong đó, lúa TBR225 là giống chủ lực, với diện tích 118 ha, chiếm 57,5%. Ông Nguyễn Công Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có 90 ha sản xuất liên kết, gồm 40 ha lúa giống và 50 ha lúa thương phẩm, liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa TBR225, HD11, HDT10, với giá thu mua 6.100 đồng/kg thóc tươi. Những diện tích còn lại, xã tập trung cơ cấu theo hướng năng suất, chất lượng, với các giống như nếp N97, VNR20, Thiên ưu 8.
“Tăng diện tích sản xuất giống lúa chất lượng cao, liên kết sản xuất lúa giống đã đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao mà lại rất thuận lợi tiêu thụ, đỡ công phơi, bảo quản sau thu hoạch” - ông Nguyễn Công Hồng nói.
Giống lúa thuần chất lượng cao QJ1 của Tập đoàn TH chọn tạo. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An |
Mỗi năm, huyện Yên Thành gieo cấy trên dưới 24.000 ha lúa, qua các vụ sản xuất, cơ cấu giống lúa tiếp tục chuyển đổi mạnh theo hướng tập trung sản xuất lúa chất lượng, có giá trị cao, khả năng chống chịu tốt gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm. Năm 2022, diện tích lúa có chất lượng là hơn 9.300 ha/24.300 ha, chiếm 38,32% diện tích.
Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong những năm qua, nhiều mô hình hiệu quả trong thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đã hình thành. Năm 2022, toàn huyện có hơn 4.000 ha lúa sản xuất liên kết thu mua lúa hàng hóa, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Huyện cũng xây dựng 46 mô hình sản xuất lúa với tổng diện tích gần 2.830 ha.
“Thực tế, mặc dù các giống lúa thuần chất lượng cao thường chỉ đạt năng suất bình quân 6,5 - 6,6 tấn/ha, trong khi lúa lai có thể đạt trên 7 tấn/ha, nhưng do chất lượng gạo ngon, giá bán cao hơn từ 10 - 15%, nên vẫn đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân”
- Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ -
Vụ xuân năm 2022, không chỉ là vụ sản xuất đầu tiên huyện Hưng Nguyên có diện tích lúa chất lượng cao vượt kế hoạch đề ra, mà cũng lần đầu tiên, 18/18 xã, thị trấn đồng loạt triển khai xây dựng, sản xuất các cánh đồng lớn. Diện tích lúa thuần chất lượng cao trên địa bàn đạt tới 3.922 ha trong tổng số 5.180 ha lúa xuân của huyện.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất lúa vụ xuân tại các địa phương. Ảnh: Phú Hương |
Từ nhiều năm nay, trên 4 sào ruộng của gia đình, bà Nguyễn Thị Quý ở xóm 6A, xã Hưng Đạo chỉ gieo cấy lúa chất lượng cao. “Lúa P6 này hay bị các loại sâu bệnh hại, nhất là bệnh đạo ôn thì nặng nhẹ hầu như năm nào cũng bị. Nhưng tôi vẫn sử dụng để sản xuất vì gạo ngon, có bán cũng được giá cao hơn”, bà Quý chia sẻ.
Huyện Hưng Nguyên cũng xây dựng được 35 mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa với tổng diện tích 698 ha; 1 mô hình 6 ha sản xuất lúa hữu cơ tại xã Châu Nhân. Các cánh đồng lớn đều sử dụng những giống lúa có khả năng thích ứng trên nhiều chân đất khác nhau, khả năng chịu thâm canh tốt, chất lượng gạo tốt, hạt gạo dài trắng, trong, cơm mềm, dẻo, có mùi thơm nhẹ, vị đậm, ngon, thích hợp sản xuất hàng hóa. Theo đánh giá, năng suất thực thu trung bình của các cánh đồng lớn đạt 68,3 tạ/ha, doanh thu trung bình tăng 18,6% so với sản xuất đại trà.
Ngoài ra, huyện cũng tiếp tục đưa một số giống lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất trình diễn để từ đó nhân rộng trên địa bàn. Bà Phan Thị Giang - chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Nhiều năm qua, huyện Hưng Nguyên luôn tập trung chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng giống lúa có chất lượng, đặc biệt là lúa thuần chất lượng cao để xây dựng thương hiệu lúa, gạo Hưng Nguyên. Huyện thường xuyên trích ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các địa phương dồn điền, đổi thửa, xây dựng các cánh đồng lớn để sản xuất lúa chất lượng cao.
Nhiều giống lúa chất lượng cao đem lại năng suất, hiệu quả tốt ở huyện Diễn Châu. Ảnh: Phú Hương |
Sản xuất thâm canh lúa chất lượng cao
Nếu trước đây, trong sản xuất lúa của Nghệ An, lúa lai luôn chiếm ưu thế, thì nhiều năm trở lại nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã dần chuyển hướng tăng diện tích các giống lúa chất lượng. Có thể khẳng định, đây là xu hướng tất yếu, khi sản lượng lương thực đã đáp ứng đủ, thậm chí thừa so với nhu cầu; người tiêu dùng dần chuyển sang xu hướng sử dụng những sản phẩm có chất lượng, thơm ngon.
Nghệ An đã giảm dần diện tích lúa có năng suất thấp, chất lượng kém như Nhị ưu 838, Nhị ưu 986... và tăng dần các giống lúa lai và lúa thuần có chất lượng tốt. Nếu trước đây diện tích lúa lai trong vụ xuân chiếm tới 60.000 ha (trên 60% tổng diện tích lúa), thì đến vụ xuân năm nay, trong 91.000 ha lúa thì lúa lai chiếm chưa đầy 40.000 ha; đáng ghi nhận, diện tích lúa chất lượng (cả lúa lai và lúa thuần) vụ xuân 2023 là trên 41.500 ha.
Nông dân huyện Yên Thành thu hoạch lúa. Ảnh: Phú Hương |
Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Nghệ An tiếp tục chủ trương hỗ trợ, đưa nhanh các giống lúa vừa có năng suất cao, vừa có chất lượng gạo khá trở lên; ưu tiên phát triển mở rộng diện tích các giống lúa chất lượng cao làm hàng hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất; với các giống lúa chủ lực như VNR 20, TBR 225, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, Thái xuyên 111, VT 404, Long hương 8117…
Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất lúa, nhất là lúa chất lượng cao, như chính sách hỗ trợ giống lúa thuần mới, năng suất cao, chất lượng tốt; hỗ trợ mua máy cấy, máy phun thuốc trừ sâu không người lái, hỗ trợ tiền thuê quyền sử dụng đất...
Lãnh đạo tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT trao đổi với đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Diễn Liên (Diễn Châu) về vấn đề liên kết sản xuất, bao tiêu lúa giống chất lượng. Ảnh: Phú Hương |
Các địa phương cần khai thác tốt chính sách hiện hành cũng như trích ngân sách của địa phương để hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, làm “cầu nối” liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tích cực giới thiệu sản phẩm, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
“Các giống có năng suất cao, gạo chất lượng thường dễ nhiễm sâu bệnh và mẫn cảm với thời tiết, nên các địa phương, ngành chuyên môn và người dân cần có giải pháp kỹ thuật đồng bộ để đảm bảo an toàn sản xuất; tăng sử dụng phân hữu cơ, chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, sản xuất tuân thủ nghiêm túc quy trình kỹ thuật”, ông Nguyễn Tiến Đức khuyến cáo./.