Nghệ An: Mục tiêu nâng vị trí xếp hạng PCI vào nhóm 15-20 của cả nước

31/08/2017 08:19

(Baonghean) - Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đang được tỉnh Nghệ An nỗ lực thực hiện, coi là "chìa khoá" để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Chuyển biến tích cực

Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được ban hành hành theo Quyết định số 2595/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu nâng cao điểm số và thứ hạng PCI so với cả nước và khu vực Bắc Trung bộ. Sau 5 năm triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đề ra, kết quả chỉ số PCI của Nghệ An từ năm 2012 đến nay liên tục được cải thiện.

Năm 2016 là năm thành công khi chỉ số PCI của Nghệ An đạt 59,45 điểm cao nhất từ trước đến nay, xếp thứ 25/63 cả nước, tăng 5,09 điểm và tăng 21 bậc so với năm 2012. Xét trong mối tương quan với các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, thứ hạng PCI của Nghệ An cũng đã có sự chuyển biến tích cực; năm 2016 tăng 4 bậc so với năm 2012, từ vị trí thứ 6/6 khu vực Bắc Trung bộ (năm 2012) lên vị trí thứ 2/6 (năm 2016), đứng sau Thừa Thiên - Huế.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Việt Phương
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Việt Phương

Quan trọng hơn, nhận thức của các cấp sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. VÌ thế, môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện tốt; điều này tác động tích cực đến kết quả thu hút đầu tư vào Nghệ An trong những năm vừa qua. Trao đổi của ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh cho biết, trong giai đoạn 2012-2016, thu hút đầu tư đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Số lượng dự án và quy mô, chất lượng tăng dần qua các năm, cơ cấu lĩnh vực của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng hợp lý, giảm số lượng các dự án trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, tăng số lượng và quy mô các dự án trong lĩnh vực chế biến, sử dụng nhiều lao động.

Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn, có tính đột phá và mang tính chiến lược như: Tổ hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP Nghệ An, Khu công nghiệp Hemaraj, Nhà máy sản xuất tôn Hoa Sen, Nhà máy chế biến gỗ MDF, Xi măng Sông Lam, Tổ hợp thương mại, dịch vụ Vingroup, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh giai đoạn 2...

Đồng thời, tỉnh cũng nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, có thương hiệu như Tập đoàn Becamex, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Massan, Vingroup, Vinamilk, TH, Tôn Hoa Sen, Tập đoàn The Vissai, Royal Food, Cargill, FPT, BSE,... Các dự án này sẽ là động lực hạt nhân, lan tỏa có tính đột phá cho tỉnh Nghệ An trong giai đoạn 2016 - 2020.

Sản phẩm dệt may dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An. Ảnh: Việt Phương
Sản phẩm dệt may dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An. Ảnh: Việt Phương

Kết quả trên đã phản ánh việc thực hiện hiệu quả, đồng bộ nhiều chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện từng chỉ số thành phần PCI của cả hệ thống chính quyền trong thời gian qua.

Giảm gánh nặng “chi phí”

Hiện nay, mặc dù tổng điểm PCI của Nghệ An có chuyển biến, cải thiện nhưng vẫn còn một khoảng cách tương đối xa so với các tỉnh nằm trong top đầu cả nước; đồng thời xu hướng cải thiện chưa ổn định.

Năm 2016, PCI của Nghệ An thấp hơn Đà Nẵng (là thành phố dẫn đầu cả nước về PCI) 10,55 điểm, thấp hơn Quảng Ninh 6,15 điểm, thấp hơn Đồng Tháp 5,51 điểm... Một số tiêu chí hầu như không có chuyển biến, thậm chí bị giảm điểm, giảm thứ bậc, thuộc nhóm trung bình hoặc thấp so với cả nước; ví như chỉ số chi phí không chính thức (xếp 60/62), tiếp cận đất đai (xếp 52/63). Đây là những rào cản ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Theo số liệu của VCCI trong quá trình điều tra tổng hợp chỉ số PCI, trong năm 2016 có đến 14,86% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức; 60,81% doanh nghiệp đồng ý rằng hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến; tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức để giải quyết công việc vẫn ở mức cao (72,73%).

Sản xuất đá trắng trên dây chuyền hiện đại ở Quỳ Hợp. Ảnh: Cao Duy Thái
Sản xuất đá trắng trên dây chuyền hiện đại ở Quỳ Hợp. Ảnh: Cao Duy Thái

Mới đây, tại Hội thảo cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và thúc đẩy sáng kiến xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, huyện, thị (DDCI) do UBND tỉnh phối hợp với VCCI chi nhánh Nghệ An tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về giải pháp cải thiện chỉ số PCI.

Ông Tuấn cho rằng, một trong những giải pháp cải thiện chỉ số PCI là làm cho doanh nghiệp đang hoạt động cảm thấy hài lòng, phải xây dựng một nền hành chính phục vụ. Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hài lòng với môi trường kinh doanh là cách xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất. Để cải thiện chỉ số PCI, ngoài sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, cần sự chuyển biến mạnh mẽ của cấp sở ngành, huyện, thị.

Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2020 nâng vị trí xếp hạng PCI vào nhóm 15-20 của cả nước. UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đang xây dựng các giải pháp chung và các giải pháp cụ thể cho từng chỉ số thành phần, trong đó đặc biệt chú trọng các chỉ số thành phần có chưa có sự cải thiện hoặc còn giảm sút điểm ở các năm trước. Lãnh đạo tỉnh cũng xác định rõ trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, giám sát và tổ chức thực hiện của từng cơ quan, đơn vị; đề ra các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện, kết quả cần đạt được; đồng thời giao trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp để tổ chức thực hiện và thời gian hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Một trong những sáng kiến cải thiện chỉ số PCI chính là xây dựng, áp dụng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, huyện, thị (DDCI). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa cho biết: “Mục tiêu của DDCI chính là tạo sự cạnh tranh về chất lượng điều hành kinh tế, khả năng cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của cấp sở, ngành, huyện, thị. Việc xây dựng và áp dụng được DDCI sẽ đưa các cơ quan, đơn vị của tỉnh vào phong trào chung trong cải cách, rút ngắn thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà; đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua ý kiến khảo sát của mình đóng góp tiếng nói vào các hoạt động điều hành kinh tế của địa phương”.

Việt Phương

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nghệ An: Mục tiêu nâng vị trí xếp hạng PCI vào nhóm 15-20 của cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO