Nghệ An nằm trong tốp khá về phát triển thương mại điện tử

Thu Huyền 28/11/2023 13:46

(Baonghean.vn) - Tại Diễn đàn "Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2023" vừa tổ chức tại TP.HCM, Nghệ An đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ, xếp thứ 14 cả nước.

Phát triển đồng bộ thương mại điện tử

Thực hiện Quyết định số 411/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số, thời gian qua, Sở Công Thương đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ đưa các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm ocop, sản phẩm công nghiệp nông thôn... lên sàn thương mại điện tử; tập huấn, hỗ trợ kinh phí xây dựng website và xây dựng gian hàng online trên sàn giao dịch; triển khai mô hình Chợ 4.0, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; mời các đơn vị, doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch quốc tế uy tín như Amazon, Alibaba…

bna_chính.Các sản phẩm mây tre đan - Công ty TNHH Đức Phong đã được đưa lên các sàn.jpeg
Sản phẩm mây, tre đan của Công ty TNHH Đức Phong đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: T.H

Sau 5 tháng triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0 tại 6 chợ là chợ Vinh, chợ Giát, chợ Đô Lương, chợ Ga Vinh, chợ Hôm, chợ Tân Thành, bước đầu đã thu được nhiều kết quả khả quan với hơn 1.300 tiểu thương tham gia kết nối, 4.000 giao dịch và dòng tiền trao đổi hơn 12 tỷ đồng. Với những kết quả đã đạt, Sở Công Thương đã có công văn chỉ đạo Viettel Nghệ An và các đơn vị liên quan mở rộng mô hình chợ 4.0 ra các cụm ngoài chợ (các trung tâm thương mại, cụm dân cư, các tuyến phố mua bán lớn…)

Để phát triển kinh tế số, cùng với tập trung phát triển hạ tầng số, phát triển nhân lực chuyển đổi số, Sở Công thương chủ động hỗ trợ đưa các sản phẩm Nghệ An lên sàn. Đến 31/10/2023, Sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An đã hỗ trợ được hơn 473 doanh nghiệp và thương nhân đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng; Thu hút trên 9,3 triệu lượt truy cập; Giới thiệu và chào bán 3.723 các sản phẩm và dịch vụ. Ngoài sàn giao dịch do Sở Công Thương quản lý, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều Sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia như: Sàn giao dịch chovinh.com của Công ty Cổ phần Golden City, Sàn chonhadatvinh.com của Công ty Công ty Cổ phần Phần mềm Gruu…

Tính đến 31/10/2023, tổng số doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ sản xuất nông nghiệp Nghệ An… được đưa lên các sàn là 266.373 hộ, với 8.836 sản phẩm, xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn. Trong đó, hơn 95% sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An đã lên các sàn. Một số sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã lên sàn như: Các sản phẩm mây tre đan - Công ty TNHH Đức Phong; Trà túi lọc cà gai leo, Trà túi lọc dây thìa canh, Trà túi lọc Giảo cổ lam - Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát; Ống tre đa năng - Hợp tác xã Trà Lân Con Cuông…

Không chỉ tham gia sàn hay sử dụng website của mình để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhiều đơn đơn vị, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã ứng dụng lợi thế các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Zalo… để quảng bá, tương tác, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Đây chính là giải pháp đưa số hóa vào cuộc sống của người dân một cách thiết thực và hiệu quả nhất, từ đó thúc đẩy phát triển các hình thức giao thương đa dạng.

bna_sản phẩm OCOP nghệ an trưng bày tại siêu thị. ảnh Thu huyền.jpg
bna_đưa sản phẩm ocop vào siêu thị  ảnh thu huyền.jpg
Đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị. Ảnh: Thu Huyền

Việc ứng dụng thương mại điện tử ngày càng tăng nhanh. Một số dịch vụ như giải trí, đào tạo, tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa, học trực tuyến, tra cứu điểm thi,... đã mang lại hiệu quả rõ nét, nhu cầu ứng dụng của trong cuộc sống. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng được các ngân hàng triển khai rộng rãi, phổ biến đến tận các cơ sở, hộ kinh doanh, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích cầu hoạt động mua sắm.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, ước tính với doanh thu bán lẻ thương mại điện tử năm 2023 sẽ đạt 20,5 tỷ USD, doanh thu chiếm khoảng 7,8- 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với vị trí xếp hạng thương mại điện tử của Nghệ An năm 2023 thì tỷ trọng doanh thu trong tổng mức bán lẻ của Nghệ An dự ước đạt từ 7,5 đến 8%.

Những hạn chế

Thương mại điện tử và Kinh tế số tại Nghệ An đã có bước nhảy tốt, chỉ số xếp hạng thương mại điện tử Nghệ An nhiều năm liền nằm trong top khá cả nước. Mới đây, tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2023 tổ chức tại TP.HCM, Nghệ An đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ, xếp thứ 14 cả nước (tăng 1 bậc so với năm 2022).

Tuy vậy, theo đánh giá của Sở Công Thương, một bộ phận doanh nghiệp, người dân khả năng khai thác, sử dụng Internet còn chưa cao nên đây là một trong những khó khăn, trở ngại nhất khi triển khai các ứng dụng thương mại điện tử cũng như các dịch vụ công trực tuyến. Chưa có nhiều doanh nghiệp và sản phẩm của Nghệ An được quảng bá, tiêu thụ trên các sàn giao dịch lớn, uy tín trong nước và quốc tế do tiêu chuẩn tham gia và hàng rào kỹ thuật của các sàn này khá cao. Tuy sản phẩm hàng hoá của địa phương đa dạng, phong phú nhưng sản lượng, mẫu mã bao bì, nhãn mác so với các sản phẩm cùng loại ở địa phương khác, cũng như các quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm… còn hạn chế. Các sản phẩm OCOP, nông sản, hải sản tươi sống… của người dân có hạn sử dụng ngắn thường không được lên sàn. Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp chưa có cán bộ kỹ thuật để trực sàn, tương tác với người mua khi có sự hỏi đáp hoặc lên đơn… cũng là thách thức lớn.

Theo ước tính, hiện nay Nghệ An có trên 1.800 website của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, nhưng chủ yếu dừng ở mức độ cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá bán... Các doanh nghiệp chưa tích hợp thanh toán trực tuyến, chưa bố trí đủ nhân lực thường xuyên tương tác với khách hàng nên chưa phát huy hết hiệu quả. Một số sản phẩm địa phương bước đầu đã được đưa lên các sàn nhưng lượng giao dịch còn hạn chế.

Thanh toán không dùng tiền mặt bước đầu phổ biến nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố, trung tâm các huyện. Tình trạng thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái phép thông tin cá nhân vẫn còn tiếp diễn, nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn còn diễn ra phổ biến.

Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước còn những bất cập: Việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, giá cả hàng hoá mua bán qua các hình thức thương mại điện tử, nhất là quản lý thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh qua mạng còn gặp nhiều khó khăn. Đa cấp biến tướng núp bóng thương mại điện tử - tiền ảo bằng nhiều thủ đoạn và chiêu thức đã thâm nhập đến khắp mọi miền quê… ngày càng tinh vi, gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều tổ chức, cá nhân nhẹ dạ cả tin đầu tư…

Ông Cao Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết: Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt triển khai thương mại điện tử, nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường phát triển. Do đó, thời gian tới, để đạt mục tiêu phát triển thương mại điện tử Nghệ An giai đoạn 2021-2025, ngoài sự vào cuộc hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn. Doanh nghiệp cần chủ động các khâu từ nghiên cứu sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, thủ tục pháp lý, logistic, marketing… và xa hơn là tối ưu doanh số trên sàn thương mại điện tử quốc tế.

Mới nhất

x
Nghệ An nằm trong tốp khá về phát triển thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO