Nghệ An: Nan giải bài toán thiếu giáo viên

Mỹ Hà 30/08/2022 15:57

(Baonghean.vn) - Năm học mới 2022-2023 đã bắt đầu, nhưng nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An vẫn đang phải loay hoay với bài toàn thiếu giáo viên. Điều đó, sẽ ảnh hưởng đến việc sắp xếp bố trí đội ngũ, lên kế hoạch dạy học và chất lượng dạy học của các nhà trường.

Loay hoay bố trí giáo viên đứng lớp

Những ngày qua, Trường Tiểu học Hưng Đông (thành phố Vinh) đã phải đăng thông tin lên các trang Facebook cá nhân để tuyển dụng giáo viên tiếng Anh cho năm học mới. Sau gần 1 tuần đăng liên tục, cuối cùng nhà trường đã tuyển được thêm 2 giáo viên hợp đồng, bổ sung phần nào vào thiếu hụt đội ngũ giáo viên cho năm học mới.

Chia sẻ về điều này, cô giáo Trần Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, trường chúng tôi cần 7 giáo viên tiếng Anh, nhưng biên chế chỉ có 4 người, không đủ để bố trí giáo viên đứng lớp. Hiện tại, chúng tôi đã tuyển thêm được 2 giáo viên nhưng vẫn thiếu 1 và trong năm học này các giáo viên tiếng Anh buộc phải tăng tiết mới đảm bảo kế hoạch dạy học.

Do thiếu giáo viên nên việc bố trí giáo viên ở Trường Tiểu học Hưng Đông gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đức Anh

Trường Tiểu học Hưng Đông nằm khá xa trung tâm thành phố nên theo hiệu trưởng nhà trường việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh gặp nhiều khó khăn, bởi nhu cầu hiện nay của các trường rất lớn. Trong khi đó, các giáo viên tiếng Anh lại thích đi dạy ở các trung tâm gần nhà hơn là đi xa. Ngoài tiếng Anh, nhà trường đang tiếp tục thiếu các giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục và hiện nay số giáo viên bố trí chỉ mới đáp ứng được 1/3 số lớp theo quy định.

Để khắc phục tình trạng này, nhà trường buộc phải tăng cường giáo viên văn hóa cho các môn năng khiếu đặc thù dù điều này khó đạt được chất lượng theo như yêu cầu. Trong khi đó, hiện nay, giáo viên văn hóa của nhà trường cũng đang thiếu 6 người nếu theo quy định là 1,5 giáo viên/lớp.

Tương tự Trường Tiểu học Đội Cung (thành phố Vinh) năm học này cũng đang thiếu đến 6 giáo viên văn hóa và nhà trường buộc phải tuyển dụng thêm giáo viên hợp đồng ngoài biên chế. Cô giáo Lại Thị Thái Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: May mắn là chúng tôi đã tìm đủ giáo viên trước thềm năm học mới và không rơi vào tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời và mong muốn của nhà trường là có thêm biên chế để các giáo viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nhà trường.

Cô và trò Trường Tiểu học Đội Cung - thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp diễn ra tại nhiều trường học, nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Vì vậy, trước khi năm học mới bắt đầu, nhiều nhà trường vẫn phải xoay xở vì chưa biết bố trí sao cho hợp lý. Tại Trường THCS Nghi Phương (Nghi Lộc) năm học này là năm thứ hai nhà trường triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng nhà trường vẫn chưa có giáo viên dạy môn Tin học (dù đây là môn bắt buộc). Giải pháp hiện nay của nhà trường đang phải “đôn” giáo viên Toán lên dạy Tin hoặc là giáo viên biết công nghệ thông tin lên dạy Tin học. Trên tổng thể, nhà trường đang thiếu khá nhiều giáo viên khác như thiếu 1 giáo viên Vật lý, 1 giáo viên Ngữ văn, giáo viên các môn năng khiếu như Mỹ thuật, Âm nhạc.

Gần như giáo viên nào ở trường cũng phải kiêm nhiệm ít nhất 1 môn, chỉ cần biết hát là có thế dạy môn Âm nhạc, kể cả hiệu trưởng. Tuy vậy, đó là giải pháp tình thế, vì như vậy chắc chắn sẽ không hiệu quả.

Ví dụ như hiện nay, trường chúng tôi có phòng âm nhạc nhưng lại không có giáo viên nào biết chơi nhạc cụ. Nhiều tiết Mỹ thuật, Âm nhạc, chúng tôi phải bố trí giáo viên tiếng Anh, Ngữ văn hoặc Toán đứng lớp để họ có thể tranh thủ thời gian bổ sung thêm kiến thức văn hóa cho học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Công Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Phương

Toàn huyện Nghi Lộc đang thiếu hơn 200 giáo viên ở cả 3 cấp học, đặc biệt là ở bậc tiểu học. Thậm chí số giáo viên tiểu học hiện có chưa đủ để bố trí chủ nhiệm lớp vì toàn huyện có 625 lớp, nhưng chỉ có 619 giáo viên. Việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng gặp rất nhiều khó khăn vì “cầu” vượt “cung”.

Ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc cho biết: “Việc thiếu giáo viên quá nhiều khiến cho các trường học gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí giáo viên đứng lớp. Trước mắt, chúng tôi đang ưu tiên bố trí đủ giáo viên cho các khối 1, 2, 3 để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Hai khối còn lại là khối 4, khối 5 nếu không có đủ giáo viên chúng tôi có thể phải tính tới giải pháp luân phiên “một giáo viên chủ nhiệm 2 khối (chia lớp theo buổi sáng và buổi chiều) và các em chỉ học 1 buổi/ngày thay vì học 2 buổi/ngày”.

Chất lượng dạy và học đứng trước thách thức lớn

Vấn đề thiếu giáo viên trên địa bàn Nghệ An không chỉ diễn ra trong năm học này mà đã xảy ra nhiều năm nay khiến cho việc tổ chức dạy và học ở các nhà trường gặp nhiều khó khăn. Trước tình trạng này, nhiều địa phương buộc phải thuyên chuyển giáo viên từ THCS xuống dạy tiểu học theo hình thức biệt phái như huyện Nghi Lộc biệt phái hơn 20 giáo viên THCS các môn Toán, Tiếng Việt xuống để hỗ trợ các trường tiểu học, còn huyện Yên Thành từ năm ngoái đến nay cũng biệt phái trên 60 giáo viên.

Việc thiếu giáo viên về lâu dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Ảnh: Mỹ Hà

Ông Trần Xuân Tĩnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành nói thêm: Toàn huyện Yên Thành đang thiếu hơn 200 giáo viên ở tất cả các bậc học. Trong bối cảnh hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho huyện để hỗ trợ các nhà trường hợp đồng thêm giáo viên thỉnh giảng và kinh phí do huyện chi trả với dự trù kinh phí khoảng 5 tỷ đồng/năm học.

Còn ông Mai Ngọc Long - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu cũng cho hay: Chúng tôi thiếu trầm trọng giáo viên tiểu học và phải cần 300 giáo viên nữa mới đảm bảo tỷ lệ 1,3 giáo viên/lớp. Hiện nay, chúng tôi mở rộng phạm vi tuyển dụng giáo viên cả nước chứ không giới hạn trong huyện hay trong tỉnh, miễn là đảm bảo điều kiện về bằng cấp, chuyên môn đào tạo theo quy định. Số thiếu còn lại, huyện cũng đã trích ngân sách để hỗ trợ các nhà trường chi trả thêm cho giáo viên thỉnh giảng.

Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra phổ biến ở nhiều trường tiểu học trong toàn tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, dù năm nay, Bộ Nội vụ có bổ sung hơn 2.800 biên chế cho tỉnh vẫn còn thiếu hơn 6.000 giáo viên ở tất cả các bậc học. Để hỗ trợ cho các nhà trường, một số địa phương trích ngân sách để các nhà trường hợp đồng thêm giáo viên thỉnh giảng. Nhiều trường đang phải thu thêm kinh phí để trả lương cho giáo viên (dạy học tăng tiết) hoặc vận động giáo viên dạy thêm giờ, bố trí chéo môn hoặc dạy liên trường hết sức vất vả.


Vấn đề thiếu giáo viên có thể sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới và nếu không sớm có các giải pháp căn cơ hoặc bổ sung biên chế thì ngành Giáo dục vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã thống kê, dự báo tình hình gia tăng về quy mô học sinh, số lớp và nhu cầu sử dụng giáo viên của các bậc học để tham mưu UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Dự kiến, do số lượng học sinh tăng nhanh nên đến năm 2025, tỉnh sẽ cần thêm 9.812 giáo viên và năm 2030 sẽ cần thêm 13.307 giáo viên…

Mới nhất

x
Nghệ An: Nan giải bài toán thiếu giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO