Nghệ An nâng cao hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới
(Baonghean) - Năm 2019, ngành Dân số Nghệ An đã có một năm sôi động với rất nhiều hoạt động nổi bật và giành được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, trong bối cảnh ngành Dân số có nhiều biến động về công tác tổ chức, thì để duy trì được những kết quả đạt được sẽ rất nhiều khó khăn, thách thức.
Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KKHGĐ tỉnh có cuộc trao đổi với Báo Nghệ An về một số vấn đề trong thực hiện công tác dân số hiện nay.
Nhiều thay đổi trong nhận thức và hành động
P.V: Thưa bác sỹ, lĩnh vực dân số luôn là một lĩnh vực khó nhưng được biết đến thời điểm này, công tác dân số Nghệ An đã về đích với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Vậy bác sỹ có thể nói rõ hơn những kết quả mà chúng ta đã đạt được trong những năm vừa qua?.
Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân: Công tác dân số vẫn là một lĩnh vực khó và đòi hỏi một chương trình hành động riêng. Riêng tại Nghệ An, để làm tốt công tác dân số lại càng khó khăn hơn vì tỉnh ta có địa bàn rộng, dân số đông, nhiều dân tộc khác nhau và đời sống kinh tế văn hóa, xã hội chưa đồng đều, có khoảng cách giữa các vùng, miền.
Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số năm 2019. Ảnh: Mỹ Hà |
Tuy nhiên, dù xuất phát điểm không thuận lợi, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, công tác dân số của tỉnh nhà đã triển khai được nhiều hoạt động và đã được Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Bộ Y tế ghi nhận. Thời điểm này, chúng tôi rất phấn khởi, bởi một số chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, trong đó có hai chỉ tiêu quan trọng là chỉ tiêu về tỷ suất sinh và chỉ tiêu tăng dân số tự nhiên đều đã giảm. Cụ thể, năm 2019 này, tỷ suất sinh của tỉnh Nghệ An giảm 1,11‰ (gấp 3 lần so với chỉ tiêu đã đề ra).
Bên cạnh đó, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của ta đã đạt 1%, đúng với tình hình thực tế hiện nay và phù hợp với biến động chung của cả nước. Ngoài ra, cái được nhất đó là nhận thức tăng lên, đặc biệt là ở các huyện miền núi cao. Ví dụ, trước đây khi nói đến đẻ nhiều, đẻ dày và sinh con thứ 3 chúng ta thường nói đến các huyện vùng sâu, vùng xa; nhưng hiện nay, ở 6 huyện miền núi cao thì tỷ suất sinh và tổng tỷ suất sinh đều thấp hơn các huyện đồng bằng.
Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ. Ảnh: Mỹ Hà |
P.V: Hiện công tác dân số đã chuyển hướng từ dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển. Nhưng với đặc thù của Nghệ An, chúng ta đang gặp những khó khăn gì và nhiệm vụ hiện nay của toàn ngành dân số Nghệ An là gì, thưa bác sỹ?.
Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân: Từ năm 2006, Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế ở mức dưới 2,1 con (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) và cho đến nay sau hơn 10 năm chúng ta vẫn duy trì được kết quả này.
Hiện cả nước có 19 tỉnh có mức sinh thấp dưới 1,9 con, có 21 tỉnh có mức sinh thay thế đảm bảo 2,1 con và có 25 tỉnh có mức sinh thay thế trên 2,3 con, trong đó có Nghệ An. Qua thống kê, mức sinh trung bình trong giai đoạn từ 2011 - 2018 của tỉnh ta là 2,77 con và Nghệ An vẫn là tỉnh đứng thứ 6 trong cả nước với mức sinh cao.
Tặng quà cho những gia đình thực hiện tốt chính sách dân số ở xã Ngọc Lâm, xã duy nhất 3 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 ở Nghệ An. Ảnh: Mạnh Đạt |
Điều này, yêu cầu trong giai đoạn hiện nay Nghệ An vẫn phải tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ, đó là vừa giảm sinh, vừa nâng cao chất lượng dân số. Trong đó giảm mức sinh để tiến đến gần mức sinh thay thế vẫn là nhiệm vụ quan trọng với nhiều giải pháp như tăng cường công tác truyền thông, cung cấp dịch vụ đến tận người dân.
Về việc nâng cao chất lượng dân số thì không đơn giản, vì với cả nước đây cũng là nhiệm vụ mới và đòi hỏi toàn bộ cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Để thành công, chúng ta phải đảm bảo dinh dưỡng cho người dân từ trẻ em, phụ nữ có thai đến người già; cần phải tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức luyện tập thể dục thể thao để chăm lo sức khỏe; cần phải cung cấp các kiến thức về phòng bệnh, chữa bệnh và vệ sinh y tế cá nhân.
Truyền thống tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Ảnh: Mạnh Đạt |
Hay nói cách khác, khi được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, đẩy lùi bệnh tật thì chất lượng dân số cũng từ đó sẽ kéo lên và nếu một người tự có ý thức chăm sóc cho mình thì toàn xã hội cũng sẽ có sự chuyển biến tích cực.
Tạo cơ chế, chính sách dân số trong tình hình mới
P.V: So với cả nước, Nghệ An là một trong những tỉnh đi đầu trong việc kiện toàn đội ngũ làm công tác dân số. Bác sỹ có thể đánh giá về vai trò của đội ngũ này đối với công tác dân số trong những năm vừa qua?
Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân: Nghệ An là 1 trong 12 tỉnh thành thành công nhất của cả nước thực hiện Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở địa phương.
Vì thế hiện nay, từ huyện đến cơ sở công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch, truyền thông, kinh phí để triển khai công tác dân số ở cơ sở rất hiệu quả và đã ở độ “chín”. Tôi cũng đánh giá cao đối với gần 7.000 cộng tác viên dân số ở các thôn bản bởi họ bám rất sát các đối tượng ở thôn xóm, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” và cập nhật thông tin, dữ liệu rất chính xác, hiệu quả.
Người dân xã Bồng Khê, huyện Con Cuông tìm hiểu về việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Ảnh: Mỹ Hà. |
P.V: Năm 2020, chắc chắn sẽ là năm biến động của công tác dân số tỉnh nhà khi Nghệ An sẽ tiến hành sáp nhập các trung tâm dân số cấp huyện. Vậy, bác sỹ có thể cho biết, trước thực tế này, ngành dân số sẽ phải đối diện với những khó khăn gì?.
Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân: Theo đề án của UBND tỉnh thì dự kiến sang quý 1 của năm 2020 sẽ tiến hành sáp nhập các Trung tâm Dân số - KHHGĐ cấp huyện, thành thị. Đứng trước những thay đổi này, chúng tôi xác định sẽ có nhiều khó khăn và khó khăn thấy rõ hơn bởi hiện nay ngay cả ở 43 tỉnh đã sáp nhập các trung tâm thì cơ chế hoạt động vẫn chưa rõ ràng.
Thực tế cũng cho thấy, sau khi sáp nhập vào y tế, do đặc thù riêng nên việc triển khai các hoạt động của ngành dân số không dễ dàng bởi ngành y tế tập trung nhiều vào chuyên môn, trong khi đó lĩnh vực dân số lại thiên nhiều hơn về mảng truyền thông, vận động.
Trong điều kiện đó, nếu không tham mưu, chỉ đạo tốt thì công tác dân số sẽ bị chững lại và không chỉ trong một hai năm đầu mà còn có thể kéo dài.
P.V: Để công tác dân số trong năm 2020 và những năm tới triển khai hiệu quả, có chất lượng chúng ta đã có những giải pháp gì trong bối cảnh mới, điều kiện mới?.
Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân: Cuối tháng 10/2019 chúng tôi có một cuộc họp quan trọng ở Bộ Y tế về công tác tổ chức và được biết hiện Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư 51 để kiện toàn thay thế y tế tuyến tỉnh và thay thế Thông tư 37 về y tế tuyến huyện và dân số.
Trong khi chờ văn bản hướng dẫn, tôi biết đang còn nhiều ý kiến tâm tư. Tuy nhiên, từ sau khi tỉnh có chủ trương chúng tôi đã khẳng định việc sáp nhập là thực hiện đúng theo các Nghị quyết của Đảng và trong hoàn cảnh nào thì nhiệm vụ đầu tiên của những người làm công tác dân số đó là triển khai nghiêm túc các kế hoạch của tỉnh và kiên trì với nhiệm vụ và các mục tiêu đã đề ra.
Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ. Ảnh: Mỹ Hà |
Chúng tôi cũng đã xác định, năm tới dù sẽ thay đổi vị trí, cơ quan nhưng nếu có kiến thức, có tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm thì những người làm công tác dân số ở cơ sở vẫn phát huy được vai trò của mình, đưa công tác dân số ngày càng phát triển theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 21 về Công tác dân số trong tình hình mới.
P.V: Xin cảm ơn bác sỹ và chúc cho ngành Dân số có một năm mới với nhiều thành công!.