Nghệ An nghiêm cấm việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin đã được số hóa hoặc chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia

Đức Dũng 08/01/2024 10:36

(Baonghean.vn) - Đó là một trong những nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị về việc đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, do UBND tỉnh vừa ban hành.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

1-3154.jpg
Đoàn kiểm tra cải cách hành chính của tỉnh kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm tiếp nhận và trả kết quả huyện Đô Lương. Ảnh minh họa: Thanh Lê

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ, nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định; số hồ sơ được thực hiện trên cổng dịch vụ công quốc gia/Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh chưa đảm bảo tỷ lệ 100% hồ sơ được tiếp nhận; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trực tuyến chưa cao; tỷ lệ hồ sơ được số hóa, khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hoá của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đạt yêu cầu; việc cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử còn hạn chế; năng suất lao động chưa được cải thiện nhiều; việc phối hợp trong xử lý hồ sơ thủ tục hành chính còn chưa hiệu quả; việc tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính còn chậm so với tiến độ đề ra...

Nguyên nhân chủ yếu các tồn tại, hạn chế trên là do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, có nơi thực hiện còn hình thức; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, chưa thực sự gắn việc đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ định kỳ, hàng năm; công chức, viên chức chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính, không thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính dẫn đến công khai, minh bạch còn yếu; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; chưa phát huy được nhân tố con người trong thực hiện đổi mới, chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính; chưa phát huy được vai trò của cải cách, tiềm năng của dữ liệu trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng suất lao động; nhiều sở, ngành, địa phương chưa chú trọng việc rà soát, kiến nghị đơn giản hoá thủ tục hành chính để kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các khó khăn, vướng mắc; hạ tầng công nghệ thông tin ở một số địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa đầu tư kịp thời phục vụ chuyển đổi số; tâm lý, thói quen làm theo phương thức truyền thống, kỹ năng số của một bộ phận người dân chưa được cải thiện...

Để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp và khắc phục các tồn tại, hạn chế trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tập trung rà soát, kiến nghị, đề xuất bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí tuân thủ, nhất là thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm gây tốn kém chi phí, thời gian đi lại của người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện niêm yết, công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời thủ tục hành chính theo quy định; 100% hồ sơ thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và dữ liệu phải được liên thông, đồng bộ với cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp thực hiện và giám sát quá trình giải quyết công việc.

Thực hiện xử lý hồ sơ công việc đáp ứng quy trình toàn trình trên môi trường điện tử để khắc phục tình trạng tiếp nhận hồ sơ điện tử nhưng quy trình xử lý bên trong lại bằng giấy, làm chậm tiến độ, chất lượng công việc, ảnh hưởng đến việc cung cấp kết quả điện tử và tái sử dụng dữ liệu đã có trong Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.

Nghiêm cấm việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa hoặc chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh theo đúng quy định; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Thực hiện nghiêm việc ban hành văn bản xin lỗi người dân, doanh nghiệp và kịp thời khắc phục đối với các trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định tại khoản 5, Điều 12 và khoản 9, Điều 19, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; căn cứ kết quả đánh giá do Văn phòng UBND tỉnh công khai dựa trên Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ để xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức.

Ưu tiên bố trí cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ, có tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ cho việc triển khai các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số theo hướng tăng cường thực hiện điều động, biệt phái cán bộ, công chức, viên chức giữa các cơ quan, đơn vị bảo đảm nguyên tắc không làm phát sinh biên chế...

Xem toàn văn Chỉ thị

Nghệ An nghiêm cấm việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin đã được số hóa hoặc chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO