Nghệ An: Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm về đất đai
(Baonghean) - Từ thực tế trong nhiều vụ vi phạm về lĩnh vực đất đai có sự tham gia của một số cán bộ, lãnh đạo, người đứng đầu lạm dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, tỉnh Nghệ An đã có những chỉ đạo trong đó nêu rõ sẽ quy rõ trách nhiệm người đứng đầu địa phương khi để xảy ra sai phạm về đất đai.
Nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng
Thời gian qua, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là ở cấp xã xảy ra tình trạng một số cán bộ, lãnh đạo, người đứng đầu lạm dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, cố ý làm trái quy định pháp luật về đất đai.
Điển hình như sai phạm trong quản lý đất đai xảy ra tại xã Mỹ Thành, trong năm 2019, huyện Yên Thành đã kỷ luật hàng loạt lãnh đạo xã này trong nhiều nhiệm kỳ do bán đất trái quy định. Theo đó, ông Nguyễn Văn Thạch bị cách chức Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành nhiệm kỳ 2015 - 2020; ông Nguyễn Vĩnh Hội - Bí thư Đảng ủy xã và ông Nguyễn Vĩnh Chinh - cán bộ địa chính cùng nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. Ngoài ra, 2 lãnh đạo xã này đã về hưu gồm ông Nguyễn Văn Năm và ông Nguyễn Văn Định bị cách chức Ủy viên Ban Thường vụ xã Mỹ Thành nhiệm kỳ 2010 - 2015. Theo tìm hiểu, trong giai đoạn 2010 - 2015, khi hàng loạt lô đất trên địa bàn bị bán trái quy định, ông Năm là Bí thư Đảng ủy xã, còn ông Định là Chủ tịch UBND xã.
Một trong những thửa đất bị lãnh đạo xã Mỹ Thành (Yên Thành) bán trái quy định. Ảnh tư liệu |
Trước đó, cũng liên quan đến vi phạm về đất đai, ngày 18/6/2019, Công an TP Vinh đã khởi tố các bị can Võ Biên Thùy, công tác tại Trung tâm Quỹ đất TP Vinh; Trần Lê Ngọc Tú, cán bộ địa chính phường Hồng Sơn và Nguyễn Xuân Thọ, nguyên Chủ tịch UBND xã Hưng Đông, TP Vinh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo điều tra, năm 2011, ông Thùy lúc đó đang là Phó Giám đốc Trung tâm Quỹ đất TP Vinh, đã móc nối với bà Tú và ông Thọ xác định sai diện tích, thời gian, nguồn gốc đất của thửa đất số 90, tờ bản đồ số 7 tại xã Hưng Đông (TP Vinh), để bồi thường giải phóng mặt bằng cho Dự án công trình kênh tiêu thoát nước Nghi Kim - Nghi Vạn (giai đoạn 1). Hành vi này đã gây thất thoát cho Nhà nước hơn 640 triệu đồng.
3 bị can Võ Biên Thùy, Lê Ngọc Tú và Nguyễn Xuân Thọ. Ảnh tư liệu CTV |
Thửa đất 350m2 đang mang tên Hồ Thị Thanh Bình nhưng thực chất là đất của Lê Thị Hương Giang, cán bộ địa chính xã Quỳnh Châu. Ảnh: Phạm Bằng |
Bên cạnh đó, khi phát hiện nhiều vụ việc xử lý cán bộ chưa nghiêm, còn “giơ cao đánh khẽ” như vụ việc xảy ra ở xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) mà baonghean.vn ngày 6/6/2019 đã phản ánh qua bài viết “Cán bộ địa chính có dấu hiệu tội phạm, xã chỉ kiến nghị xử lý hành chính”. Theo đó, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, bà Lê Thị Hương Giang - cán bộ địa chính xã Quỳnh Châu đã “ép” người dân cắt 1.050 m2 đất, hưởng lợi trên 350 m2 đất, chiếm đoạt tiền của người dân. Đối chiếu với Luật Phòng chống tham nhũng 2005 thì hành vi của bà Giang là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi”. Còn đối chiếu với Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hành vi của bà Giang có dấu hiệu của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Thế nhưng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu chỉ kết luận hành vi của bà Giang là “Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn, sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi”, không chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra hoặc Viện KSND huyện để xử lý mà chỉ kiến nghị UBND huyện xử lý kỷ luật hành chính. Bên cạnh đó, trách nhiệm của những cá nhân liên quan tại UBND xã Quỳnh Châu chưa được làm rõ. Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu đã giao trách nhiệm cho Trưởng phòng Nội vụ huyện xem xét, tham mưu UBND huyện xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến vụ việc. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳnh Lưu xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nhiều cán bộ, công chức xã Nghĩa Đồng, Tân Kỳ bị khởi tố vì bán đất trái thẩm quyền. Ảnh tư liệu |
Mặt khác, qua công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh hàng năm cũng cho thấy, hơn 80% vụ việc liên quan đến đất đai, trong đó có nhiều vụ việc đơn thư kéo dài bắt nguồn từ công tác quản lý đất đai lỏng lẻo hoặc vi phạm những quy định về đất đai của cán bộ các cấp. Trong đó, có vụ việc dẫn tới hàng loạt cán bộ chủ chốt địa phương bị xử lý kỷ luật cả mặt Đảng lẫn Nhà nước, hoặc chịu trách nhiệm hình sự do liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai như ở các xã Phúc Thành, Sơn Thành (Yên Thành), Nghĩa Đồng ( Tân Kỳ)... gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền.
Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm
Để ngăn ngừa, hạn chế những sai phạm trong công tác quản lý đất đai, ngày 13/9/2018 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 7028/UBND.NN về việc kiểm tra, rà soát công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm, nhất là vấn đề quy hoạch, chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền, lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích và thực hiện việc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp địa phương nào tiếp tục để xảy ra vi phạm về đất đai nhất là giao đất trái thẩm quyền thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật.
"Qua các vụ việc có thể xác định một phần do công tác quản lý đất đai có nhiều sơ hở, nhất là giai đoạn thực hiện dồn điền, đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, vì vậy để chấn chỉnh tình trạng này, bên cạnh việc xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, huyện chỉ đạo các ngành liên quan thành lập các đoàn tăng cường rà soát, kiểm tra lĩnh vực đất đai để có giải pháp chấn chỉnh. Cùng với đó ban hành Nghị quyết rà soát, xử lý đất trang trại, gia trại để hạn chế sai phạm".
Cán bộ Phòng cảnh sát Kinh tế tống đạt các quyết định khởi tố bị can liên quan đến sai phạm ở Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành. Ảnh tư liệu |
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh thực hiện tốt Luật Đất đai năm 2013, cần phải xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm theo Điều 21 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định về đất đai, nhà ở do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành, đảm bảo “không có tiền lệ, không có vùng cấm” để tạo sự răn đe và góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trên lĩnh vực đất đai.
Mới đây, liên quan đến những nội dung công dân tố cáo về các sai phạm tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu đã được Thanh tra tỉnh kiểm tra và kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý yêu cầu BTV Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm. Trong đó, có sai phạm liên quan đến đất đai như việc UBND xã Diễn Yên lập hồ sơ khống cho 3 hộ dân nhận 334.785.000 đồng tiền bồi thường, trái với quy định của Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Hay việc UBND xã Diễn Yên đưa thửa đất số 367, tờ bản đồ 111-62 với diện tích 1.808m2 (sổ mục kê, sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện ông Nguyễn Vang là chủ sử dụng) vào đất công ích là không đúng quy định.
Trong nhiều năm qua, tại xã Diễn Yên để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, gây bất bình trong nhân dân. Ảnh: Phạm Bằng |
Sau khi nhận được kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện Diễn Châu giao Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy chủ trì, phối hợp với các phòng, ban thực hiện các bước để kiểm điểm và đề xuất hình thức xử lý. Lãnh đạo huyện này cho hay, quan điểm của huyện là xử lý nghiêm, kịp thời đúng quy định pháp luật, không bao che, nương nhẹ cán bộ sai phạm.
Lĩnh vực đất đai cũng là một trong những nội dung được đề cập nhiều tại các phiên tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Chỉ đạo xử lý kiến nghị liên quan đến đất đai tại phiên tiếp công dân tháng 9/ 2019, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Đối với trường hợp một số công dân khiếu kiện, tố cáo các sai phạm liên quan lĩnh vực đất đai cũng như việc thực thi công vụ của cán bộ, yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát lại quá trình vụ việc, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là sai phạm của cán bộ, đảng viên.
Theo Điều 21 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định về đất đai, nhà ở do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành:
1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định trong quản lý và sử dụng nhà ở; vi phạm các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng công trình và quản lý nhà ở.
b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, các thủ tục, quy định, quyết định của Nhà nước về chuyển quyền sử dụng đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
c) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
2- Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Làm trái quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, thay đổi mục đích và quyền sử dụng đất; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
b) Cản trở, chống lại hoặc kích động, xúi giục, ép buộc người khác chống lại quyết định đúng pháp luật của cấp có thẩm quyền về thu hồi đất, giao đất, thực hiện các dự án quốc gia và về giải phóng mặt bằng.
c) Vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho tổ chức, cá nhân, phải bồi thường mà không bồi thường theo quy định.
d) Có trách nhiệm nhưng không phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai thuộc phạm vi theo dõi hoặc phụ trách.
đ) Làm trái quy định trong việc quản lý nhà, trụ sở làm việc của Đảng, Nhànước, các đoàn thể chính trị - xã hội, doanh trại đơn vị quân đội, công an hoặc trong sở hữu, xây dựng, sử dụng, sửa chữa nhà ở của tổ chức được giao quản lý.
3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, hủy hoại đất.
b) Giả mạo, gian lận giấy tờ, làm sai lệch hồ sơ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với nhà ở.
c) Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản trái quy định của pháp luật.
d) Vì lợi ích cục bộ mà ban hành các văn bản hoặc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, thu hồi đất trái pháp luật.