Nghệ An: Người trồng cam xót xa nhặt hàng chục tấn quả rụng đổ đi
(Baonghean.vn) - Sau những đợt mưa liên tiếp và đặc biệt là sau đợt mưa lũ vừa qua, tại vùng cam Bãi Phủ, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) xảy ra hiện tượng cam rụng hàng loạt, nhiều hộ dân phải thuê nhân lực nhặt cả mấy chục tấn cam rụng đổ đi. Nhiều hộ trồng cam đang đứng trước nguy cơ “trắng tay”.
Đi dọc theo các vườn cam Bãi Phủ đang trong thời kỳ thu hoạch ở các thôn Đỉnh Hợp, Bãi Phủ, Hà Nam, xã Đỉnh Sơn, (Anh Sơn) chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy những vườn cam quả nằm ngổn ngang, rụng hàng loạt dưới gốc. Trên các trục đường, cam rụng được người dân nhặt mang ra đổ chất thành đống.
Gia đình chị Hồ Thị Hương ở thôn Đỉnh Hợp, xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) đang tập trung nhặt cam rụng đi đổ. Ảnh Thái Hiền |
Ngồi ngẩn ngơ trước những đống cam vàng rụng bị vứt bỏ, chị Hồ Thị Hương ở thôn Đỉnh Hợp, xã Đỉnh Sơn buồn bã nói: Gia đình trồng hơn 500 gốc cam, chủ yếu giống Xã Đoài lòng vàng trên diện tích 1,2 ha. Những năm gần đây cả gia đình đã lao động cật lực, sống nhờ vào quả cam thì năm nay có nguy cơ mất trắng khi vườn cam đang thi nhau rụng hàng loạt.
Theo chị Hương, cây cam trồng khoảng 4 năm mới cho quả, ngoài chi phí ban đầu như làm đất, giống cây thì mỗi năm gia đình chị phải đầu tư khoảng gần 100 triệu đồng để chăm sóc. Sau những đợt mưa liên tiếp, đặc biệt là đợt mưa lũ vừa qua đã làm toàn bộ diện tích cam của gia đình chị ngập chìm trong nước. Sau 3 ngày vườn cam ngập nước, khi nước đã rút, chị vào thăm vườn thì không khỏi xót xa. Cam rụng nằm la liệt khắp nơi dưới đất, xót lắm nhưng không biết làm sao, đành thuê người nhặt đem đi đổ.
Các vườn cam rụng hàng loạt phải mang đi đổ. Ảnh Thái Hiền |
Tính đến thời điểm này gia đình chị đã phải thuê người nhắt đổ 40 tấn cam quả. Chị Hương xót xa nói: Bao nhiêu công sức chăm bón, làm cỏ, bắt sâu, tưới nước, tiền điện để chong đèn dụ sâu bướm vào ban đêm nữa, giờ nhìn cam rụng mà đau thắt ruột.
Gần đó, vườn cam Xã Đoài lòng vàng có diện tích 1,3 ha với 550 gốc của vợ chồng anh Lã Hữu Hải ở thôn Đỉnh Hợp cũng rụng la liệt.
Anh Hải chia sẻ: Mặc dù gia đình đầu tư chăm sóc đảm bảo, cây cam phát triển tốt, nhưng sau đợt mưa, lũ vừa qua, vườn cam bỗng dưng có hiện tượng quả cam đang đẹp thì teo lại chuyển màu vàng và rụng, hàng ngày ra vườn cam nhìn thấy cam rụng mà tiếc đứt ruột. Hiện nay ước tính cả vườn cam đã rụng mất khoảng 30 tấn quả. Mặc dù ngày nào gia đình cũng nhặt hàng tấn quả đi đổ nhưng không xuể, chỉ sau 1 đêm, quả đã rụng đầy gốc. Năm trước với diện tích cam này gia đình anh thu về 400-500 triệu đồng, thì năm nay thất thu, mất trắng tay.
Cam rụng chất thành đống. Ảnh Thái Hiền |
Theo anh Hải, cam có lượng axit cao nên nếu chôn xuống đất không cẩn thận sẽ làm hỏng đất và tạo điều kiện cho các loại nấm và ruồi vàng phát triển, vì thế phải cực kỳ cẩn thận, mỗi ngày gia đình anh phải thuê từ 9- 10 người nhặt cam rụng đổ xuống các hố, rãnh cách xa khu vực trồng cam.
Hiện nay toàn xã có 105 ha cây ăn quả có múi, chủ yếu là cam. Ở vùng cam Bãi Phủ được trồng chủ yếu là các loại giống Vân Du, Xã Đoài lòng vàng và V2. Đây là những loại giống cam phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở vùng đất này. Trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn xã có 45 ha cam bị ngập nước, nhiều vườn cam cao thì nước dâng 50cm, vườn thấp hơn thì ngập từ 1-1,2m. Sau khi nước rút có hiện tượng cam rụng quả hàng loạt, những loại cây này đã đến thời kỳ thu hoạch nên thiệt hại rất nặng nề.
Bà con nông dân xót xa nghìn hàng tấn cam rụng đổ đi, thiệt hại nặng nề. Ảnh Thái Hiền |
Theo thống kê ban đầu, hiện toàn xã Đỉnh Sơn có 128 hộ có cam bị rụng hàng loạt, với diện tích 75,3 ha, ước tính hàng trăm tấn cam đã phải vứt bỏ, chôn lấp, có nhà rụng đến 80- 90%, chỉ còn vài quả trên cây. Trước tình hình đó, xã Đỉnh Sơn đã phân công cán bộ đến từng hộ dân để kiểm tra, thống kê thiệt hại, đồng thời tổng hợp báo cáo lên cấp trên để có phương án khắc phục.
Hiện tại, các hộ dân trồng cam ở xã Đỉnh Sơn chưa tìm ra cách khắc phục hiện tượng cam rụng quả hàng loạt, mong muốn của họ là được các ngành chuyên môn tìm ra nguyên nhân và có chính sách hỗ trợ phần nào cho bà con nông dân bị thiệt hại.