Nghệ An: Nhân rộng mô hình rơm 'vàng' sau thu hoạch

Thanh Phúc - Văn Trường 22/05/2022 06:43

(Baonghean.vn)- Nhân rộng các mô hình sử dụng rơm rạ trong tái sản xuất nông nghiệp là điều cần thiết, vừa hạn chế ô nhiễm, vừa gia tăng giá trị cây lúa từ việc tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có trong bối cảnh giá cả thức ăn gia súc, phân bón vô cơ đang "leo thang"...

Ô NHIỄM TỪ ĐỐT RƠM RẠ SAU THU HOẠCH

Những cột khói cao ngút kèm theo bụi rơm tràn vào các khu dân cư gây ô nhiễm. Ảnh: Văn Trường
Những cột khói cao ngút kèm theo bụi rơm tràn vào các khu dân cư gây ô nhiễm. Ảnh: Văn Trường

Có mặt tại cánh đồng xã Tăng Thành (Yên Thành) trong chiều muộn, chứng kiến nông dân đồng loạt đốt rơm rạ khắp cả cánh đồng, những đống lửa đỏ rực trời, những cột khói khổng lồ tràn vào làng mạc. Bà Trần Thị Minh một người dân địa phương bức xúc: “Càng về chiều nông dân đốt rơm rạ càng nhiều, lửa cháy âm ỉ trong các đụn rơm khiến cho bầu không khí rất ngột ngạt, khó chịu”.

Nhiều nơi, trên các cánh đồng dọc quốc lộ, tỉnh lộ, người dân đốt rơm khói cuộn nghi ngút, làm che khuất tầm nhìn của người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Anh Nguyễn Hùng Cường, một lái xe tham gia giao thông trên Quốc lộ 46C cho biết: “Khoảng 1 tuần nay, khoảng 5h chiều là bà con đốt rơm, khói nghi ngút, bao trùm, xe cộ đi lại rất khó khăn. Có nhiều xe buộc phải quay đầu hoặc ra tín hiệu đèn để xe khác nhìn rõ”.

Người dân xã Tăng Thành (Yên Thành) xử lý rơm sau thu hoạch bằng cách đốt ngay tại ruộng gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất và gây lãng phí. Ảnh: Văn Trường
Người dân xã Tăng Thành (Yên Thành) xử lý rơm sau thu hoạch bằng cách đốt ngay tại ruộng gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất và gây lãng phí. Ảnh: Văn Trường

Do không có nhu cầu sử dụng rơm rạ, để thuận lợi cho việc làm đất nên hầu hết người dân sử dụng phương án đốt rơm rạ ngay tại ruộng, đồng thời lấy tro bón cho vụ sau... Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, khói từ rơm rạ bị đốt sẽ sản sinh ra khí CO, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, việc đốt đồng không kiểm soát có thể khiến cháy lan trên diện rộng, làm đất chai cứng và lúa thường bị nghẹt rễ, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và năng suất cây trồng.

Hiện nay, việc đốt rơm rạ sau thu hoạch đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, sau mùa gặt là “mùa lửa”, trở thành vấn nạn cần được ngăn chặn, xóa bỏ.

Đại diện phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: “Đốt rơm rạ trên đồng sẽ thải khói bụi vào không khí, gây ô nhiễm. Trong kỹ thuật canh tác, đốt đồng sẽ dễ làm chai đất, đất sẽ nhanh chóng bị bạc màu, thoái hóa. Tuy nhiên, hiện nay, do người dân ít chăn nuôi gia súc, cũng không có nhu cầu sử dụng rơm nên đốt đồng là phương án xử lý rơm rạ sau mỗi mùa vụ và trở thành thói quen khó bỏ”.

TẬN DỤNG RƠM LÀM PHÂN BÓN, THỨC ĂN GIA SÚC

Mô hình sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu để ủ chua thức ăn cho gia súc, sản xuất phân bón hữu cơ đang được nhân rộng ở huyện Tân Kỳ. Ảnh: Thanh Phúc
Mô hình sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu để ủ chua thức ăn cho gia súc, sản xuất phân bón hữu cơ đang được nhân rộng ở huyện Tân Kỳ. Ảnh: Thanh Phúc

Theo thống kê, riêng vụ Xuân năm 2022, trên tổng số diện tích 91.650,21 ha lúa cho sản lượng khoảng 620.000 tấn lúa kèm theo chừng đó tấn rơm. Đây là nguồn nguyên liệu quý để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, làm đệm lót sinh học, che phủ cây trồng, sản xuất nấm, làm giá thể trong sản xuất hữu cơ và là nguồn phân bón hữu cơ hiệu quả. Nhận thức được tầm quan trọng đó của rơm sau thu hoạch, đồng thời hạn chế tình trạng đốt rơm bừa bãi làm ô nhiễm môi trường, gây hại cho ruộng đồng, thời gian qua, một số địa phương chú trọng hướng dẫn, phổ biến cho bà con nông dân các giải pháp sử dụng, xử lý rơm rạ hiệu quả.

Điển hình như Hội Nông dân huyện Tân Kỳ đã triển khai thực hiện ủ phân bón hữu cơ trên địa bàn các xã thị rất hiệu quả, trong đó, rơm rạ sau thu hoạch là nguồn nguyên liệu chính. Trung bình mỗi năm, nông dân Tân Kỳ sản xuất ra khoảng 5.000 tấn phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng; khoảng 70% hộ dân sản xuất và sử dụng phân hữu cơ vi sinh.

Rơm nghiền nhỏ làm giá thể để trồng nấm hoặc sản xuất dưa lưới, dưa chuột hữu cơ trong nhà lưới. Ảnh: Thanh Phúc
Rơm nghiền nhỏ làm giá thể để trồng nấm hoặc sản xuất dưa lưới, dưa chuột hữu cơ trong nhà lưới. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Kỳ cho biết: “Sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng có nhiều cái lợi: Thứ nhất, giá thành nguyên liệu rẻ, tiết kiệm chi phí sản xuất; thứ hai, không làm đất đai bạc màu, thoái hóa; thứ ba, là giải pháp chống hạn không cần nước, rất thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay. Đặc biệt, trong khi giá phân bón vô cơ “leo thang” thì chi phí sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ lại rất rẻ, chỉ hết khoảng 200.000 đồng để cho ra 1 tấn phân vô cơ”.

Tại thành phố Vinh, vụ Xuân này, người dân đang bước vào vụ thu hoạch, đáng ghi nhận là nông dân đã biết sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ hiệu quả. Theo đó, sau thu hoạch, chỉ tốn 40.000 đồng mua chế phẩm trộn với lân, sau đó rải đều trên mặt ruộng trước khi làm đất, rơm sẽ phân hủy thành phân vô cơ, làm chất dinh dưỡng cho lúa rất tốt.

Bà Nguyễn Thị Bình, xóm Mỹ Hạ (xã Hưng Lộc, thành phố Vinh) làm 3 sào ruộng, mùa vụ trước, bà thuê máy gặt đập liên hợp, lấy hạt về phơi, rơm để khô trên đồng rồi xử lý bằng cách đốt. Tuy nhiên, việc đốt vừa gây ô nhiễm, đất chai cứng, lúa hay nghẹt rễ nên hiệu quả sản xuất không cao. Sau khi được hướng dẫn cách xử lý rơm bằng chế phẩm vi sinh, bà liền áp dụng thử. Bà Bình cho biết: “Theo phân tích thì việc sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm có nhiều ưu điểm, không gây ô nhiễm, bổ sung vi chất cho đất, đất tơi xốp, độ mùn cao…; giá thành cũng không đắt lại hạn chế được việc sử dụng phân đạm vô cơ”.

Hiện tại nhiều xứ đồng, máy cuộn rơm đang hoạt động, giúp nông dân xử lý rơm nhanh và hiệu quả. Ảnh: Thanh Phúc
Hiện tại nhiều xứ đồng, máy cuộn rơm đang hoạt động, giúp nông dân xử lý rơm nhanh và hiệu quả. Ảnh: Thanh Phúc

Đặc biệt vụ Xuân năm nay, trên rất nhiều cánh đồng, các chủ máy gặt đã đầu tư thêm máy cuộn rơm phục vụ bà con. Theo đó, sau khi thu hoạch, rơm đánh lên luống, phơi khô giữa đồng, máy sẽ cuộn lại thành từng bó gọn gàng, tiện lợi, người dân chỉ cần mang về sử dụng theo mục đích của mình.

“Hiện tại có 3 máy cuộn rơm đang hoạt động trên xứ đồng các xã Hưng Thịnh, Hưng Phúc, Hưng Mỹ, Hưng Lợi (Hưng Nguyên). Giá công cuộn rơm mỗi sào khoảng 50-60.000 đồng. Rơm cuộn từng bó khoảng 10-15-20 kg rất tiện lợi. Người dân mang về cất kho, gác chuồng để làm thức ăn cho trâu bò hoặc bán cho các cơ sở làm nấm; các trang trại trồng trọt theo hướng hữu cơ… Trung bình, mỗi sào cho khoảng 4-5 cuộn rơm, giá thành hiện tại là 30.000-40.000 đồng/cuộn, trừ chi phí thuê máy cuộn, người dân vẫn thu lãi khoảng 100.000 đồng/sào”, ông Ngô Quang Phấn, chủ máy gặt, máy cuộn rơm ở Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) cho biết.

Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh như hiện nay thì rơm là nguồn thức ăn thô thiết yếu. Ảnh: Thanh Phúc
Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh như hiện nay thì rơm là nguồn thức ăn thô thiết yếu. Ảnh: Thanh Phúc

Do đặc thù sản xuất nông nghiệp, thời gian chuyển vụ nhanh, nên muốn nhanh gọn, thuận tiện, phần nhiều bà con nông dân đã chọn cách đốt rơm rạ tại đồng, vừa gây ô nhiễm môi trường, gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng. Do đó, cần nhân rộng các mô hình sử dụng rơm rạ trong tái sản xuất nông nghiệp là điều cần thiết, vừa hạn chế ô nhiễm, vừa gia tăng giá trị cây lúa từ việc tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có trong bối cảnh giá cả thức ăn gia súc, phân bón vô cơ đang "leo thang" như hiện nay.../

Mới nhất

x
Nghệ An: Nhân rộng mô hình rơm 'vàng' sau thu hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO