Nghệ An: Nhiều giải pháp mạnh để đấu tranh, ngăn chặn hoạt động 'tín dụng đen'

KL 01/02/2024 08:43

(Baonghean.vn) -Thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, chính quyền và lực lượng chức năng ở Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp mạnh để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý. 

Mạnh tay xử lý các ổ nhóm, đối tượng

Trong năm 2023, lực lượng chức năng ở Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, triệt phá, bắt giữ, xử lý nhiều đường dây, ổ nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Nhiều vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” được khởi tố, điều tra, truy tố, xử lý nghiêm minh.

Điển hình cuối tháng 12/2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triệt xóa đường dây cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Cầm đầu đường là Lê Thị Thanh Hải (trú tại thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn).

co-quan-cong-an-lam-viec-voi-doi-tuong-le-thi-thanh-hai-cam-dau-duong-day-cho-vay-lai-nang-trong-giao-dich-dan-su-voi-tong-so-tien-gan-20-ty-donganh-tu-lieu-van-hau-2952-5078.jpg
Cơ quan Công an làm việc với đối tượng Lê Thị Thanh Hải cầm đầu đường dây cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Hải là đối tượng đã có 2 tiền án về tội đánh bạc. Ngoài Hải, cơ quan Công an cũng bắt giữ thêm 3 đối tượng khác trong đường dây gồm Nguyễn Thị Ân trú tại phường Vinh Tân, Ngụy Khắc Mạnh trú tại phường Bến Thủy (TP. Vinh) và Nguyễn Văn Khương trú tại huyện xã Diễn Xuân (Diễn Châu).

Đường dây này thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự bằng hình thức “bốc bát họ”. Để vay được tiền từ nhóm đối tượng trên, người vay phải để lại giấy tờ tùy thân như: Căn cước công dân, giấy phép lái xe... Khi người vay chậm trả nợ, Hải và các đối tượng trong đường dây đã xúc phạm, đe dọa người vay, kể cả việc cho người đi theo để gây áp lực khi người vay đi khám bệnh.
Không ít người dân đã “tán gia bại sản” khi vướng vào bẫy “tín dụng đen” do nhóm đối tượng trên giăng ra. Với mức lãi suất từ 108%/năm đến trên 2.400%/năm khi cho các nạn nhân vay tiền, bước đầu cơ quan công an xác định từ tháng 5/2023 đến khi bị bắt giữ, 4 đối tượng trên đã cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An vay với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Tổng số tiền các đối tượng đã thu lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng.

04-doi-tuong-trong-chuyen-an-bi-bat-giuanh-tu-lieu-van-hau-6194-2690.jpg
4 đối tượng trong chuyên án bị bắt giữ. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Trước đó, vào ngày 15/12/2023, Công an TP. Vinh đã phá thành công chuyên án, bắt giữ đối tượng Nguyễn Ngọc Anh, trú tại khối 1, phường Cửa Nam về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Với thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản, nhiều người cần vay tiền đã tìm đến Nguyễn Ngọc Anh để vay với lãi suất cao. Nếu người vay không thanh toán tiền lãi đúng hẹn, Anh sẽ cộng tiền lãi vào tiền gốc để tiếp tục tính lãi, hoặc đe doạ người vay phải thanh toán ngay cả tiền gốc và lãi.

Đặc biệt, để điều hành hoạt động cho vay lãi nặng, Nguyễn Ngọc Anh lên mạng Internet mua và cài đặt ứng dụng (app) để quản lý việc cho vay.

Từ năm 2021 đến nay, đối tượng này thường cho những người đang có nhu cầu vay tiền nhanh, cần tiền gấp… với lãi suất từ 3.000 đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Theo điều tra ban đầu, Nguyễn Ngọc Anh đã cho 2 người vay với số tiền 70 triệu đồng, thu lợi bất chính hơn 83 triệu đồng.

images1914743-f44f1677ca3c499c18f262d776ec6720-7436-2263.jpeg
Đối tượng Nguyễn Ngọc Anh, trú tại khối 1, phường Cửa Nam (TP Vinh) bị bắt về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Ảnh tư liệu: Phạm Thuỷ

Theo ngành chức năng, phương thức hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” hiện nay đã kết hợp với công nghệ, biến tướng dưới dạng các cơ sở kinh doanh cầm đồ, dịch vụ tư vấn tài chính có đăng ký kinh doanh. Theo đó, ngoài sử dụng các hình thức truyền thống như: Ngụy trang việc cho vay bằng sử dụng hợp đồng thuê tài sản; việc trả lãi thể hiện qua trả tiền thuê, cắt lãi trước, không ghi lãi vào hợp đồng... thì tội phạm “tín dụng đen” còn sử dụng mạng xã hội, website, ứng dụng quản lý cầm đồ hoặc ứng dụng cho vay để quảng cáo, tiếp cận người vay.
Đáng chú ý, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp gồm công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản; tạo lập các app giả, nhái của ngân hàng, công ty tài chính để dụ dỗ, mời chào vay tiền, yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân sau đó nhắn tin, đe dọa, đòi nợ. Thậm chí, các đối tượng lừa đảo yêu cầu người vay tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.

tang-vat-chuyen-an-uong-day-cho-vay-lai-nang-trong-giao-dich-dan-su-voi-tong-so-tien-gan-20-ty-dong-anh-tu-lieu-van-hau-5838-7706.jpg
Tang vật của vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Các đối tượng phạm tội cũng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm đối phó, trốn tránh việc điều tra, xử lý của lực lượng chức năng. Trong khi đó, các nạn nhân liên quan đến các vụ “tín dụng đen” thường bị đe dọa, có tâm lý lo sợ, không chịu tố giác hành vi phạm tội.
Nhiều trường hợp khi cơ quan điều tra phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” thì người vay tiền không hợp tác, né tránh khai báo, không cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn

Để tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; đồng thời, thực hiện nghiêm Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Văn bản số 8505/UBND-NC ngày 9/10/2023 về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”.

tang-vat-cua-mot-vu-an-cho-vay-lai-nang-trong-giao-dich-dan-su-anh-tu-lieu-duc-vu-695-538.jpeg
Tang vật của một vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Ảnh tư liệu: Đức Vũ

Tại Văn bản số 8505/UBND-NC, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”.

Chủ động phát hiện, trao đổi, phối hợp các lực lượng chức năng bắt, giữ, xử lý nghiêm tội phạm cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… UBND các huyện, thành, thị căn cứ tình hình tại địa phương thành lập Đoàn liên ngành định kỳ, đột xuất tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh cầm đồ, dịch vụ tài chính có biểu hiện liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” để phát hiện xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật.
Về phía Công an Nghệ An, UBND tỉnh yêu cầu triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu, điều kiện hoạt động “tín dụng đen”. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính, tín dụng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng điện thoại, các hình thức “họ, hụi, biêu, phường”, đầu tư tài chính, tiền ảo, hoạt động huy động vốn lãi suất cao có dấu hiệu cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Quản lý chặt chẽ các đối tượng hình sự hoạt động lưu động, các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật… nhằm hạn chế việc các đối tượng này tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”.

bna-1-anh-pv-8289-3429.jpg
3 đối tượng Hồ Duy Khánh (SN 1991), trú tại phường Hưng Bình, thành phố Vinh; Đặng Sĩ Bách (SN 1992), trú tại xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu; Nguyễn Sơn Hoàng (SN 1986), trú tại thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc sử dụng phần mềm trên mạng xã hội để cho vay lãi nặng hàng tỷ đồng. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

UBND tỉnh cũng đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, thống nhất đường lối xử lý đối với các vụ án “tín dụng đen”, kiên quyết áp dụng biện pháp ngăn chặn, tạm giam đối với các đối tượng có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và xử lý nghiêm đối với các vụ án có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, phục vụ công tác giáo dục, phòng ngừa chung.

bna-ecee7c1a734cd912805d-1-741.jpg
Toàn cảnh Lễ ra quân Tổ công tác 373 tuần tra vũ trang phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Đối với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh đề nghị chủ động nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống tiêu dùng của nhân dân.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử không để các đối tượng móc nối hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định. Tăng cường quản lý giám sát và xử lý các tài khoản ngân hàng có giao dịch đáng ngờ, tài khoản ảo, nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”.

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị, trong năm 2023, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 40 vụ, 52 đối tượng tội phạm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.
Dự báo thời gian tới, tình hình kinh tế, lao động, việc làm vẫn gặp nhiều khó khăn, cùng với nhu cầu tài chính dịp cận Tết Nguyên đán tăng cao, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” sẽ còn tiềm ẩn phức tạp.

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện 36/CĐ-UBND về tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự nguy hiểm, hoạt động có tổ chức, “tín dụng đen”, “bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê”…

bna-img-7791-5752.jpg
Tổ công tác 373 tuần tra vũ trang phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễu hành biểu dương lực lượng. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”; tích cực tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen” để ngành chức năng kịp thời ngăn chặn, đấu tranh xử lý.

Mới nhất

x
Nghệ An: Nhiều giải pháp mạnh để đấu tranh, ngăn chặn hoạt động 'tín dụng đen'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO