Nghệ An: Nhiều hệ lụy vì các dự án thủy điện chậm tiến độ

Tiến Hùng 22/11/2023 14:36

(Baonghean.vn) - Có những thủy điện khởi công đã hơn 15 năm vẫn chưa xong, một số dự án được phê duyệt từ lâu nhưng vẫn chưa triển khai. Chính quyền địa phương và người dân nhiều lần đề nghị sớm đưa những dự án này ra khỏi quy hoạch.

Chưa hoàn thành thủ tục đã khởi công

Nhiều năm nay, mỗi lần diễn ra các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân ở xã Tiền Phong (huyện Quế Phong), lại đề cập đến Dự án thủy điện Tiền Phong. Đây là một trong những dự án thủy điện chậm tiến độ, hiện dừng triển khai do chưa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

“Người dân ý kiến rất nhiều. Mà không chỉ người dân, chính quyền địa phương cũng mong muốn sớm đưa dự án thủy điện chậm tiến độ này ra khỏi quy hoạch”, ông Võ Khánh Toàn - Chủ tịch UBND xã Tiền Phong nói.

Dự án thủy điện Tiền Phong nằm trên sông Nậm Niên, đoạn qua xã Tiền Phong. Khu vực này nằm sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Dự án thủy điện này chỉ có công suất lắp máy vỏn vẹn 6MW, với dự kiến tổng mức đầu tư hơn 211 tỷ đồng.

Dù có công suất nhỏ, nhưng khi xây dựng, dự án thủy điện này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích rừng. Trong số diện tích quy hoạch làm thủy điện, có gần 5ha đến nay vẫn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong đó, có hơn 2,6 ha đất có rừng tự nhiên thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ và đặc dụng.

bna_t2.JPG
Khu vực bị ảnh hưởng nếu xây dựng thủy điện Tiền Phong, trong đó có những cánh rừng nguyên sinh, những thác nước đẹp. Ảnh: K.T

Dù có nhiều diện tích đất rừng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng tháng 3/2018, chủ đầu tư vẫn tiến hành khởi công xây dựng thủy điện Tiền Phong. “Khi phát hiện chủ đầu tư đưa máy móc vào để khởi công xây dựng, chúng tôi ngay lập tức có mặt lập biên bản, yêu cầu dừng lại, đưa máy móc ra khỏi rừng”, ông Võ Khánh Toàn kể.

UBND huyện Quế Phong sau đó cũng phát văn bản, yêu cầu chủ đầu tư chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, hoàn thiện các hồ sơ, trình tự thủ tục trước khi khởi công xây dựng. Chính vì vậy, cho đến nay dự án này vẫn chỉ đang nằm trên giấy.

Dù thủy điện nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn đến rừng. Khu vực đó là rừng đầu nguồn, với nhiều loài cây cổ thụ. Ngoài ra, ở đó còn có 3 con thác rất đẹp, là điểm đến ưa thích của người dân địa phương. Nếu xây dựng thủy điện, cả 3 con thác này đều bị xóa sổ.

ông Võ Khánh Toàn - Chủ tịch UBND xã Tiền Phong (Quế PHONG)

Liên quan vấn đề này, đại diện Sở Công Thương cho biết, dự án Nhà máy Thủy điện Tiền Phong triển khai chậm tiến độ, hiện dừng triển khai để thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc quy hoạch xây dựng dự án chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 13 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Mới đây nhất, ngày 17/02/2023, Sở Công Thương đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra các dự án chậm tiến độ, không triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó có Dự án thủy điện Tiền Phong.

bna_t3.jpg
Theo lãnh đạo xã Tiền Phong, thác nước này sẽ bị "xóa sổ" nếu xây dựng thủy điện. Ảnh: K.T

Đối với dự án này, Sở Công Thương sẽ chỉ đạo chủ đầu tư gấp rút thực hiện hoàn thành hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, yêu cầu chủ đầu tư xây dựng lộ trình thực hiện và có cam kết tiến độ nếu được UBND tỉnh chấp thuận cho phép gia hạn giấy chứng nhận đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư không có lộ trình tiến độ rõ ràng và phương án giải quyết khả thi, đề nghị chấm dứt đầu tư dự án.

Những bản làng “nhiều không” vì thủy điện chậm triển khai

Tương tự xã Tiền Phong, nhiều năm nay, chính quyền và người dân xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn), cũng thường xuyên có ý kiến, đề nghị đưa Dự án thủy điện Mỹ Lý ra khỏi quy hoạch. Dự án thủy điện này chậm triển khai, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân địa phương.

Để xây dựng thủy điện, kể từ năm 2007, những khu vực dự kiến ảnh hưởng bị dừng đầu tư, xây dựng kiên cố. Chính vì thế, những bản như Xốp Dương, Cha Nga… đến nay vẫn được gọi với cái tên: “Bản nhiều không”.

Người dân trên đó thiếu thốn đủ thứ, chúng tôi cũng muốn đầu tư xây dựng nhưng vướng quy hoạch thủy điện Mỹ Lý nên chịu. Bây giờ ở các bản này vẫn không có điện, không có sóng điện thoại, chỉ có đường đất đá lởm chởm. Nước sinh hoạt rất thiếu nhưng cũng không thể đầu tư xây dựng nhà máy nước cho bà con, họ phải băng rừng hàng kilomet xách từng can nước. Trường học thì xập xệ, mới đây chúng tôi phải kêu gọi từ thiện, mới dựng tạm được một điểm trường. Ngoài ra, một đoàn thiện nguyện khác cũng hỗ trợ xây dựng cây cầu nhỏ để bà con bớt gian nan.

ông Lương Văn Bảy – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý (Kỳ SƠN)

bna_t4.jpg
Đoạn đường vào bản Cha Nga chạy dọc thượng nguồn Nậm Nơn, nơi quy hoạch lòng hồ thủy điện Mỹ Lý. Ảnh: T.C

Không chỉ có xã Mỹ Lý, ở huyện Kỳ Sơn còn có Dự án thủy điện Nậm Mô 1 (xã Tà Cạ), được phê duyệt quy hoạch cùng thời điểm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Năm 2014, Dự án thủy điện Mỹ Lý (công suất 180 MW) và Nậm Mô 1 (công suất 90 MW) được Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty cổ phần Thủy điện Mỹ Lý - Nậm Mô làm chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hai dự án này thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030. Dự án đã được Bộ Công Thương thẩm tra dự án đầu tư xây dựng công trình vào năm 2016 và Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, từ năm 2021, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị đưa 2 Dự án thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1 ra khỏi quy hoạch điện VII điều chỉnh và Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, tại Tờ trình số 4778/TTr-BCT của Bộ Công Thương ngày 11/8/2022 về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Dự án thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1 vẫn thuộc danh mục các dự án được đề cập tại dự thảo Quy hoạch điện VIII, quy mô công suất điều chỉnh dự án Mỹ Lý từ 180 MW xuống 120 MW; dự án Nậm Mô 1 từ 90 MW xuống 50 MW, Bộ Công Thương dự kiến thời gian triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2021- 2025. Do vậy, dự án chưa có cơ sở rõ ràng để đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ và quan điểm của tỉnh đề xuất không tiếp tục thực hiện dự án.

Không chỉ có những dự án chưa triển khai, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có những dự án đã khởi công xây dựng nhưng suốt nhiều năm vẫn chưa hoàn thành. Đặc biệt là Dự án thủy điện Suối Choang (xã Châu Khê, Con Cuông), được khởi công từ năm 2009. Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư 74,5 tỷ đồng, công suất lắp máy được phê duyệt là 2,1 MW, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012, điện lượng sản xuất trung bình hằng năm 14,2 triệu Kwh. Tuy nhiên, sau đó dự án thi công ì ạch, thậm chí đình trệ suốt nhiều năm. Đến cuối năm 2017, Dự án thủy điện Suối Choang mới được tái khởi động. Tuy nhiên, từ đó đến tháng 4/2021, chủ đầu tư đã 3 lần xin điều chỉnh tiến độ và tổng mức đầu tư trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

bna_t1.jpg
Thủy điện Suối Choang chậm tiến độ suốt nhiều năm qua. Ảnh: Tiến Hùng

Ngoài ra, còn có Dự án thủy điện Châu Thôn (huyện Quế Phong). Dự án này được khởi công xây dựng từ năm 2007, với công suất chỉ 18 MW, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2009. Tuy nhiên, sau nhiều năm tiến độ ì ạch, mới đây chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch, trong đó đề xuất tách làm 2 dự án, gồm Dự án thủy điện Châu Thôn có công suất 29,8 MW; Dự án thủy điện Châu Thôn A có công suất 4 MW.

Như vậy, Dự án thủy điện Châu Thôn được đề xuất nâng quy mô công suất từ 18 MW lên quy mô công suất 33,8 MW. Theo báo cáo của Sở Công Thương, dự án này vừa được Bộ Công Thương có văn bản phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Sở Công Thương đã yêu cầu chủ đầu tư xây dựng lộ trình thực hiện và có cam kết tiến độ.

Mới nhất

x
Nghệ An: Nhiều hệ lụy vì các dự án thủy điện chậm tiến độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO