Nghệ An: Nhiều loại nông sản rớt giá, khó tiêu thụ

Thanh Phúc 12/05/2021 16:37

(Baonghean.vn) - Bước vào mùa thu hoạch rộ nhưng nhiều loại rau, củ rớt giá, ế ẩm vì không có đầu ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

HÀNG NGHÌN TẤN DƯA NẰM RUỘNG CHỜ NGƯỜI MUA

Hiện dưa hấu Nghĩa Đàn đang vào vụ thu hoạch, ước tính sản lượng lên đến khoảng 7.000 tấn. Ảnh: Thanh Phúc
Hiện dưa hấu Nghĩa Đàn đang vào vụ thu hoạch, ước tính sản lượng lên đến khoảng 7.000 tấn. Ảnh: Thanh Phúc

Dù đã vào vụ thu hoạch nhưng năm nay, 2ha dưa của gia đình anh Nguyễn Văn Khuê, xóm Phú Tiến (xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn) vẫn chưa biết bán cho ai. Nếu như mọi năm, khi dưa vừa lớn thì thương lái từ ngoài Bắc đã vào cọc tiền, ắt giá, 2ha dưa đến lúc thu hoạch thì chỉ cân lên, tính tiền. Như năm ngoái, dưa được mùa, được giá, trừ chi phí gia đình ông cũng thu về hơn 200 triệu đồng từ 2ha dưa.

Vậy mà năm nay, dưa đã chín, đạt độ chuẩn độ đường vẫn không có người hỏi mua. Anh phải nhờ cháu đăng tải trên mạng xã hội, vào các trang đồng hương ở các huyện để bán dưa;. Vậy nhưng “2ha thì thu hoạch cũng phải 45 tấn dưa, bán lẻ trên mạng thì không ăn thua, chẳng biết khi mô cho hết. Thời tiết không thuận, mưa xuống là coi như thất thu”, anh Khuê cho biết.

Năm nay, dưa hấu Nghĩa Đàn được mùa, quả to, đỏ, độ đường cao nhưng lại bí đầu ra. Theo người dân, dưa ế là do lâu nay, dưa Nghĩa Đàn chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc, nay dịch bùng phát, nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội nên sức tiêu thụ kém. Ảnh: Thanh Phúc
Năm nay, dưa hấu Nghĩa Đàn được mùa, quả to, đỏ, độ đường cao nhưng lại bí đầu ra. Theo người dân, dưa ế là do lâu nay, dưa Nghĩa Đàn chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc, nay dịch bùng phát, nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội nên sức tiêu thụ kém. Ảnh: Thanh Phúc

Hơn 10 năm lặn lội sang Như Xuân (Thanh Hóa) thuê đất trồng dưa nhưng với chưa năm nào vợ chồng ông Tài Hòa (xóm Liên Sơn, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn) lại chịu cảnh “mùa dưa đắng” như năm nay. 1,2ha dưa, chi phí bỏ ra cả trăm triệu đồng nhưng đến giờ, khi dưa chín rộ, “mở trại” để bán, giá rẻ nhưng cũng không có người mua.

Vụ dưa hấu này, nông dân Nghĩa Đàn gieo trồng hơn 350ha, sản lượng ước tính lên đến 7.000 tấn dưa. Hiện dưa bước vào mùa thu hoạch rộ, nhưng do dịch Covid-19 trong nước bùng phát, do đó, đầu ra cho loại quả được mệnh danh là “vua quả mùa hè” này sụt giá thê thảm. Nếu như năm trước, giá dưa tại ruộng là 7.000 – 8.000 đồng/kg thì năm nay xuống còn 3.000 – 4.5000 đồng/kg. Dù giá “chạm đáy” song việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, không có người thu mua, người dân buộc phải bán lẻ từng kg. Hàng nghìn tấn dưa hấu của người dân Nghĩa Đàn đang nằm ruộng chờ người thu mua.

Loại quả được mệnh danh
Loại quả được mệnh danh "vua mùa hè" này đang gặp khó khăn kép giá thấp và không có đầu ra. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Trần Đình Dũng, người đứng ra kết nối tiêu thụ dưa cho bà con trên mạng xã hội cho biết: “Dưa đẹp, độ đường cao, giá rẻ mà không biết bán cho ai nên lên mạng xã hội kết nối tiêu thụ cho bà con nhưng cũng chẳng ăn thua. Dưa Nghĩa Đàn từ trước đến nay thị trường tiêu thụ là các tỉnh phía Bắc, năm nay, dịch bùng phát mạnh, các tỉnh phía Bắc đang thực hiện giãn cách nên thương lái ngừng thu mua dẫn đến dưa ế”.

RAU, CỦ GIÁ RẺ NHƯ CHO

Giá các loại rau củ như: Mướp đắng, mướp hương, dưa chuột, bí xanh... cũng rớt giá thê thảm. Ảnh: Thanh Phúc
Giá các loại rau, củ như: Mướp đắng, mướp hương, dưa chuột, bí xanh... cũng rớt giá thê thảm. Ảnh: Thanh Phúc

Là vùng chuyên canh cây rau màu, thu nhập của người dân Nam Anh (Nam Đàn) chủ yếu dựa vào bí, mướp, dưa chuột, cà… nhưng năm nay, các loại rau quả này giá rẻ như cho, khó tiêu thụ nên bà con như “ngồi trên đống lửa”.

Toàn xã có hơn 150ha trồng bí, mướp đắng, mướp ngọt, cà xanh; sản lượng ước tính lên đến vài trăm tấn. Đang vào mùa thu hoạch rộ các loại rau, củ nhưng giá quá rẻ mạt. Nếu như năm ngoái, mướp đắng được bán với giá 12.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 2.000 đồng/kg; mướp ngọt 4.000 – 6.000 đồng/kg (giảm một nửa so với năm ngoái), nhất là bí xanh, giá “chạm đáy” chỉ còn 2.000 đồng/kg (giảm còn 1/5 so với mọi năm).

Anh Trương Văn Hường (xóm 7, xã Nam Anh) cho biết: “Gia đình có 2 sào trồng mướp đắng. Như năm ngoái, với mức giá 12.000 đồng/kg, thương lái thu mua tận ruộng, gia đình thu về 15 triệu đồng/sào tiền lãi. Năm nay, giá mướp rớt thảm hại, chỉ còn 2.000 đồng/kg, thu không đủ bù chi”.

50ha bí xanh, mướp, dưa chuột của người dân Nam Xuân (Nam Đàn) cũng vào vụ thu hoạch nhưng giá bán quá thấp, lại khó tiêu thụ nên người dân gặp không ít khó khăn. “Là những loại rau, củ thuộc hàng “giải nhiệt”, được người tiêu dùng ưa chuộng trong mùa nắng nóng nên rất được giá. Riêng năm nay, lại rớt giá thê thảm, khó bán. Hiện bà con đã thu hoạch được 2/3 diện tích, mấy ngày qua gặp giông lốc nữa nên bà con gặp thiệt hại không nhỏ”, ông Võ Văn Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân cho biết.

Rau Quỳnh Lưu chủ yếu bán cho các tỉnh phía Bắc và Đà Nẵng. Dịch bệnh bùng phát, giá các loại rau giảm mạnh và sản lượng tiêu thụ sụt giảm khoảng 40% so với trước. Ảnh: Thanh Phúc
Rau Quỳnh Lưu chủ yếu bán cho các tỉnh phía Bắc và Đà Nẵng. Dịch bệnh bùng phát, giá các loại rau giảm mạnh và sản lượng tiêu thụ sụt giảm khoảng 40% so với trước. Ảnh: Thanh Phúc

Ở vựa rau Quỳnh Minh, Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), giá cả các loại rau như: cà chua, mướp đắng, hành lá, bí xanh… đang sụt giảm mạnh, đầu ra gặp khó khăn.

“Hiện tại, giá tất cả các loại rau đều giảm một nửa so với trước, đặc biệt là mướp đắng, bí xanh, giá giảm đến 80% so với năm ngoái (chỉ còn 1.700 – 2.000 đồng/kg). Rau Quỳnh Minh chủ yếu tiêu thụ ở Hà Nội, Đà Nẵng, nay dịch bùng phát ở các địa phương này nên lượng hàng bán ra giảm mạnh, chỉ được khoảng 40% so với trước đó”.

Ông Hồ Mậu Tuấn - Giám đốc HTX nông diêm Quỳnh Minh

Theo người dân, ảnh hưởng của dịch Covid-19 là lý do khiến giá nhiều loại nông sản xuống thấp, sức mua giảm. Đặc biệt là thị trường trong nước, khi nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra chợ, siêu thị để mua hàng hóa, các nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch, các hoạt động lễ lạt, cưới hỏi... đều trì hoãn nên sức tiêu thụ các mặt hàng này giảm mạnh.

Do đó, để thích ứng với tình hình hiện nay, các hộ sản xuất, các HTX, các địa phương phải chủ động tìm cách kết nối tiêu thụ bằng nhiều kênh khác nhau, chuyển đổi phương thức bán hàng và cần có sự định hướng, chung tay của các cấp, các ngành.

Để ứng phó với dịch Covid-19, Sở Công Thương Nghệ An đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn triển khai nhiều nội dung. Trong đó, có việc tiếp nhận, báo cáo, xử lý, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thu mua, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất; tổ chức các hoạt động kết nối với hệ thống các cơ sở chế biến, phân phối trên địa bàn.

Mới nhất

x
Nghệ An: Nhiều loại nông sản rớt giá, khó tiêu thụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO