Nghệ An: Nhiều nhà máy gạch không nung 'chết yểu'

Bài: Văn Trường - KT: Lâm Tùng 16/06/2020 09:42

(Baonghean.vn) - Chất lượng sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, thân thiện với môi trường, tuy nhiên sau hơn 10 năm thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung, sản phẩm gạch vẫn chưa tìm được chỗ đứng.

Sản phẩm ứ đọng

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã xây dựng Đề án phát triển gạch xây không nung đến năm 2020. Tính đến thời điểm này có 482 cơ sở chủ yếu là các hộ tư nhân sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu là gạch xi măng (táp lô) đạt 726 triệu viên/năm. Trong đó có trên 10 nhà máy quy mô vừa và nhỏ xuất gạch cốt liệu, gạch bê tông bọt, gạch không nung làm từ đất theo công nghệ Polime hóa...

Theo Đề án này, các công trình xây dựng thuộc đầu tư công (trụ sở, trường học, bệnh viện) bắt buộc sử dụng gạch không nung chất lượng cao và các công trình cao tầng sử dụng 30% tổng số vật liệu là gạch không nung.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Báo Nghệ An, hiện nay, loại vật liệu thân thiện với môi trường này đang gặp khó vì không tìm được đầu ra.

Sản xuất gạch không nung tại nhà máy gạch Tam Đình, Tương Dương. Ảnh: Văn Trường
Sản xuất gạch không nung tại nhà máy gạch Tam Đình, Tương Dương. Ảnh: Văn Trường

Tại nhà máy gạch không nung ở xã Tam Đình, Tương Dương, cả triệu viên gạch đang tồn đọng, tấp đống ngổn ngang. Anh Nguyễn Văn Quế, chủ cơ sở sản xuất gạch không nung cho biết: Dây chuyền sản xuất gạch không nung này đưa vào hoạt động từ năm 2016, được đầu tư trị giá trên 13 tỷ đồng, công suất hoạt động 35 triệu viên/năm. Hiện nay tại nhà máy đang còn tồn kho trên 3 triệu viên gạch không nung các loại. Thời cao điểm nhà máy có trên 40 lao động, nay phải dừng sản xuất, nhà máy chỉ giữ lại còn 2-3 lao động để bảo vệ và bảo dưỡng máy móc.

Cũng nằm trong tình trạng trên là một nhà máy gạch không nung tại xã Đồng Thành, Yên Thành. Đại diện nhà máy gạch này chia sẻ: Từ năm 2018 chúng tôi đã vay mượn đầu tư xây dựng dây chuyền gạch không nung trên 10 tỷ đồng với công suất 2 triệu viên/năm. Ngay từ năm 2019 đi vào hoạt động đã khó khăn, nguyên nhân là do người dân ít sử dụng vật liệu này làm nhà, mặc dù nhà máy đã bán rất rẻ, như giá 1 viên gạch đặc nung trên thị trường 1.500 đồng/viên, giá gạch không nung 650 đồng/viên nhưng không bán nổi.

Chưa kể Yên Thành còn có hàng trăm điểm đóng táp lô giá rẻ nên gạch không nung khó cạnh tranh. Hiện nay cơ sở đang tồn đọng hàng triệu viên gạch.

Gạch không nung tồn 3 triệu viên tại nhà máy gạch Tam Đình, Tương Dương. Ảnh: Văn Trường

Cũng tại xã Sơn Thành, Yên Thành, từ năm 2011, anh Nguyễn Hữu Thi đã đầu tư dây chuyền gạch không nung trên 50 tỷ đồng. Trong năm 2011, công ty đã sản xuất “mẻ” đầu tiên 1 triệu viên, bán cho một số hộ dân xây dựng nhà, tuy nhiên đầu ra khó khăn nên từ năm 2011 đến nay công ty đã dừng sản xuất.

Cũng còn khá nhiều đơn vị đang phải hoạt động cầm cự như nhà máy gạch Quốc Anh ở thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu, nhà máy gạch không nung Nghĩa Hoàn, Tân Kỳ. Một số nhà máy đang phải tạm dừng hoạt động như Công ty gạch không nung Đức Thịnh ở thị xã Hoàng Mai, Công ty cổ phần VLXD- NTT ở Sơn Thành, Yên Thành… điều đó cho thấy chương trình gạch không nung đang đi vào… ngõ cụt.


Các công trình xây dựng Nhà nước ở huyện Yên Thành vẫn đang sử dụng gạch nung. Ảnh: Văn Trường
Các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước ở huyện Yên Thành vẫn đang sử dụng gạch nung. Ảnh: Văn Trường

Nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ gạch không nung ở Nghệ An kém là do nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về VLXDKN còn chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm VLXDKN nói riêng và bê - tông khí nói chung. Các nhà máy sản xuất gạch không nung ra đời vào đúng lúc kinh tế nước ta bị ảnh hưởng của suy thoái, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, lãi suất vay vốn cao,...

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn còn hạn chế, cho nên phần lớn chỉ nhập các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ; công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt. Hơn nữa, tình hình xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến nhằm hạn chế dần loại vật liệu nung truyền thống tại địa phương chưa triệt để, dẫn đến sản lượng gạch đỏ còn nhiều.

Cần có giải pháp đồng bộ

Một số doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất lĩnh vực không nung chia sẻ: Để sản phẩm gạch không nung có thể phát triển và có chỗ đứng trên thị trường vật liệu xây dựng thì các ban ngành, cần ban hành sớm về các quy định, chính sách pháp luật bằng văn bản về tiêu chuẩn hướng dẫn cũng như quy định xử lý đối với các công trình xây dựng.

Đặc biệt, cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để người dân có thể hiểu đây là một vật liệu không hề độc hại và đủ tiêu chuẩn về an toàn tránh tâm lý e ngại và sử dụng vật liệu truyền thống.

Chú thích?
Nhiều nhà máy sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh không tìm được đầu ra. Ảnh: Văn Trường

Đại diện Sở Xây dựng Nghệ An cho biết thêm: VLXD không nung thay thế gạch nung là định hướng đúng, phù hợp điều kiện hiện nay và xu hướng phát triển bền vững của thế giới. Về cơ chế chính sách những năm qua tỉnh đã tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển vật liệu không nung, như tạo điều kiện thủ tục thuê đất, đưa vật liệu không nung vào các công trình Nhà nước.

Tuy nhiên cũng cần một chương trình và lộ trình cụ thể để phát triển gạch không nung, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Cùng chung tay với doanh nghiệp giải quyết bài toán về vốn, lãi vay, thực hiện nghiêm túc việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình vốn Nhà nước, khuyến khích và tuyên truyền cho người dân về loại vật liệu thân thiện môi trường này.

Mới nhất

x
Nghệ An: Nhiều nhà máy gạch không nung 'chết yểu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO