Nghệ An: Nhu cầu tiêm phòng viêm não mô cầu tăng cao

(Baonghean) - Trước nguy cơ bệnh viêm não mô cầu diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêm phòng bệnh của người dân tăng cao. Tuy nhiên, khan hiếm vắc-xin phòng bệnh là thực trạng chung đang diễn ra trên cả nước.
Đăng ký tiêm phòng cho trẻ tại phòng tiêm chủng SAFPO Nghệ An.
Đăng ký tiêm phòng cho trẻ tại phòng tiêm chủng SAFPO Nghệ An.
Thông tin về bệnh viêm não mô cầu xuất hiện ở một số tỉnh, thành như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Đắc Lắc…  và đang có nguy cơ bùng phát khiến nhiều người dân lo lắng, theo đó nhu cầu tiêm phòng bệnh tăng. Anh Nguyễn Quang  Hùng (Nghi Hoa, Nghi Lộc), đưa con trai 6 tuổi đi tiêm phòng tại Phòng Tiêm chủng SAFPO cho biết: “Nghe thông tin căn bệnh viêm não mô cầu nguy hiểm đến tính mạng nên tôi đưa con trai đi tiêm vắc-xin phòng bệnh; theo khuyến cáo thì tiêm phòng là biện pháp bảo vệ tốt nhất khi dịch bệnh đang bùng phát”. 
Bệnh viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính; do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên tình trạng nhiễm trùng ở màng não, tổn thương ở não. Bệnh có thể lây lan thành dịch, với các biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, chóng mặt, li bì… nặng có thể hôn mê, sốc và có thể tử vong. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong từ 5 - 10%. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 ngày đến 10 ngày.
Khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị; đồng thời thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát, xử lý kịp thời.

Nhu cầu tư vấn và tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu của người dân tăng gấp nhiều lần so với trước nhưng hiện tại nguồn vắc-xin còn hạn chế. Bác sỹ Phan Đình Nghĩa – Phòng Tiêm chủng SAFPO cho biết: “Hiện nay, vắc-xin phòng viêm não mô cầu có 2 chủng là chủng AC và BC. Loại vắc-xin phòng viêm não mô cầu chủng AC đã hết từ tháng 7/2015, dự  kiến hết tháng 4 mới có trở lại. Còn với vắc-xin tiêm phòng viêm não mô cầu chủng BC vẫn còn, nhưng theo quy định của Bộ Y tế, vắc-xin tuýp này chỉ sử dụng cho độ tuổi từ 6 - 10 tuổi”.

Mặc dù, phí mỗi mũi tiêm phòng viêm não mô cầu khá lớn (vắc-xin  tuýp AC là 180.000 đồng/mũi, 3 năm sau nhắc lại; vắc xin tuýp BC, mỗi mũi 200.000 đồng, 2  mũi cách nhau  6 - 8 tuần) nhưng tính từ sau Tết đến nay, tại phòng tiêm SAFPO có khoảng 30 trường hợp đến tiêm phòng vắc-xin phòng viêm não mô cầu. 

Theo thống kê của Cục Y tế dự  phòng, Bộ Y tế, tại Việt Nam từ năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận 610 ca nhiễm bệnh; năm 2011 có số trường hợp mắc cao nhất với 272 ca nhiễm viêm não mô cầu. Từ năm 2012, số ca  nhiễm bệnh viêm não do mô cầu cũng như tử vong do bệnh đã giảm dần. Tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, cả nước xuất hiện 7 trường hợp nhiễm viêm não mô cầu, trong đó 1 trường hợp tử vong.

Còn ở Nghệ An, năm 1995 tại 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương ghi nhận 254 ca mắc viêm  não mô cầu, chủ yếu tập trung ở các bản có người dân tộc Khơ Mú sinh sống; trong đó có 15 trường hợp tử vong.

Nguy hiểm ở chỗ, vi khuẩn não mô cầu cư trú tại vùng họng, mũi của người bệnh nên dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp khi bệnh nhân ho, xuất tiết mũi… Bệnh lây trực tiếp do tiếp xúc gần hoặc gián tiếp qua trung gian đồ dùng chung có dính chất tiết từ đường hô hấp của người lành mang trùng. Bởi vậy, bệnh có nguy cơ lan rộng thành dịch. 
Một loại vắc xin tiêm phòng viêm não mô cầu do Cuban sản xuất đang được sử dụng tại Việt Nam.
Vắc xin tiêm phòng viêm não mô cầu chủng BC do Cuban sản xuất đang được sử dụng tại Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh của người dân, thông tin từ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, trong tháng 4 tới, Việt Nam sẽ có thêm 160.000 liều vắc-xin ngừa não mô cầu. Các chuyên gia lưu ý tiêm vắc-xin là giải pháp phòng bệnh viêm màng não mô cầu chủ động nhưng không phải là biện pháp phòng bệnh duy nhất. 
Thực tế, bệnh viêm não mô cầu xuất hiện tản phát, rải rác quanh năm nhưng thường bùng phát vào thời điểm cuối năm và mùa đông xuân; khi thời tiết diễn biến thất thường, độ ẩm cao, thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh lây lan. Bệnh viêm não mô cầu có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhóm tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là từ 2 - 3 tuổi và nhóm thanh, thiếu niên từ 14 - 20 tuổi.
Đây là căn bệnh diễn tiến nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ kể từ khi có biểu hiện bệnh. Bởi vậy, tại thời điểm bệnh đang diễn biến phức tạp, ngành Y tế khuyến cáo người dân  cần chủ động để tự bảo vệ bản thân và những người thân trong gia đình mình, bằng cách thực hiện một số biện pháp vệ sinh cá nhân như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, làm thông thoáng nơi làm việc. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. 
Nguyệt Minh

tin mới

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.