Nghệ An nỗ lực để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em thiệt thòi

K.L (Thực hiện) 16/03/2022 08:22

(Baonghean.vn) - Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Hành chính Tư pháp (Sở Tư pháp) trao đổi với Báo Nghệ An về kết quả 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, công tác nuôi con nuôi ở Nghệ An.

P.V: Xin bà cho biết những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An?

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy: Bảo vệ, bảo đảm các quyền của trẻ em là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, nhất là đối với những trẻ em không may mắn. Ngày 17/6/2010, Luật Nuôi con nuôi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Tiếp đó, ngày 1/2/2012, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế.

Sau 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay, công tác nuôi con nuôi đã đạt được những kết quả nhất định như: Thể chế pháp luật về nuôi con nuôi cơ bản đã được hoàn thiện và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã tìm được gia đình thay thế ở trong nước và nước ngoài; công tác nuôi con nuôi đã đi vào nề nếp; quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài được đương nhiên công nhận ở các nước thành viên Công ước La Hay.

Cán bộ phòng Hành Chính Tư Pháp ( Sở Tư Pháp) trao đổi nghiệp vụ. Ảnh tư liệu: KL
Cán bộ Phòng Hành chính tư pháp ( Sở Tư pháp) trao đổi nghiệp vụ. Ảnh tư liệu: KL

Ở Nghệ An, ngay sau khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch, Văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, 21/21 UBND huyện, thành phố, thị xã đều ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, để kịp thời triển khai thực hiện Quyết định số 1233/QĐ-TTg ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế và Quyết định số 1985/QĐ-BTP ngày 13/7/2012 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế theo quy định của Luật Nuôi con nuôi. UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch triển khai Công ước La Hay; Kế hoạch số 742 về việc triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế; Quyết định số 1012 ban hành Quy chế phối hợp liên ngành để phối hợp giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng; Kế hoạch số 173 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Để thực hiện tốt những nội dung này, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc cho, nhận con nuôi, cũng như cán bộ, công chức tại các cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn các cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đúng trình tự, thủ tục tiếp nhận và giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó, ngăn ngừa, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc tiếp nhận và sử dụng các khoản hỗ trợ liên quan đến việc nuôi con nuôi bảo đảm công khai, minh bạch và đúng pháp luật.

Việc kiểm tra công tác nuôi con nuôi ở cơ sở được Sở Tư pháp lồng ghép với công tác kiểm tra đăng ký và quản lý hộ tịch, chứng thực hàng năm. Đặc biệt, việc kiểm tra chặt chẽ đối với hồ sơ đăng ký cho nhận con nuôi đã dần dần tạo ra sự minh bạch, góp phần hạn chế một cách đáng kể các hành vi làm sai lệch hồ sơ về nguồn gốc của trẻ em, bảo vệ tốt hơn quyền của trẻ.

Qua 10 năm thực hiện, toàn tỉnh đã giải quyết được 1.195 con nuôi, trong đó, 1.147 con nuôi trong nước và 48 con nuôi có yếu tố nước ngoài. Trong 1.147 con nuôi trong nước có 973 trẻ em bình thường, 14 trẻ em có nhu cầu đặc biệt, 817 trẻ em trong cơ sở nuôi dưỡng và 263 trẻ em sống trong gia đình. Trong số 48 trẻ em cho nhận con nuôi nước ngoài có 41 trẻ em bình thường, 7 trẻ em có nhu cầu đặc biệt, 13 trẻ em trong cơ sở nuôi dưỡng và 35 trẻ em sống trong gia đình.

P.V: Việc giải quyết các thủ tục liên quan đến con nuôi có yếu tố nước ngoài được thực hiện như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy: Thủ tục xác nhận trẻ em đủ điều kiện nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đã đảm bảo điều kiện pháp lý cho tất cả các trường hợp trẻ em cần tìm gia đình thay thế ở cơ sở nuôi dưỡng hoặc ở gia đình nếu thuộc diện là con riêng, cháu ruột của người nhận con nuôi; đảm bảo trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài đúng đối tượng, độ tuổi và diện giải quyết. Để xác nhận trẻ em đủ điều kiện cho nhận con nuôi nước ngoài, tất cả các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi đều phải qua Công an tỉnh xác nhận nguồn gốc, có kết luận xác minh bằng văn bản. Quá trình xác minh nguồn gốc của trẻ bị bỏ rơi đã tăng cơ hội đoàn tụ gia đình gốc cho trẻ em. Đối với trẻ em xác định được cha mẹ đẻ, Sở Tư pháp tiến hành lấy ý kiến của cha mẹ đẻ, người giám hộ, trẻ em từ 9 tuổi trở lên và giám đốc cơ sở nuôi dưỡng thể hiện ý chí đồng ý cho trẻ em làm con nuôi.

Cho đến nay, việc xác nhận việc xác nhận trẻ em đủ điều kiện là con nuôi nước ngoài trên địa bàn tỉnh về cơ bản tuân thủ đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, góp phần tạo điều kiện cho nhiều trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo sớm tìm được gia đình thay thế phù hợp, được chữa bệnh kịp thời và được chăm sóc trong môi trường gia đình. Có được điều này là do các cơ quan, ban, ngành liên quan đã nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt. Việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài ở Nghệ An chưa có sơ suất nào về mặt pháp lý. Các quyết định nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được UBND tỉnh Nghệ An ký đều được phía nước ngoài công nhận.

P.V: Vậy trong thời gian tới cần tập trung vào những nội dung gì để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay?

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy: Với phương châm “Dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho trẻ em”, đảm bảo ngăn ngừa lợi ích bất chính từ việc nuôi con nuôi và ngăn chặn các vụ việc trái với những mục tiêu của Công ước La Hay. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác này, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Tiếp tục nghiên cứu đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thiện đồng bộ, thống nhất các quy định về cho, nhận nuôi con nuôi đối với gia đình chính sách, người có công; nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc làm con nuôi của các đối tượng này để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; bổ sung quy định về thu lệ phí đối với đăng ký lại việc nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch cho con nuôi; theo dõi tình hình phát triển của con nuôi; thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi…

- Nghiên cứu các quy định, chế tài để xử lý tốt tình trạng tự ý cho, nhận con nuôi đối với trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập; đối với các trường hợp tự thỏa thuận cho nhận con nuôi; đối với trẻ em sống tại cơ sở tôn giáo; đối với trẻ em sống ở khu vực biên giới…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa intenet.

- Thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp giữa cơ quan chủ quản của cơ sở nuôi dưỡng và Sở Tư pháp, phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Nghiên cứu xây dựng Quy chế phối hợp để ràng buộc trách nhiệm giữa các cơ quan trong vấn đề giải quyết nuôi con nuôi trong nước.

- Đẩy mạnh công tác tập huấn và hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ công tác giải quyết việc nuôi con nuôi cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp. Thực hiện đồng bộ với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, thực hiện quy định của pháp luật về nuôi con nuôi và Công ước La Hay cho cán bộ và nhân dân.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi, qua đó, phát hiện những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong công tác nuôi con nuôi của các địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời. Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục...

P.V: Xin cảm ơn bà!

Mới nhất

x
Nghệ An nỗ lực để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em thiệt thòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO