Kinh tế

Nghệ An nỗ lực nâng cao hiệu quả vốn hỗ trợ liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp miền núi

Hoài Thu 26/11/2024 10:17

Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn I ở Nghệ An không chỉ cung cấp nguồn vốn mà còn giúp nông dân vùng cao phát huy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững.

Phát huy điều kiện sẵn có

Dẫn chúng tôi tham quan ao cá của gia đình, ông Lê Văn Ạng ở bản Na Kho, xã Nga My (Tương Dương) cho biết, trước đây kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào chăn nuôi bò, lợn và thu hái lâm sản phụ. 2 năm lại nay, gia đình ông có thêm nguồn thu nhập khá ổn định nhờ bán cá từ ao nuôi được hỗ trợ bằng nguồn vốn Chương trình MTQG. Mỗi năm 2-3 lứa, ông thu hoạch khoảng 2-3 yến cá/lứa, mỗi con có trọng lượng trung bình 1,5kg, giá bán 100 ngàn đồng/kg.

Ông Lê văn ạng bả Na Kho xã Nga My tận dụng cây lá rừng nuôi cá ao ảnh Hoài Thu
Ông Lê Văn Ạng bản Na Kho xã Nga My tận dụng cây lá rừng nuôi cá ao. Ảnh: Hoài Thu

Trưởng bản Na Kho Lữ Văn Uôn cho biết, các mô hình phát triển kinh tế mà các hộ dân Na Kho thụ hưởng đều được tài trợ kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật rất sát sao, hiệu quả.

Nói rõ hơn về điều này, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My - ông Kha Văn Thứ cho hay, các mô hình người dân được hỗ trợ phần lớn là từ nguồn vốn các Chương trình MTQG giai đoạn I (2021-2025) theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Chính phủ.

Nga My có các bản nằm trong khu vực vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, dọc theo suối Nậm Ngân và suối Nậm Kho, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng, gắn với bảo vệ rừng hết sức quan trọng. Vì vậy, huyện Tương Dương, xã Nga My đã chú trọng đầu tư nguồn vốn Chương trình MTQG cho người dân các bản vùng trong phát triển các mô hình kinh tế phát huy lợi thế của địa phương gắn với bảo vệ rừng.

Cụ thể, nguồn vốn Chương trình MTQG đầu tư công năm 2023 và 2024 đầu tư các mô hình: trồng cây bách bộ dược liệu dưới tán rừng tại bản Na Kho với 15 hộ tham gia; mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm tại bản Xốp Kho, Na Kho với quy mô 1.500 con cho 10 hộ, kinh phí 106,5 triệu đồng. Mô hình nuôi lươn trong bể tại bản Pột, bản Bay với 15 hộ thực hiện, vốn hỗ trợ hơn 200 triệu đồng. Mô hình trồng cây tràm năm gân tại bản Đàng 3 ha, bản Văng Môn 1 ha, bản Bay 2 ha và Na Ca 4 ha, tổng kinh phí 719 triệu đồng hỗ trợ 46 hộ.

BNA_Cán bộ Phòng Nông nghiệphuyeej Tương Dương và xã Nga My kiểm tra hiệu quả mô hình nuôi cá của hộ dân được thụ hưởng từ ngồn Chương trình MTQG tại bản Na Kho ảnh Hoài tHu.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương và xã Nga My kiểm tra hiệu quả mô hình nuôi cá của hộ dân được thụ hưởng từ nguồn Chương trình MTQG tại bản Na Kho. Ảnh: Hoài Thu.

Nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) của huyện Tương Dương được phân bổ hơn 700 tỷ đồng để thực hiện 10 dự án. Một trong các dự án phát huy hiệu quả nhất đó là Dự án 3 đầu tư 19 mô hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững theo liên kết chuỗi giá trị từ trồng trọt đến tiêu thụ cho hơn 400 hộ.

Cũng nhờ Dự án 3, người dân vừa phát triển kinh tế vừa gắn với bảo vệ rừng. Tổng diện tích hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng của huyện Tương Dương hơn 93.000 ha, mang lại nguồn tiền khoán bảo vệ rừng cho 5.958 hộ gia đình và 160 tổ cộng đồng.

Có thể thấy, không chỉ ở huyện Tương Dương, nguồn vốn các Chương trình MTQG đã giúp “tiếp sức” cho địa phương miền núi phát huy lợi thế để sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng.

Ví như ở huyện Con Cuông, tại xã Châu Khê, năm 2023, nguồn vốn Tiểu dự án 2 - Dự án 3 Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS và miền núi đã hỗ trợ giống bò Lai Sind sinh sản và hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu thuộc các hộ nghèo, cận nghèo của 9/9 thôn bản. Trong đó, hỗ trợ giống bò lai Sind 43 con, và 26 con trâu giống. Ngoài ra, nguồn Chương trình MTQG còn hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho 6 thôn bản gồm Châu Sơn, Châu Định, Bủng Xát, Bản Diềm, Bản Bu, Bản Nà. Ngoài hỗ trợ các mô hình nông nghiệp, người dân Châu Khê còn được chi trả hỗ trợ bảo vệ rừng hơn 670 triệu đồng.

bna_0740(1).jpg
Người dân xã Châu Khê (Con Cuông) trồng dược liệu từ nguồn hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp miền núi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hoài Thu

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Con Cuông, tính đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đạt hơn 394 tỷ đồng, đã bố trí cho 52 công trình. Trong đó nguồn vốn cấp năm 2022 -2024 hơn 294 tỷ đồng đã giải ngân 201 tỷ đồng (đạt 68,3%). Đối với Tiểu dự án 2 - Dự án 3 Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (nguồn vốn 2022 và 2023) đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho 9 xã khu vực 3 và bản Trung Chính, xã Yên Khê là thôn bản đặc biệt khó khăn với kinh phí hơn 9 tỷ đồng.

Nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công

Ông Vi Mỹ Sơn – Phó ban Dân tộc tỉnh cho biết, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 được triển khai đồng bộ và có sự đồng thuận của nhân dân vùng đồng bào nên phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn. Riêng năm 2024, thực hiện kế hoạch giao vốn, HĐND tỉnh thông qua các Nghị quyết với tổng kế hoạch vốn nguồn ngân sách Trung ương được giao hơn 1.600 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 799 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 801 tỷ đồng. Từ đó đã phân bổ hiện hỗ trợ nhà ở đối với 86 hộ; hỗ trợ đất sản xuất đối với 759 hộ; đầu tư xây dựng mới 139 danh mục dự án đầu tư và chuyển tiếp 238 danh mục dự án đầu tư của các năm 2022 và năm 2023.

Người dân bản bản Văng Môn xã Nga My phát triển kinh tế từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG Ảnh Hoài Thu
Người dân bản bản Văng Môn, xã Nga My phát triển kinh tế từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG. Ảnh: Hoài Thu

Để nâng tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn các Chương trình MTQG, đồng chí Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác về đầu tư công cho biết, các địa phương, đơn vị cần đánh giá nguyên nhân tồn tại, các khó khăn và giải pháp trên cơ sở nhận định đúng tình hình, tìm đúng nguyên nhân, đề xuất đúng giải pháp, đúng mục tiêu triển khai, tháo gỡ. Các cơ quan, bộ phận tham mưu chủ động trong công tác tổng hợp vốn, điều chỉnh nguồn vốn kịp thời để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, nhiệm vụ. Sau khi được giao vốn cần khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư các dự án. Có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là các Chương trình MTQG.

Mới nhất

x
Nghệ An nỗ lực nâng cao hiệu quả vốn hỗ trợ liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO