Nghệ An nỗ lực thực hiện 'Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng'

Minh Quân 28/06/2023 07:55

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 22 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2023), Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.

P.V: Cách đây hơn 22 năm, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam. Vậy, xin bà cho biết ý nghĩa Ngày Gia đình Việt Nam và tầm quan trọng của công tác gia đình trong đời sống xã hội nói chung góp phần bồi đắp, phát huy bản sắc văn hóa, con người Nghệ An nói riêng?

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

bna_gia đình hạnh phúc.jpg
Khoảnh khắc hạnh phúc của một gia đình trẻ. Ảnh: NVCC

Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam.

Từ đó đến nay, Ngày Gia đình Việt Nam đã trở thành một truyền thống văn hóa vô cùng quan trọng và mang ý nghĩa sâu sắc đối với chúng ta. Đây là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam; là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; là ngày đoàn tụ về tổ ấm của những người ruột thịt, nhắc nhở nhau về những gì mỗi thành viên trong gia đình đã làm nhằm nối tiếp những truyền thống tốt đẹp, khơi dậy ở con người lòng nhân ái, hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.

Bố mẹ và các con. Ảnh Sách Nguyễn.jpg
Bố mẹ và các con. Ảnh: Sách Nguyễn

Tại Nghệ An, công tác gia đình được đặc biệt quan tâm thông qua nhiều kế hoạch, chương trình hành động, vừa nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đặt ra cho công tác gia đình, vừa là quyết tâm chính trị cao của tỉnh trong việc đưa văn hóa và con người thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của tỉnh.

Nổi bật là việc nỗ lực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Qua đó, môi trường văn hóa trong gia đình được quan tâm, góp phần gìn giữ các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, tiếp thu, bổ sung những giá trị mới, tiến bộ của gia đình hiện đại; phát huy các mối quan hệ trong gia đình, dòng họ, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa.

P.V: Với vai trò, ý nghĩa như vậy, theo bà, công tác gia đình ở Nghệ An những năm qua đã được triển khai cụ thể như thế nào?

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Xác định tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm và then chốt trong triển khai công tác gia đình, những năm qua, Nghệ An đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức phong phú, như: Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền cổ động trực quan sinh động bằng pa-nô, khẩu hiệu, tờ gấp… về xây dựng gia đình, các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Cùng với đó, tổ chức các hội thi, hội diễn quần chúng chủ đề gia đình, giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các gia đình, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng, kiến thức nuôi dưỡng, giáo dục con cái, chăm sóc người già, người khuyết tật, nói chuyện chuyên đề về văn hóa gia đình và việc xây dựng gia đình văn hóa.

Người mẹ bản Mông và các con (ảnh chụp tại Tri Lễ, Quế Phong). Ảnh Hồ Phương.jpg
Người mẹ bản Mông và các con (Ảnh chụp tại xã Tri Lễ, Quế Phong). Ảnh Hồ Phương

Công tác gia đình cũng được các địa phương, đơn vị chủ động triển khai lồng ghép, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua của các tổ chức quần chúng. Trong đó, các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình, các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững được địa phương quan tâm xây dựng và nhân rộng.

Toàn tỉnh hiện có 188 mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình, với 848 câu lạc bộ, 1.663 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 2.881 địa chỉ tin cậy cộng đồng và 673 số đường dây nóng để xử lý các vụ bạo lực gia đình. Năm 2022, toàn tỉnh có 249 vụ bạo lực gia đình được xử lý. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 86,4% gia đình văn hóa.

P.V: Có thể thấy rằng, trong bối cảnh đất nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, các giá trị gia đình Việt Nam đã chịu ảnh hưởng đáng kể từ mặt trái của kinh tế thị trường và ở Nghệ An không phải là ngoại lệ. Vậy, bên cạnh kết quả tích cực, trong công tác gia đình trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại, hạn chế gì, thưa bà?

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Cùng với sự phát triển của đất nước, bên cạnh những thành tựu đạt được trong việc nâng cao chất lượng sống của các gia đình, vẫn còn có nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết. Đó là việc các giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp. Cùng với đó, sự xung đột giữa các thế hệ trong gia đình về cách sống, lối sống đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho mỗi gia đình và cho cán bộ làm công tác gia đình.

Ngoài ra, tệ nạn xã hội vẫn đang tiếp tục xâm nhập vào gia đình, nhất là giới trẻ. Đặc biệt, vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em nghiêm trọng gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. Trong khi đó, việc triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở còn nhiều hạn chế do thiếu kinh phí hoạt động. Việc phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình chưa thật sâu rộng. Công tác nhận diện, phát hiện, thu thập báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở nhiều địa phương chưa trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời.

Phải thắng thắng thừa nhận rằng, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và các ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, chưa thực sự vào cuộc để xử lý các vụ bạo lực gia đình. Cộng đồng, xã hội chưa thể hiện thái độ phê phán kiên quyết, mạnh mẽ với những người gây ra bạo lực gia đình, còn xem đó là việc nội bộ của mỗi gia đình.

P.V: Bà có thể cho biết, thời gian tới, việc đẩy mạnh triển khai công tác gia đình sẽ tập trung vào những vấn đề gì?

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Là cơ quan thường trực, tham mưu và hướng dẫn triển khai công tác gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền dựa trên các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về vị trí, vai trò của gia đình, đặc biệt là Kế hoạch số 711/KH-UBND ngày 13/10/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030; Kế hoạch số 709/KH-UBND ngày 13/10/2022 thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; Kế hoạch số 319/KH-UBND ngày 9/6/2021 về tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025…

Phút nghỉ ngơi giữa ngày mùa của đôi vợ chồng già ở huyện Hưng Nguyên. Ảnh Sách Nguyễn...jpg
Phút nghỉ ngơi giữa ngày mùa của đôi vợ chồng già ở huyện Hưng Nguyên. Ảnh Sách Nguyễn

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa; chú trọng kết hợp vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục gia đình truyền thống nhằm giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Tiếp tục chỉ đạo việc nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình gắn với tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, thành lập nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững.

Ngoài ra, định kỳ hằng năm hướng dẫn, tổ chức chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Quốc tế gia đình (15/5), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) với những nội dung thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tạo sự lan tỏa, hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, tôn vinh giá trị gia đình; thường xuyên, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tấm gương gia đình tiêu biểu, hạnh phúc; đồng thời, phê phán, lên án, đấu tranh với những hành vi lệch chuẩn tạo dư luận tiêu cực, tác động xấu tới cộng đồng để góp phần điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi gia đình.

bna_văn nghệ thiếu nhi.jpg
Chương trình văn nghệ tại Lễ phát động Tháng phòng, chống bạo lực gia đình năm 2023 ở Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp. Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong việc tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ về công tác gia đình nhằm giữ gìn các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam trong bối cảnh mới. Tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp.

Mặt khác, phải nhìn nhận rằng, vấn đề xây dựng “Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc” cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân chứ không chỉ ở các hoạt động tuyên truyền, vận động của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Trong mỗi gia đình, từng cá nhân phải không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình và những giá trị tích cực của đạo đức văn hóa gia đình, tầm quan trọng của việc gìn giữ các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội…

Có như vậy, 4 tiêu chí: “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ” mới hiện hữu trong mỗi gia đình và lan tỏa ra ngoài cộng đồng, xã hội, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước, như chủ đề chung về gia đình đến năm 2025 mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện là: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”.

P.V: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Mới nhất
x
Nghệ An nỗ lực thực hiện 'Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO