Nghệ An phải truy thu hàng trăm tỷ đồng hưởng sai chế độ thương binh

(Baonghean.vn) - Trong tổng số tiền gần 120 tỷ đồng phải truy thu của gần 600 thương binh không đúng đối tượng, đến nay cơ quan chức năng Nghệ An mới thu hồi được hơn 2,2 tỷ đồng.

“Muốn có chế độ thì phải chạy”

Công an tỉnh Nghệ An vừa khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Phúc Hồng (64 tuổi, xã Nam Thái, Nam Đàn), để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hồng là một mắt xích quan trọng trong đường dây chạy thương binh do Tạ Thị Vân (phường Hưng Bình, TP Vinh) cầm đầu.

“Chân rết” này bị cáo buộc đã nhận hơn 260 bộ hồ sơ cùng số tiền hơn 8 tỷ đồng để “chạy” chế độ thương binh, chất độc màu da cam cho những người có nhu cầu. Sau đó hưởng chênh lệch hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, trước khi bị bắt giam, ông Hồng thừa nhận với phóng viên Báo Nghệ An, trong hơn 260 người nhờ ông “chạy” chế độ, không hề có một ai bị thương. “Không có ai bị thương, chỉ cần đi bộ đội là được”, ông Hồng nói.

Đường dây chạy thương binh của Vân có hơn 1.200 người sập bẫy với tâm lý
Đường dây chạy thương binh của Vân có hơn 1.200 người sập bẫy với tâm lý "muốn có chế độ thì phải chạy". Ảnh: Tiến Hùng

Là điều tra viên của đường dây chạy thương binh lớn nhất từ trước đến nay, đại úy Phan Thanh Hải (Văn phòng Cảnh sát điều tra, Công an Nghệ An), cho biết mặc dù chính sách pháp luật cho đến nay cơ bản đáp ứng và tạo điều kiện để xác định, công nhận đúng đối tượng người có công. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều sai sót, tiêu cực, dẫn đến nhiều cá nhân khai man để trục lợi chính sách.

Trong khi đó, cũng có những người có công thực sự do không đủ giấy tờ chứng minh theo quy định nên đến nay vẫn chưa được hưởng một chế độ gì. Từ thực tại như vậy, các cá nhân không đủ giấy tờ lưu giữ để chứng minh và cả các cá nhân không bị thương nhưng muốn hưởng lợi chính sách nảy sinh tâm lý tiêu cực “muốn được hưởng chế độ thì phải chạy”.

Cựu chiến binh ở Nghệ An đi làm hồ sơ để được hưởng chế độ chính sách. Ảnh: Tiến Hùng
Cựu chiến binh ở Nghệ An đi làm hồ sơ để được hưởng chế độ chính sách. Ảnh: Tiến Hùng

Lợi dụng tâm lý này của người dân, nhiều đối tượng đã bằng thủ đoạn hứa hẹn, quen biết nhiều, có thể “chạy” từ đó nhận tiền, hồ sơ rồi chiếm đoạt tiền của họ. Như trường hợp của Tạ Thị Vân, với “vỏ bọc hoàn hảo” là có chồng công tác trong quân đội, thông qua hàng loạt “chân rết", người phụ nữ này đã gom được hơn 1.200 hồ sơ của người dân rồi “cao chạy xa bay". Đường dây của Vân hoạt động trong thời gian dài, từ năm 2011 đến 2016 mới bị phát hiện và con số nạn nhân có thể tăng lên trong thời gian tới bởi cơ quan điều tra vẫn đang ra thông báo tìm nạn nhân.

Đây là hành vi có tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy ín của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan có trách nhiệm xét duyệt chế độ chính sách cho người có công; gây bức xúc, dư luận xấu trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chế độ chính sách, đặc biệt là niềm tin của những người đã từng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, có cống hiến đối với đất nước; gây thiệt hại cho người dân hàng tỷ đồng.

Điều đáng buồn, liên quan đến đường dây này có những “chân rết” vốn từng là lãnh đạo chủ chốt của xã, và cũng có những nạn nhân là những cán bộ, sỹ quan về hưu. Họ là những người hiểu biết pháp luật, có tri thức nhưng chỉ vì lòng tham hay tâm lý “muốn hưởng chế độ thì phải chạy” đã bị cuốn vào đường dây này.

Khó thu hồi tiền

Bà Hồ Thị Châu Loan – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An cho biết, thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sau khi rà soát tại 21 huyện, thành phố, thị xã ở Nghệ An đã phát hiện 569 tường hợp thương binh hưởng không đúng chế độ. Các trường hợp này được xác định là khai man, giả mạo giấy tờ hoặc không có tên trong bản gốc danh sách quân nhân bị thương lưu tại đơn vị. Tuy nhiên, đây chỉ là số thương binh giả được phát hiện trong năm 2018. Trước đó, năm 2017, hàng trăm trường hợp khác cũng đã bị phát giác là giả mạo.

Thực hiện nghiêm túc kết luận trên của Bộ, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch phân loại, truy thu tiền các đối tượng đã hưởng sai. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An đã ngay lập tức đình chỉ chế độ trợ cấp của 568 thương binh, đồng thời thu hồi số tiền đã hưởng sai của các đối tượng vào ngân sách nhà nước.

Số tiền mà các đối tượng đã hưởng sai phải truy thu là hơn 118 tỷ đồng. Trung bình mỗi người đã nhận từ khoảng 120 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng trong hơn 10 năm qua. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cũng thông báo sai phạm hồ sơ bằng văn bản đến từng đối tượng, thu hồi giấy chứng nhận bị thương, quyết định cấp giấy chứng nhận bị thương và trợ cấp thương tật.

Các thương bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh tâm thần kinh ở Nghi Phong. Ảnh tư liệu
Các thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh ở Nghi Phong. Ảnh tư liệu

Bà Loan đánh giá về việc truy thu số tiền mà các đối tượng đã hưởng sai rất khó khăn, bởi phần lớn các đối tượng đã già yếu, hoàn cảnh khó khăn hoặc qua đời. Hiện nay vẫn chưa có chế tài để xử lý những trường hợp không giao nộp lại tiền.

"Theo tinh thần Nghị quyết 119 của Chính phủ, với những đối tượng đã từ trần sẽ không thu hồi. Các đối tượng còn lại phải truy thu nhưng tỉnh truy thu chưa được nhiều. Khó khăn ở đây là các đối tượng hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng trong nhiều năm, nhưng kế hoạch thu hồi lại yêu cầu đối tượng trả lại khoản tiền từ khi bắt đầu hưởng cho đến lúc bị dừng. Các đối tượng này phần lớn già yếu, nguồn thu nhập không có", bà Loan nói.

Trong số tiền hơn 100 tỷ đồng đó, đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An chỉ mới truy thu được hơn 2,2 tỷ đồng. Ngoài ra, có 66 đối tượng hưởng sai đã qua đời nên không thể truy thu được hơn 6 tỷ đồng. "Hiện nay chúng tôi đang giao cho các địa phương phân loại từng đối tượng để thu hồi tiền với tinh thần quyết liệt, nghiêm túc", bà Loan khẳng định.

Những thương binh bị đề nghị thu hồi chủ yếu đã lớn tuổi, có cuộc sống khó khăn. Ảnh: Tiến Hùng
Những thương binh bị đề nghị thu hồi chủ yếu đã lớn tuổi, có cuộc sống khó khăn. Ảnh: Tiến Hùng

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, một cán bộ Phòng Người có công (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An), cho rằng việc thu hồi số tiền này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Số tiền đối tượng đã hưởng trong thời gian dài, nay số thu hồi lớn, nhiều trường hợp không có khả năng trả lại. Đối tượng phải thu hồi này cơ bản không có thu nhập, phần lớn ở nông thôn không có lương hưu, sống phụ thuộc con cái. Cố gắng lắm cũng chỉ mới được 25 trường hợp”, vị này nói.

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.