Nghệ An phấn đấu chỉ số PCI vào tốp 15 của cả nước
(Baonghean) - Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh về những dấu ấn nửa nhiệm kỳ thu hút đầu tư vào Nghệ An.
P.V:Nửa nhiệm kỳ qua, giai đoạn 2015 - 2018, Nghệ An đã có nhiều đổi mới trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về lĩnh vực này?
Đồng chí Lê Ngọc Hoa: Thu hút đầu tư là lĩnh vực rất quan trọng, là động lực phát triển nên nhiều năm qua được Nghệ An đặc biệt quan tâm. Lãnh đạo các cấp, ngành đã chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị triển khai chương trình, kế hoạch hành động thực hiện với những giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao các chỉ số thành phần của chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Quan trọng nhất là tư duy phục vụ, chủ động trong tìm kiếm và mời gọi các nhà đầu tư. Chính vì vậy, không chỉ ở cấp tỉnh mà tư duy nhận thức của các cấp, ngành và địa phương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, việc triển khai thực hiện có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ở các địa phương cũng rất chủ động mời gọi, đồng hành với các nhà đầu tư và nhận được sự đồng thuận cao của người dân ở khu vực dự án.
Sản xuất hàng điện tử ở Công ty điện tử BSE Việt Nam tại Khu Công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: Châu Lan |
Cùng đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cắt giảm từ 20% -50% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư. Nhiều thủ tục hành chính được thực hiện qua dịch vụ công ở mức độ 3, 4. Năm 2017, chỉ số cải cách hành chính của Nghệ An đạt 78,27 điểm, xếp thứ 31/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2016. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được chấn chỉnh và nâng cao chất lượng thực hiện. Hiện nay toàn tỉnh có 23/25 sở, ngành; 21/21 huyện, thành, thị và 457/480 đơn vị cấp xã đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư đặt tại Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh đi vào hoạt động từ ngày 19/6/2017.
Quá trình chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo tỉnh tăng cường đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động đầu tư. UBND tỉnh định kỳ hàng tháng, hàng quý tổ chức hội nghị với các hội doanh nghiệp, doanh nhân để nắm tình hình hoạt động, tiếp thu kiến nghị và chỉ đạo giải quyết những vướng mắc.
Định kỳ hàng quý, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức họp với các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư để nắm tình hình, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, dự án thu hút đầu tư; tiếp thu kiến nghị của chủ đầu tư và kết luận chỉ đạo giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai cũng như giải quyết thủ tục đầu tư của các dự án.
Dây chuyền sản xuất nước mắm tại Masan MB Nam Cấm. Ảnh: P.V |
Trên cơ sở đó, tỉnh Nghệ An tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và quy hoạch, kế hoạch các lĩnh vực quan trọng đối với công tác thu hút đầu tư và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư để sớm phát huy hiệu quả các dự án trên địa bàn, đồng thời kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ, không triển khai.
P.V: Sau hơn nửa nhiệm kỳ, Nghệ An đã đạt được những kết quả quan trọng nào trong thu hút đầu tư, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Ngọc Hoa: Kết quả thu hút đầu tư từ năm 2016 đến 30/6/2018 đạt số vốn đăng ký trên 54.000 tỷ đồng), đạt trên 50% chỉ tiêu về thu hút đầu tư đến năm 2020 (100.000 tỷ đồng). Đặc biệt, đã thu hút được các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và các dự án đầu tư quy mô lớn của các nhà đầu tư uy tín trong và ngoài nước; triển khai hợp tác với các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng về xúc tiến đầu tư nhằm bảo đảm cho việc thu hút đầu tư được tập trung, hiệu quả và khả thi hơn.
Môi trường đầu tư kinh doanh của Nghệ An có nhiều cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng trưởng qua hàng năm. Năm 2017 xếp thứ 21/63 cả nước, đứng đầu trong 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Kết quả chỉ số PCI của Nghệ An năm 2017 cho thấy, một số chỉ số tích cực như tiếp cận đất đai được thuận lợi hơn (chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh tăng 11 bậc so với 2016); gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính của doanh nghiệp có xu hướng giảm, chi phí không chính thức giảm (tăng 13 bậc so với năm 2016); dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện đáng kể (xếp thứ 4/63 tỉnh, thành, tăng 19 bậc so với năm 2016), chất lượng đào tạo lao động được đánh giá tích cực.
Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan. Ảnh: An Vinh |
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như: Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất thấp, chỉ có 5,6% về số lượng và 13,3% số vốn đăng ký; chưa có nhiều dự án lớn mang tính động lực, thúc đẩy mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh. Thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, chỉ có 17,3% về số lượng và 24,27% vốn đăng ký. Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hơn nữa.
P.V: Những giải pháp Nghệ An sẽ thực hiện để đạt kết quả cao nhất trong những năm tới trong lĩnh vực này là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Ngọc Hoa: Từ những vấn đề trên, tỉnh Nghệ An cần tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả, khả thi các nội dung: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường thuận lợi hơn; tăng cường minh bạch hóa, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin dễ dàng; môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng hơn; chính quyền cần năng động, linh hoạt hơn; hệ thống thiết chế pháp lý đáng tin cậy; tạo nguồn cung có kỹ năng và đào tạo quản lý cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 2015-2020, Nghệ An phấn đấu thu hút được khoảng 100.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 50.000 tỷ đồng. Nghệ An cũng đặt ra mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đến năm 2020, chỉ số PCI đứng trong top 15 của cả nước.
Sản xuất thép trong nhà máy Tôn Hoa Sen. Ảnh: P.V |
Tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác thu hút đầu tư; Chủ động hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực; Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư; Chủ động tiếp cận, vận động các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn, có uy tín đến tìm hiểu tiềm năng, cơ hội đầu tư vào tỉnh; Rà soát, bổ sung và thực hiện nhất quán các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.
Phối hợp với các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (Công ty TNHH VSIP Nghệ An, Hemaraj, Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt) để tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước có tính chủ động, linh hoạt và phù hợp với lợi thế so sánh của từng khu công nghiệp.
Triển khai lập quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch; Công khai quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh của các huyện, thành thị hàng năm đến năm 2020 đã được phê duyệt; Hoàn thiện thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng theo quy định phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Nghệ An cũng chủ trương xây dựng quỹ đất sạch, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 02/3/2018 của UBND tỉnh ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền hàng năm trên địa bàn tỉnh; Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!