Nghệ An: Phát động 'Tết trồng cây' Xuân Nhâm Dần năm 2022

Văn Trường 04/02/2022 07:30

(Baonghean.vn) - Tỉnh Nghệ An vừa ban hành Chỉ thị về tổ chức “Tết trồng cây” Xuân Nhâm Dần và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2022.

Trồng rừng vụ xuân ở Tân Kỳ. Ảnh: Văn Trường

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành phong tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khởi đầu cho mọi hoạt động bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2021, mặc dù chịu tác động xấu của đại dịch Covid-19, song toàn tỉnh đã trồng được hơn 7 triệu cây xanh phân tán và hơn 19.000 ha rừng trồng tập trung, khai thác gỗ rừng trồng đạt hơn 1,5 triệu m3, bảo vệ tốt hơn 964.000 ha rừng hiện có và duy trì độ che phủ rừng đạt 58,5%.

Để phát huy những kết quả đạt được trong năm 2021, đồng thời chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay dịp Tết Nhâm Dần năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, các đơn vị, chủ rừng theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt các nội dung sau:

- Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 5/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản giai đoạn 2021-2025, các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp.

Chăm sóc vườn cây giống ở Đô Lương. Ảnh: Văn Trường.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; động viên nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

- Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng năm 2022 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu bảo vệ và phát triển rừng được giao. Đặc biệt là chuẩn bị hiện trường, vật tư cây giống cho trồng rừng vụ Xuân; chỉ đạo thực... Thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022;

- Xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức phát động “Tết trồng cây” Xuân Nhâm Dần 2022 cho cơ quan, địa phương mình gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp năm 2022 và cả giai đoạn 2021 2025 và Kế hoạch thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch đã được UBND tỉnh giao.

- Tổ chức phát động “Tết trồng cây” Xuân Nhâm Dần 2022 đảm bảo thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; an toàn trong công tác chống dịch Covid-19; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng rừng, phấn đấu chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn ít nhất 20% so với kế hoạch thực hiện năm 2021. Thời điểm tổ chức tốt nhất là vào những ngày đầu năm nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tạo đà thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.

- Sau khi tổ chức phát động “Tết trồng cây” Xuân Nhâm Dần 2022, thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng và diện tích rừng trồng hiện có để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt; tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện "Tết trồng cây" và công tác trồng rừng, bảo vệ rừng tại địa phương, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt. Tổng hợp báo cáo kế hoạch tổ chức và kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) theo quy định.

- Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng đảm bảo đạt tỷ lệ cây sống cao; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt.

- Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kế hoạch tổ chức phát động Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần 2022. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chủ rừng triển khai Tết trồng cây phù hợp với từng địa phương, đơn vị đảm bảo hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm.

Nông dân Diễn Châu trồng rừng ngập mặn. Ảnh: Quang An

Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường thời lượng và đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa "Tết trồng cây” Xuân Nhâm Dần 2022, vận động mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng, chuẩn bị điều kiện tốt nhất để hoàn thành xuất sắc kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022.

Mới nhất

x
Nghệ An: Phát động 'Tết trồng cây' Xuân Nhâm Dần năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO