Nghệ An phát hiện 1.800 trường hợp lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc
(Baonghean) - Vì không có giấy tờ hợp pháp, người lao động phải sống chui lủi để trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng, điều kiện ăn uống, sinh hoạt kham khổ và có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào
Những con số báo động
Gặp chị chị Lô Thị Mày, ở bản Tam Bông, xã Tam Quang (Tương Dương) chúng tôi thực sự mừng cho chị bởi không chỉ sức khỏe đã ổn định, mà còn được chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể giúp chị được vay vốn ưu đãi để đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế. Giờ đây chị Mày đã có nguồn thu nhập từ 2 ha keo, 2 ha xoan, cùng với chăn nuôi trâu, bò. Điều này khác hẳn với thời điểm mới từ Trung Quốc trở về vào tháng 4/2014, ngay cả việc tiếp xúc với mọi người chị cũng e ngại.
Chị Mày nhớ lại: “Cũng vì nghe theo lời dụ dỗ sang Trung Quốc công việc nhàn, mỗi tháng ít cũng được 8 triệu đồng, tôi cứ nghĩ sang bên đó vài năm, có vốn về giúp đỡ gia đình, nào ngờ khi đặt chân đến Trung Quốc, vì không có giấy tờ xuất nhập cảnh, bất đồng ngôn ngữ tôi phải sống chui lủi để “trốn” công an sở tại. Tôi làm thuê mỗi ngày gần chục tiếng đồng hồ ở một ngôi làng nhỏ của tỉnh Phúc Kiến, nhưng chỉ được 3-4 triệu đồng, chưa kể còn bị nợ lương...”.
Chị Lô Thị Mày (thứ 2 từ trái qua) hiện là tuyên truyền viên ở bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Ảnh: Đ.C |
Trước thực tế “không như mơ”, sau nhiều tháng ngày do dự, chị Mày quyết định bỏ trốn và may mắn trốn thoát. Theo chị Mày, lâm vào tình cảnh như chị không phải là ít, trong số đó nhiều người còn không tìm được đường về bởi không thông thạo đường cũng không biết tiếng...
Thống kê của Công an huyện Tương Dương, tính đến thời điểm hiện nay toàn huyện có 2.928 người đi lao động tự do, bất hợp pháp ở nước ngoài, trong đó Tam Quang có 145 người, phần lớn là ở Trung Quốc. Thực trạng này không chỉ riêng địa bàn Tương Dương mà theo phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh), trong số các địa phương có số lao động xuất cảnh trái phép nhiều (chủ yếu qua Trung Quốc, Lào, Thái) còn phải kể đến Quỳ Châu, Quỳ Hợp...
Cũng từ thực tế đó, mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản thông báo với UBND tỉnh Nghệ An về tình hình gia tăng việc xuất nhập cảnh trái phép của công dân Nghệ An sang Trung Quốc lao động, làm thuê, tham gia vận chuyển hàng hóa qua đường mòn biên giới.
Theo Công văn số 69/UBND-NC ngày 4/4/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn thì chỉ tính riêng năm 2018 và quý I năm 2019, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, tuyên truyền, giải thích, yêu cầu 165 công dân Nghệ An có ý định xuất cảnh trái phép quay lại; đồng thời tiếp nhận 30 công dân Nghệ An nhập cảnh trái phép qua Trung Quốc do Công an Trung Quốc trao trả.
Ví như trường hợp chị Võ Thị Sâm (SN 1983), anh Lô Văn Duy (SN 1983), Lô Văn Khoa (SN 1984), đều trú tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, bị Đồn Biên phòng Bắc Sơn (BĐBP Quảng Ninh) bắt giữ đầu tháng 2 năm nay, cũng là trường hợp tương tự. Cả 3 người đã bị một số đối tượng hướng dẫn đi cùng 3 người khác vượt biên theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc làm thuê cho một nhà máy chế biến gỗ để đỡ chi phí. Tuy nhiên, khi đang đi bộ dọc bờ sông tại khu vực mốc 1366(2) + 300m thuộc khu 7, phường Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thì bị Tổ tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Bắc Sơn phát hiện, bắt giữ.
Có thể thấy, việc gia tăng tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang nước bạn là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác nhau. Phần nhiều là những người không có công ăn việc làm ổn định; diện tích đất sản xuất ít, hiệu quả kinh tế không cao, đời sống gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trình độ nhận thức còn có những hạn chế nhất định, nên dễ bị các đối tượng xấu rủ rê hoặc nghe theo những người đi trước lôi kéo…
Theo thông tin đưa ra tại Hội thảo “Văn phòng thông tin di cư: Các thực tiễn tốt và xu hướng di cư mới” do Tổ chức di cư Quốc tế (IOM), Cục Quản lý lao động Ngoài nước (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An tổ chức vào sáng 7/5/2019 thì hiện vẫn còn 12.435 lao động Nghệ An đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng lao động theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, còn 1.014 lao động làm việc ở vùng biên giới và xuất khẩu lao động không có hợp đồng theo quy định, tập trung chủ yếu ở các nước Lào, Trung Quốc, Thái Lan.
Cần giải pháp đồng bộ
Hệ lụy đi cùng với tình trạng gia tăng người lao động xuất cảnh trái phép là rất lớn. Bởi không có giấy tờ hợp pháp, người lao động phải sống chui lủi để trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng, điều kiện ăn uống, sinh hoạt kham khổ, một ngày phải làm việc trung bình 10 tiếng trong môi trường khắc nghiệt, không được ký hợp đồng lao động và hưởng các chế độ bảo hiểm nên khi ốm đau, bị tai nạn không được thăm khám, bồi thường theo quyền lợi của người lao động, có những người đã phải trả giá bằng cả tính mạng của mình.
Cán bộ Biên phòng tỉnh Nghệ An kiểm tra, kiểm soát người xuất, nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Ảnh: Đ.C |
Theo ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương: Hàng năm huyện đều tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về biên giới quốc gia, quy định về xuất, nhập cảnh… Nhưng một phần do cuộc sống của bà con hiện còn nhiều khó khăn, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên hiệu quả ngăn chặn chưa cao.
Thiếu tá Trần Đình Minh - Đội trưởng Đội Quản lý xuất cảnh, phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh cho biết: Chỉ riêng trong năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.800 trường hợp lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Cũng từ đó đến nay đã xử lý 422 trường hợp, chủ yếu qua Lào, Trung Quốc.
Theo thiếu tá Trần Đình Minh, ngoài phối hợp với các lực lượng khác để phát hiện xử lý kịp thời những trường hợp xuất cảnh trái phép, đối với các trường hợp công dân nhập cảnh trái phép bị phía Trung Quốc bắt giữ trục xuất về Việt Nam, chúng tôi đã cùng với công an các địa phương để xác minh, tiến hành gặp gỡ, tiếp xúc, qua đó làm rõ mục đích, động cơ, cũng như vận động tố giác các trường hợp tổ chức, môi giới, dẫn dắt đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài.
CBCS Đồn Biên phòng Hạnh Dịch (BĐBP tỉnh Nghệ An) tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân tại địa bàn xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Ảnh: Đ.C |
Đại tá Hoàng Văn Hùng- Phó Chính ủy BĐBP tỉnh cho rằng, để ngăn chặn xuất cảnh trái phép cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định về xuất, nhập cảnh cũng như những hệ lụy, rủi ro có thể xảy ra để người dân đề cao cảnh giác, tránh bị lợi dụng.
Về phía lực lượng biên phòng, sẽ thường xuyên chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, phối hợp với các lực lượng chức năng của nước bạn để trao đổi thông tin, giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh.
Tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt là về cơ chế chính sách, vốn vay đối với lao động hộ nghèo, gia đình chính sách.
Cùng với đó, thu hút nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển chọn lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài, công khai, minh bạch thị trường, chế độ tiền lương, thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, với trình độ dân trí thấp, tư tưởng ngại học nghề, sợ khó, còn phía tuyển dụng ngày càng có những yêu cầu khắt khe nên trở thành rào cản lớn.
Trong khi, điều thu hút người dân xuất cảnh trái phép chính là việc mỗi chuyến đi không mất nhiều tiền phí, không đòi hỏi bằng cấp, bằng học nghề...
Từ thực tế trên, thiết nghĩ để từng bước ngăn chặn tiến tới đẩy lùi tình trạng lao động xuất cảnh trái phép, góp phần giữ gìn ANTT khu vực biên giới, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, với sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức xã hội, các ngành, các cấp từ biên giới đến nội địa.
Trong đó, song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trình độ nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật ở người dân, ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhân khẩu.
Các địa phương chú ý đến công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, xây dựng các mô hình kinh tế, đa dạng việc hỗ trợ tín dụng ưu đãi... cho đồng bào khu vực miền núi, nhất là vùng giáp biên, để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, an cư lạc nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Người có hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 17, Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ, cụ thể: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi qua lại biên giới mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định; phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng đối với hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che dấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài và Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép.
Điều 349, Bộ luật Hình sự quy định: Người nào tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng thì phạt tù từ 5 năm đến 10 năm; phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.