Nghệ An: Phát hiện, xử lý 12 vụ, 24 bị can phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia
(Baonghean.vn) - Thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22/10/2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) trong tình hình mới, thời gian qua, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt với các thế lực thù địch, tổ chức, đối tượng phản động chống đối...
Xử lý nghiêm nhiều vụ việc, nhiều đối tượng
Mới đây ngày 6/11/2020, Phòng An ninh điều tra (Công an tỉnh Nghệ An) đã khởi tố, bắt, tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Lâm (SN 1970), trú tại huyện Nam Đàn, cư trú tại khối Vĩnh Yên, phường Đông Vĩnh (thành phố Vinh) để điều tra về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Một trong những nội dung sai lệch, bịa đặt về Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Lâm (bên trái) đăng tải lên facebook cá nhân. Ảnh: An Khánh |
Cơ quan An ninh điều tra xác định, từ năm 2017 đến nay, Lâm thường xuyên sử dụng tài khoản FB “Lâm Thời” có 5.000 bạn bè để chia sẻ, đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu Đảng, chính quyền và nhiều cơ quan Nhà nước. Đồng thời, kích động các tầng lớp Nhân dân chống Đảng, Nhà nước. Công an Nghệ An đã trích sao 35 tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong đó, có 3 video phát trực tiếp, 18 bài do đối tượng trực tiếp làm và đăng tải lên Facebook, có 13 bài đối tượng chia sẻ từ các trang mạng phản động.
Trong một vụ án khác, ngày 22/4/2019, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Phan Công Hải (SN 1996), trú tại xã Nghi Diên (Nghi Lộc) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Phan Công Hải tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh tư liệu NPV |
Sau một thời gian lẩn trốn, ngày 19/11/2019, Phan Công Hải đã bị Công an Nghệ An bắt giữ. Đến ngày 28/4/2020, TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Phan Công Hải. Hội đồng xét xử đã làm rõ các hành vi phạm tội của Hải như: Sử dụng các tài khoản Facebook có tên “Hùng Manh”, “Người Việt xấu xí”, “David Nguyễn”... để làm, tàng trữ, phát tán các tài liệu có các nội dung: xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, gây hoang mang trong tâm lý nhân dân, gây chiến tranh tâm lý nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đăng tải 54 bài viết, nhiều video clip, hình ảnh xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; đăng tải những hình ảnh xúc phạm Quốc kỳ, lãnh tụ... Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm tuyên phạt Phan Công Hải 5 năm tù, quản chế bị cáo 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Phiên tòa xét xử bị cáo Phan Công Hải. Ảnh tư liệu NVP |
Trước đó, ngày 5/11/2019, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Năng Tĩnh (quê quán xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu) 11 năm tù; phạt quản chế 5 năm về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trước đó, cơ quan An ninh điều tra (Công an Nghệ An) đã phát hiện, thu thập được 22 bài viết, video, hình ảnh được đăng tải, chia sẻ trên trang Facebook Nguyễn Năng Tĩnh.
Qua đó cho thấy: Tĩnh thông qua trang Facebook cá nhân đã móc nối với một số đối tượng cực đoan, phản động trong và ngoài nước để viết, quay - phát tán, đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung xuyên tạc bản chất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động người dân biểu tình, chống chính quyền; đăng tải các tài liệu có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân... Trước đó, nhiều vụ án, nhiều đối tượng đã được đưa ra xét xử công khai như Hồ Đức Hòa, Lê Đình Lượng, Trần Đức Thạch tội “Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”; Hồ Thị Khương, Nguyễn Trung Tôn tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”…
Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Năng Tĩnh tại tòa. Ảnh tư liệu PV |
Điểm chung của các vụ án này là các đối tượng lợi dụng sự phát triển của Internet, mạng xã hội phát tán thông tin xấu, độc, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mục tiêu chính là để tạo tâm lý, dư luận trong nước và nước ngoài nhằm chống phá Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng thêu dệt nên các câu chuyện về mâu thuẫn, phe cánh, đấu đá nội bộ nhằm gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết... Hành vi của các đối tượng không chỉ gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, mà còn xâm phạm đến an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đây cũng là lời cảnh báo cho những người lầm đường, lạc lối, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Trong vòng 10 năm thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22/10/2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) trong tình hình mới, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 12 vụ, 24 bị can phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Trong đó, khởi tố 3 vụ, 3 đối tượng “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’’; “Tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam”; 2 vụ, 2 đối tượng “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố 327 vụ, 457 bị can về các tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia như tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép; chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển, trái phép vật liệu nổ, vũ khí quân dụng; vận hành, lưu hành tiền giả…
Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân
Để đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia trong tình hình mới, bên cạnh việc chỉ đạo các lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tự do dân chủ, tìm mọi cách tuyên truyền chống phá Nhà nước, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. BTV Tỉnh ủy Nghệ An đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; chủ động phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc ngay từ cơ sở.
Lực lượng chức năng ra quân đảm bảo ATGT, trấn áp tội phạm vì bình yên cuộc sống nhân dân. Ảnh tư liệu CTV |
Đặc biệt, thấm nhuần quan điểm “Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh của thời đại”, những năm qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” cũng được xây dựng và nhân rộng phù hợp với từng vùng, từng loại đối tượng và từng thời điểm. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 58 loại mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự tại 1.443 khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học hoạt động hiệu quả.
Trong đó, có 8 mô hình được Bộ Công an biểu dương, nhân rộng trên toàn quốc. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 460 ban chỉ đạo về ANTT tại 460 xã, phường, thị trấn; 3.811 ban tự quản về ANTT tại các khối, xóm, bản; 21.124 tổ tự quản về an ninh, trật tự tại các tổ dân cư; 4.502 hòm thư tố giác tội phạm. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, quần chúng nhân dân đã cung cấp 101.228 tin, trong đó có 39.342 tin có giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ANTT tại địa bàn.
Người dân bản Huồi Cọ tham gia tuần tra đường biên cột mốc với Đồn Biên phòng Nhôn Mai (Tương Dương). Ảnh tư liệu PV |
Hiện nay, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và có bước phát triển. Tuy nhiên, Nghệ An vẫn được Bộ Công an xác định là một trong những địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự. Trước nhiều thách thức và khó khăn, đặc biệt là từ nay đến Đại hội XIII của Đảng, các đối tượng cơ hội chính trị, các thế lực thù địch thường lợi dụng tung các thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến những vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm để thổi phồng yếu kém, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền; hạ thấp uy tín của cán bộ các cấp nhằm làm giảm sút niềm tin trong đảng viên và nhân dân, gây mất ổn định xã hội.
Hệ thống camera cộng đồng ở cơ sở hỗ trợ tích cực cho công tác tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ảnh tư liệu |
Bên cạnh công tác trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm, các cấp, các ngành, lực lượng chức năng cần làm tốt công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội; chủ động nghiên cứu, dự báo các tình huống phức tạp có thể xảy ra để kịp thời đề xuất các chủ trương, biện pháp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh với các loại tội phạm nói chung, tội phạm có hành vi chống phá chính quyền nói riêng, nhất là trên không gian mạng. Đồng thời, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác đối với những thủ đoạn, hành vi xâm phạm an ninh quốc gia; phát huy trách nhiệm công dân, tích cực ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Chương 13, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định các loại tội phạm xâm an ninh quốc gia gồm: Tội phản bội Tổ quốc, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Tội bạo loạn; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội; Tội phá hoại chính sách Đại đoàn kết; Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội chống phá cơ sở giam giữ; Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. Hình phạt cao nhất cho tội xâm phạm an ninh quốc gia có thể chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, tại Điều 122 bổ sung: Người phạm tội quy định tại chương này còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.