Nghệ An phát huy lợi thế cơ cấu 'dân số vàng'
Nâng cao chất lượng dân số là điều kiện quan trọng và then chốt nhằm phát huy lợi thế của thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tại Nghệ An, đây là nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên với nhiều giải pháp, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau, đem đến kết quả tích cực.
Tiếp cận đa dạng đối tượng
Cuối tháng 11, buổi truyền thông về nâng cao chất lượng dân số cho người dân trên địa bàn xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc) được bắt đầu bằng một sự kiện ý nghĩa. Đó là sau nhiều năm nỗ lực, cán bộ và nhân dân xã đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc giảm ít nhất 50% tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.
Chia sẻ thêm về những kết quả đạt được, chị Võ Thanh Tiến - viên chức dân số xã Nghi Thịnh cho biết: Việc giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 là một trong những giải pháp đầu tiên, làm tiền đề cho các mục tiêu khác như giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, thực hiện tốt các nội dung chăm sóc SKSS/KHHGĐ, duy trì mức sinh thay thế; góp phần từng bước ổn định quy mô dân số, củng cố và phát huy mô hình gia đình ít con, no ấm, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dân số.
Năm 2024 là một năm khó khăn của ngành Dân số Nghệ An nói riêng khi có nhiều sự thay đổi trong công tác triển khai các hoạt động. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, các chương trình, hoạt động vẫn được triển khai đúng tiến độ với nhiều đối tượng khác nhau.
Trong đó, với đối tượng là thanh niên, vị thành niên, ngành đã tổ chức nhiều buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tổ chức các cuộc thi "Rung chuông vàng", hội thi "Là con gái để tỏa sáng". Với nội dung thiết thực, gần gũi, sinh động, các chương trình nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh, đoàn viên, thanh niên. Đây cũng là kênh để các em chia sẻ băn khoăn, vướng mắc, từ đó có những nền tảng đầu tiên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, những thay đổi về chất và tâm sinh lý tuổi học đường.
Các buổi truyền thông về nâng cao chất lượng dân số, sàng lọc trước sinh, sơ sinh lại hướng đến đối tượng phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ ở các huyện nông thôn, vùng núi cao. Tham gia các chương trình này, phụ nữ được cung cấp các thông tin về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh, những thời điểm vàng để thực hiện sàng lọc thai nhi và trẻ sơ sinh với mục đích để sinh ra và nuôi dưỡng nên những đứa con phát triển khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần.
Những buổi truyền thông dành cho người cao tuổi lại được tổ chức theo hình thức cuộc thi "Người cao tuổi sống vui, sống khỏe". Đây thực sự là một sân chơi ý nghĩa, giúp các cụ phát huy được tinh thần “tuổi cao, gương sáng” và trang bị thêm nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe để góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Giải pháp nâng cao chất lượng dân số
"Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững" là mục tiêu chung của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại Nghệ An, thời gian qua, công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm từ tỉnh đến cơ sở và có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Nhờ đó, công tác truyền thông, vận động tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và có nhiều đổi mới thông qua nhiều nội dung, hình thức phù hợp đối tượng, vùng miền, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của nhân dân trong việc chấp hành chính sách dân số - KHHG.
Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ các cấp cơ bản được cung cấp đầy đủ, kịp thời theo hướng gần dân, thuận tiện và an toàn cho người dân. Thông qua chương trình phối hợp với các ban, ngành việc thực hiện công tác dân số được triển khai sâu rộng đến nhiều đối tượng như phụ nữ, thanh niên, học sinh, người cao tuổi, công nhân ở các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số của Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn, thách thức khi đồng thời đang phải thực hiện hai nhiệm vụ, đó là thực hiện công tác dân số kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số.
Trong khi đó, Nghệ An vẫn là tỉnh có quy mô dân số lớn (đứng thứ 4 cả nước) và có mức sinh cao (đứng trong tốp 10 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước), tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn ở mức cao. Mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số đang ở mức báo động. Chất lượng dân số chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Đặc biệt vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn, vị thành niên, thanh niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ và trẻ em còn gặp nhiều khó khăn; trẻ em sinh ra suy dinh dưỡng, thấp còi, mắc các dị tật bẩm sinh còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Từ thực tế trên, ông Hoàng Đình Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Dân số cho rằng: Chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc thực hiện tốt công tác dân số hiện nay. Trong đó, cần tiếp tục chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21, tinh thần của Đại hội XIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số và Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra đối với công tác dân số và phát triển.
Đặc biệt, cần thực hiện hiệu quả các giải pháp can thiệp nhằm nâng cao chất lượng dân số; chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số, kìm chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; đề xuất những giải pháp để phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng” và ứng phó với “già hóa dân số”.
Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp hài hòa, có hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong tuyên truyền, giáo dục kiến thức chăm sóc sức khỏe trước khi kết hôn, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì chất lượng tương lai giống nòi.
Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới cũng đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức.
Vì thế, cần sự chung tay, đồng lòng, đồng thuận của các cấp, các ngành, của toàn xã hội nhằm góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng.
Ông Hoàng Đình Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Dân số