Nghệ An phê duyệt 224 tỷ đồng phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường
(Baonghean.vn) - Nhiều vấn đề liên quan đến tiến độ, giải pháp sắp xếp các công ty nông, lâm trường và tổng đội TNXP, cũng như kinh phí đảm bảo việc thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân được đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An chất vấn.
Có hay không hiện tượng "phát canh thu tô"?
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17 về công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh và các Tổng đội thanh niên xung phong; ngoài trách nhiệm trả lời chính của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chủ toạ kỳ họp yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bí thư Tỉnh đoàn trả lời các nội dung liên quan đến sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm trường và Tổng đội TNXP trên địa bàn tỉnh.
Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Lê Thị Thêu (đơn vị bầu cử tại huyện Tân Kỳ) liên quan đến bất cập giữa diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các Tổng đội TNXP quản lý lớn, trong khi người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng miền núi thiếu đất sản xuất; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Thành Vinh cho biết, qua các đợt sắp xếp theo các chủ trương của Đảng và Nhà nước, từ 37 nông, lâm trường, đến nay, toàn tỉnh còn 11 công ty, trong đó có 4 công ty nông nghiệp và 7 công ty lâm nghiệp.
Sau sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp đã mang lại tính hiệu quả, như giải quyết việc nợ đọng và chế độ chính sách cho cán bộ, người lao động; công tác quản trị, quản lý tốt hơn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, hiện nay, các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, trách nhiệm của Sở chỉ hướng dẫn chuyên môn sản xuất.
Liên quan đến tình trạng “phát canh thu tô” tại các công ty nông, lâm trường được đại biểu Nguyễn Công Văn (đơn vị bầu cử tại huyện Nghi Lộc) nêu; ông Phùng Thành Vinh thông tin, năm 2019, ngành đã tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giao khoán từ các công ty nông, lâm trường cho thấy các đơn vị thực hiện giao khoán trong nội bộ 5% và ngoài nội bộ 6% theo quy định phục vụ các dịch vụ đầu vào, đầu ra, hướng dẫn kỹ thuật…
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp, các tổng đội TNXP; bám sát định hướng phát triển theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và các nội dung trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để hỗ trợ các công ty nông, lâm nghiệp phát huy tối đa tính đa dụng của rừng và hiệu quả sử dụng đất.
Giải pháp sắp xếp, giải thể các tổng đội TNXP
Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Lương cũng đã trực tiếp giải trình về tiến độ và giải pháp sắp xếp, giải thể, bàn giao các tổng đội TNXP trên địa bàn tỉnh. Các tổng đội TNXP được thành lập bắt đầu từ năm 1986 với tổng 12 đơn vị, trong đó có 10 tổng đội do Tỉnh đoàn quản lý.
Đến thời điểm này, trong 10 tổng đội do Tỉnh đoàn quản lý đã tiến hành sắp xếp, giải thể, bàn giao 4 tổng đội, hiện còn 6 đơn vị. Trong 6 tổng đội này, có tổng đội TNXP 2, TNXP 3 đang thực hiện quy trình giải thể, bàn giao đất về cho địa phương quản lý theo các phương án phê duyệt của UBND tỉnh; 4 tổng đội đang hoạt động, gồm: Tổng đội TNXP 5, Tổng đội TNXP 8, Tổng đội TNXP 9 và Tổng đội TNXP 10.
Bí thư Tỉnh đoàn cũng nêu những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện tiến trình giải thể các tổng đội do khi thành lập, đất được giao trong các quyết định thành lập các tổng đội dựa vào bản đồ lâm nghiệp, chưa có thiết kế kỹ thuật, trích đo, cắm mốc trên bản bản đồ địa chính.
Vì vậy, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tập trung chỉ đạo các tổng đội phối hợp với các sở, ngành có liên quan để rà soát toàn bộ đất đai, lập thiết kế kỹ thuật, trích đo, cắm mốc làm cơ sở để nhà nước thu hồi và bàn giao cho người dân theo lộ trình đến năm 2024.
Để làm được nhiệm vụ này đúng tiến độ, cần có vai trò phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, quyết liệt từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính.
Bí thư Tỉnh đoàn cũng đề nghị bàn giao nguyên trạng đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất giao khoán cho các hộ đội viên về cho địa phương và các chủ thể khác có năng lực quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật.
Bố trí 224 tỷ đồng phục vụ đo đạc, cắm mốc, giao đất cho người dân
Giải trình ý kiến đại biểu Lô Thị Kim Ngân (đơn vị bầu cử tại huyện Thanh Chương) liên quan việc bố trí kinh phí để giải quyết các tồn tại trong việc đo đạc, cắm mốc, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường; Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cho biết, để thực hiện Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, UBND tỉnh đã phê duyệt tổng kinh phí 224 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2024, chia thành 2 giai đoạn; giai đoạn 1, gồm 11 ban quản lý rừng phòng hộ với 113 tỷ đồng và giai đoạn 2, gồm 5 tổng đội TNXP, vườn quốc gia, khu bảo tồn, nông lâm trường quốc doanh…, với số kinh phí dự kiến 111 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Tài chính cũng thông tin về tiến độ bố trí kinh phí, năm 2022, Trung ương bố trí 20 tỷ đồng; ngân sách tỉnh bố trí 45 tỷ đồng trong 2 năm 2022, 2023. Đồng thời đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường tham mưu tỉnh trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình Chính phủ phân bổ nguồn năm 2023 và 2024 cho địa phương để thực hiện nhiệm vụ đo đạc, cắm mốc, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường cho người dân.