Pháp luật

Nghệ An: Phòng, chống mua bán người trong độ tuổi lao động

Khánh Ly 25/04/2025 16:30

Trước đây, nạn nhân của mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, gần đây, tình hình mua bán người ở Nghệ An diễn biến phức tạp; nạn nhân của mua bán người có cả nam giới trong độ lao động.

Phá nhiều đường dây, bắt nhiều đối tượng

Mới đây nhất trong tháng 4/2025, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) đã phá thành công chuyên án, bắt 2 đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo, đưa công dân sang làm việc tại nước ngoài sau đó bán cho các ổ nhóm tội phạm lừa đảo quốc tế tại các đặc khu Tam Giác Vàng.

a2.jpg
2 đối tượng Bùi Thị Thảo và Lê Văn Hà. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) phát hiện nhóm đối tượng Bùi Thị Thảo (SN 1994; quê quán xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu; trú quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) và Lê Văn Hà (SN 1999; trú xã Tam Đỉnh, huyện Anh Sơn) có hành vi mua bán người.

Thủ đoạn của các đối tượng này là lừa đảo đưa các nạn nhân sang Thái Lan làm việc trên máy tính với mức lương 800 USD/tháng, nhưng thực tế các đối tượng lại đưa nạn nhân sang Myanmar bán cho các ổ nhóm tội phạm lừa đảo quốc tế tại các đặc khu Tam Giác Vàng.

an1-copy.jpg
Cơ quan Công an làm việc với Lê Văn Hà - đối tượng trong đường dây mua, bán người sang đặc khu Tam Giác Vàng. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Tại các khu tự trị trên lãnh thổ nước Myanmar, những người bị lừa bán bắt buộc phải ký hợp đồng, bị thu giữ hộ chiếu. Mỗi người được cung cấp 1 máy tính, 2 chiếc điện thoại và 1 tệp giấy A4, hướng dẫn cách tiếp cận khách hàng, cách lừa đảo. Mỗi ngày họ đều phải làm việc từ 12 tiếng đến 17 tiếng, khi làm việc có người theo dõi, giám sát, nếu không làm việc sẽ bị đánh đập.

Sau thời gian theo dõi, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ ngày 1/4/2025, Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan bắt giữ Lê Văn Hà khi đối tượng này vừa nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài - Tây Ninh.

Cùng thời điểm trên, một mũi trinh sát khác đã nhanh chóng bắt giữ Nguyễn Thị Thảo khi đang lẩn trốn tại một chung cư thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Tại Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Nghệ An, ban đầu các đối tượng còn quanh co, chối tội nhưng với các tài liệu chứng cứ thu thập được, Lê Văn Hà và Nguyễn Thị Thảo đã phải cúi đầu nhận tội.

a3.jpg
Tang vật lực lượng chức năng thu giữ trong quá trình phá chuyên án mua bán người sang đặc khu Tam Giác Vàng. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Bước đầu, Phòng Cảnh sát hình sự xác định Lê Văn Hà và Nguyễn Thị Thảo thực hiện hành vi mua bán người đối với 6 bị hại. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Hà và Nguyễn Thị Thảo vì đã có hành vi phạm tội “Mua bán người” quy định tại Khoản 3, Điều 150 Bộ luật Hình sự. Hiện phòng Cảnh sát hình sự đang đấu tranh mở rộng chuyên án, lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định.

Trước đó, trong năm 2024, lực lượng công an phát hiện đối tượng Vi Văn Nhập (SN 1983), trú tại xã Châu Bính (Quỳ Châu) thường xuyên có hoạt động tìm kiếm những công dân tại các huyện miền núi để đưa sang nước ngoài làm việc trái phép.

Quá trình theo dõi, công an xác định Nhập là một “chân rết” quan trọng trong đường dây mua bán người sang các đặc khu kinh tế Tam giác vàng để làm việc bất hợp pháp do Phạm Thị Tuyết Chinh (SN 1988) thường trú tại xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cầm đầu.

Do qua biên giới sinh sống và lấy chồng từ lúc trẻ nên Chinh quen biết nhiều “ông chủ” có nhu cầu tìm các lao động để đưa vào làm việc tại các đặc khu kinh tế nhằm phục vụ hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia.

images1962521_fotojet1.jpg
Hai đối tượng Phạm Thị Tuyết Chinh - Vi Văn Nhập. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Vì thế, đối tượng này đã móc nối với các đối tượng sinh sống tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước tìm kiếm, dụ dỗ những người dân nhẹ dạ cả tin, sau đó bán vào các đặc khu kinh tế tại khu vực biên giới. Thậm chí, Chinh còn nhiều lần trực tiếp về nước rồi đi các tỉnh, thành để tìm “con mồi”.

Quá trình lập chuyên án, lực lượng công an tiếp nhận đơn trình báo của một người đàn ông là bị hại trong đường dây bị Vi Văn Nhập và Phạm Thị Tuyết Chinh lừa bán qua biên giới. Quá trình bỏ trốn, tìm đường về nước, người đàn ông này đã phải dùng bè xốp bơi hơn 8 ngày đêm dọc theo sông Mê Kông, xin ăn, ngủ tạm tại lán người dân dọc sông. Sau đó, may mắn được người Việt Nam làm ăn ở Lào giúp đỡ về đến Việt Nam.

Ngày 7/8/2024, lực lượng chức năng nắm được thông tin Phạm Thị Tuyết Chinh vừa về nước bằng đường bộ qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Ngay lập tức một tổ công tác đã di chuyển từ Nghệ An ra Lào Cai phối hợp các đơn vị liên quan bắt giữ Phạm Thị Tuyết Chinh vào lúc 16h ngày 8/8/2024 tại thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát) về hành vi “Mua bán người”. Cùng thời điểm trên, tại huyện Quỳ Châu, một tổ công tác khác cũng bắt giữ thành công đối tượng Vi Văn Nhập về hành vi tương tự.

Theo Bộ Công an, ngoài thủ đoạn dụ dỗ “việc nhẹ lương cao” để đưa nhiều nam giới qua biên giới, nhất là khu vực Tam Giác Vàng để cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản. Một số đối tượng còn lợi dụng khó khăn về kinh tế và lệ thuộc của nạn nhân (vay tiền, không có khả năng trả nợ) khống chế, ép buộc nạn nhân ra nước ngoài làm việc trả nợ, đồng thời, liên lạc với các “đại lý” ở nước ngoài phụ trách tìm kiếm, dẫn người từ Việt Nam sang làm nguồn lao động cho các trung tâm lừa đảo trực tuyến.

Các đối tượng thường tổ chức đưa nạn nhân xuất cảnh bất hợp pháp qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới và bán sang nước ngoài làm việc bất hợp pháp để thu lợi bất chính.

Đa dạng hóa công tác tuyên truyền

Trước tình hình phức tạp của tội phạm mua bán người, ngày 28/11/2024, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi, trong đó, bổ sung khái niệm về mua bán người và các hành vi bị nghiêm cấm, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế, thống nhất với hệ thống pháp luật trong nước, đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới.

anh-2(1).jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai (Tương Dương ) tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho người dân. Ảnh: Hải Thượng

Trên cơ sở đó, ngày 14/3/2025, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống mua bán người theo lĩnh vực của các sở, ngành. UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp; Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh chủ động lựa chọn hình thức và nội dung tuyên truyền Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tình hình.

Theo đó, đối tượng tuyên truyền phòng, chống mua bán người hiện nay không chỉ tập trung ở phụ nữ và trẻ em mà mở rộng cả nam giới trong độ tuổi lao động, nhất là các lao động trẻ ở vùng kinh tế khó khăn, có nhu cầu việc làm cao.

anh-5.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Nhôn Mai (Tương Dương) tuyên truyền phòng, chống mua bán người bằng tiếng đồng bào. Ảnh: Hải Thượng

Do vậy, cần chú trọng nghiên cứu ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân.

Đặc biệt, thời gian gần đây, Nghệ An đã và đang tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người trong các cơ sở giáo dục; đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xã, các trường dân tộc nội trú, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Điển hình như mô hình phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh lớp 9 tại các trường THCS ở các xã biên giới, ven biển tỉnh Nghệ An giữa Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh với Sở Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh đó, đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, trình độ, nhận thức còn hạn chế, các tài liệu tuyên truyền được biên soạn bằng song ngữ, trình bày sinh động, dễ hiểu, với nội dung thiết thực… giúp người dân, nhất là các lao động trẻ nhận diện thủ đoạn mà các đối tượng mua bán người thường sử dụng.

Bí thư Chi bộ bản Phá Mựt, xã Nhôn Mai (Tương Dương) - ông Xồng Ca Dênh chia sẻ: "Bên cạnh phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức; cấp ủy, chính quyền và Bộ đội Biên phòng còn hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả "Hộp thư tố giác tội phạm"- một mô hình sáng tạo giúp nhân dân phát huy tinh thần cảnh giác trong bảo vệ an ninh, trật tự ở vùng biên".

anh-4.jpg
BĐBP Nghệ An phát huy hiệu quả phòng, chống tội phạm nói chung, mua bán người nói riêng qua mô hình hòm thư tố giác tội phạm. Ảnh: Hải Thượng

Cùng với công tác tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang quan tâm lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm mua bán người trong giải quyết vấn đề an sinh xã hội, an dân (như hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo...).

Lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cũng đồng thời siết chặt công tác quản lý địa bàn, quản lý nhân khẩu, kiểm tra đăng ký tạm trú, lưu trú, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ như khách sạn, nhà trọ, hộ gia đình, khu vực dân cư phức tạp, trung tâm lao động, khu công nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm… nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn xử lý các hành vi liên quan đến mua bán người.

4 / 4 Tỉnh đoàn Nghệ An, Hội LHTN, Hội Sinh viên tỉnh tổ chức chương trình truyền thông phòng, chống ma túy và mua bán người tại xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh
Tỉnh đoàn Nghệ An, Hội LHTN, Hội Sinh viên tỉnh tổ chức chương trình truyền thông phòng, chống ma túy và mua bán người tại xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền và ngành chức năng, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, đặc biệt là không tin theo những lời mời gọi "việc nhẹ, lương cao" để tránh “sập bẫy” của đối tượng lừa đảo.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nghệ An: Phòng, chống mua bán người trong độ tuổi lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO