Kinh tế

Nghệ An quan tâm đầu tư hệ thống bể chứa thu gom rác thải bảo vệ thực vật

Phú Hương 26/10/2024 07:50

Từ chương trình hỗ trợ xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV), hệ thống bể chứa rác thải đã dần phủ kín trên đồng ruộng tại nhiều địa phương.

Tiếp tục phủ kín hệ thống bể chứa

Năm 2023, huyện Quỳnh Lưu được hỗ trợ xây dựng hệ thống bể chứa rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng tại 12 xã là An Hoà, Quỳnh Giang, Quỳnh Hoa, Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thạch, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận, Quỳnh Văn và xã Quỳnh Yên.

 Mỗi năm, nông dân Nghệ An sử dụng hàng trăm tấn thuốc BVTV phun trên đồng ruộng. Ảnh- Phú Hương
Mỗi năm, nông dân Nghệ An sử dụng hàng trăm tấn thuốc BVTV phun trên đồng ruộng. Ảnh: Phú Hương

Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Đến cuối năm 2022, huyện đã tự xây dựng 1.595 bể chứa rác thải nhằm giải quyết một phần tình trạng bà con nông dân vứt bừa bãi loại rác thải này ra đồng ruộng, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường và sức khoẻ con người.

Tuy nhiên, với diện tích lúa và cây rau màu, cây ngắn ngày lớn, để đáp ứng yêu cầu theo quy định, thì Quỳnh Lưu phải có 4.471 bể. Được hỗ trợ xây dựng 934 bể chứa, chúng tôi đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu bể chứa tại một số xã sản xuất nông nghiệp của huyện. Và thời gian tới, cùng với tổ chức tốt việc bảo quản bể, thu gom xử lý rác thải, huyện Quỳnh Lưu sẽ tiếp tục nỗ lực, huy động "phủ" dần hệ thống bể chứa rác thải BVTV trên địa bàn.

 Nông dân Hưng Lợi, Hưng Nguyên phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa xuân. Ảnh- Phú Hương
Nông dân xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa xuân. Ảnh: Phú Hương

Bắt đầu triển khai từ năm 2017, đến nay chương trình “Xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng, tuyên truyền cho người dân về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tới con người và cộng đồng” đã được thực hiện tại các huyện Yên Thành, Anh Sơn, Diễn Châu, Thanh Chương và Đô Lương.

Trước khi chương trình được triển khai, tại một số địa phương, chính quyền và người dân cũng đã có đầu tư xây dựng bể chứa rác thải bảo vệ thực vật, tuy nhiên số lượng rất ít, không đáng kể và quy cách, chất lượng chưa đảm bảo. Phần lớn bao bì, vỏ chai thuốc được nông dân bỏ lại trên bờ ruộng, dưới mương nước, trở thành nguy cơ tiềm ẩn làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe con người và cộng đồng.

Cùng sự hỗ trợ của tỉnh, các địa phương cũng cần chủ động phát huy tốt nội lực, xây dựng và khép kín hệ thống bể chứa rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên đồng ruộng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm trong phối hợp tuyên truyền, kiểm tra giám sát việc thực hiện cũng như thu gom xử lý loại rác thải nguy hiểm này.

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh

Với sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ trì thực hiện, đến nay chương trình đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tại các địa phương đã triển khai, hệ thống bể chứa bước đầu đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Từ năm 2017 đến năm 2023, chương trình đã hỗ trợ xây dựng 6.735 bể chứa, nâng tổng số bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng của Nghệ An lên gần 16.000 cái.

 rá thải. Ảnh- Phú Hương
Xây dựng hệ thống bể chứa sẽ giúp khắc phục tình trạng bao bì, vỏ thuốc BVTV vứt bừa bãi trên bờ ruộng. Ảnh: Phú Hương

Mặc dù chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu, nhưng vấn đề thu gom, xử lý rác thải sau khi sử dụng tại các địa phương được hỗ trợ xây dựng bể chứa đã khắc phục đáng kể. Trong đó, nhiều vùng sản xuất đã được phủ kín; bể được xây dựng đúng quy cách, vị trí lắp đặt phù hợp yêu cầu thực tế, tình trạng vứt bừa bãi các loại rác thải, bao bì trên đồng ruộng giảm hẳn.

Nâng cao nhận thức người sản xuất

Cùng với nỗ lực khép kín hệ thống bể thu gom rác thải bảo vệ thực vật, những năm qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng phối hợp với các địa phương, tổ chức các hội nghị tuyên truyền hoặc lồng ghép tuyên truyền vào các lớp IPM, ICM, SRI, cộng đồng cho người dân về tác hại đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng của bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên đồng ruộng. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức của cả người dân và chính quyền các địa phương trong thu gom, xử lý loại rác thải nguy hiểm này.

 Nông dân Nghi Lộc sử dụng thuốc BVTV trên cây ngô. Ảnh- Phú Hương
Nông dân huyện Nghi Lộc sử dụng thuốc BVTV trên cây ngô. Ảnh: Phú Hương

Từ những nỗ lực đó, nông dân đã dần có những chuyển biến rõ nét, thay đổi thói quen, có ý thức bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng, cũng như bảo vệ môi trường sống.

Bà Vũ Thị Hoa, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành cho biết: Chúng tôi được tuyên truyền về sự nguy hiểm của việc vứt bừa bãi bao đựng thuốc ra đồng ruộng, ảnh hưởng nguồn nước, ảnh hưởng sức khoẻ chính mình và mọi người nên rất ít người không thu gom, thậm chí nếu thấy vỏ bao bì người khác vứt trên bờ tôi cũng gom lại đem bỏ vào bể chứa tập trung.

Theo ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành, tuy chưa khép kín được hệ thống bể chứa rác thải bảo vệ thực vật tại tất cả các xã, nhưng nhìn chung, người dân ngày càng nâng cao ý thức, một số xã còn thường xuyên kiểm tra giám sát, nhắc nhở, nêu vi phạm trên hệ thống loa phát thanh, nên đã giảm hẳn tình trạng bà con “tiện đâu vứt đấy”, tác động xấu đến bảo vệ môi trường đất, nước như trước đây.

Qua 7 năm thực hiện, chương trình ”Xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng, tuyên truyền cho người dân về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tới con người và cộng đồng”, đã góp phần quan trọng giải quyết tình trạng thiếu bể chứa, dẫn tới rác thải vứt bừa bãi trên đồng ruộng tại các địa phương trong tỉnh.

 A Đức. Ảnh- Phú Hương
Lãnh đạo Chi cục trồng trọt và BVT V tỉnh kiểm tra tình hình sử dụng bể chứa rác thải BVTV. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Tuy nhiên, với gần 154.000 ha đất sản xuất lúa, rau màu và cây ngắn ngày có thể đặt bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, thì để đảm bảo yêu cầu theo quy định tại thông tư liên tịch của Liên bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài nguyên- Môi trường, Nghệ An phải lắp đặt 51.330 bể. Trước thực tế số lượng bể hiện có trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, chương trình vẫn đang và sẽ tiếp tục được triển khai tại các địa phương trong tỉnh, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng trước ở những vùng có diện tích đất sản xuất nông nghiệp tập trung, sử dụng lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn.

Bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu được làm bằng nilon và chai nhựa, rất khó phân hủy và có thể tồn tại hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm trong điều kiện tự nhiên. Bên cạnh đó, theo ước tính, chỉ có hơn 40% lượng thuốc sau khi phun tiếp xúc trực tiếp với sâu bệnh hại, hơn 50% lượng thuốc còn lại tồn dư trong bao bì, bay vào không khí, nhất là bị rửa trôi theo nguồn nước chảy vào kênh mương, ao, hồ, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nguy hại đến sức khoẻ con người. Mỗi năm, Nghệ An sử dụng từ 500- 700 tấn thuốc bảo vệ thực vật, tương ứng khoảng 50 - 70 tấn bao bì, vỏ chai thuốc được thải ra.

Mới nhất
x
Nghệ An quan tâm đầu tư hệ thống bể chứa thu gom rác thải bảo vệ thực vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO