Nghệ An quyết liệt ngăn chặn giáo viên tham gia đa cấp huy động vốn trái phép
(Baonghean.vn) - Trước tình trạng nở rộ huy động vốn đa cấp, lãnh đạo một số địa phương đã rốt ráo vào cuộc để có các biện pháp ngăn chặn. Trong khi đó, ngành Giáo dục cũng đang chỉ đạo các trường học kiểm soát chặt, xử lý nghiêm giáo viên tham gia vào loại hình này.
(Baonghean.vn) - Mặc dù từ Sở Giáo dục và Đào tạo cho đến cấp phòng đã có nhiều văn bản cấm, nhưng hàng loạt giáo viên vẫn công khai tham gia các đường dây đa cấp huy động vốn rồi lôi kéo cả đồng nghiệp, người thân. Đã có rất nhiều người mất hàng trăm triệu đồng chỉ vì lòng tham lãi suất cao.Đa cấp huy động vốn thời 4.0 'bủa vây' nhiều giáo viên ở Nghệ An
Ông Nguyễn Văn Quế - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủyThanh Chương cho biết, ông vừa ký thông báo của Huyện ủy gửi tới UBND huyện, Công an huyện, Đảng ủy cơ sở và một số cơ quan liên quan về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh các hoạt động huy động vốn trái pháp luật. Động thái này diễn ra sau khi Báo Nghệ An có loạt bài về nở rộ huy động vốn đa cấp, trong đó, tại địa bàn huyện Thanh Chương đang có hàng loạt giáo viên tham gia.
Theo thông báo của Huyện ủy Thanh Chương, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện tái xuất hiện đa cấp huy động vốn trái phép mang tên Lion Group. Tại một số địa phương, tình trạng cán bộ, công chức, giáo viên… tham gia rồi lôi kéo, rủ rê đồng nghiệp có chiều hướng gia tăng. “Đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, gây hoang mang trong dư luận. Làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương”, văn bản của Huyện ủy Thanh Chương nêu cảnh báo.
Một cuộc gặp gỡ của những người tham gia vào Lion Group. Ảnh P.V |
Để ngăn chặn, phòng ngừa đa cấp huy động vốn trái phép, Thường trực Huyện ủy Thanh Chương yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về đa cấp huy động vốn, những hệ quả của hoạt động huy động vốn trái pháp luật; tuyên truyền sâu rộng về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên lĩnh vực này. Đồng thời, nghiêm cấm việc các tổ chức, cá nhân lôi kéo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản.
Công an huyện có trách nhiệm thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng phương án xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự. Trường hợp phát hiện hoạt động đa cấp huy động vốn trái pháp luật, các địa phương, đơn vị phải triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, ổn định tình hình, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, bảo vệ an toàn tính mang và tài sản của công dân. Kịp thời báo cáo và phối hợp với các lực lượng chức năng, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.
Nhóm chát của Lion Group ở Thanh Chương do một nhân viên Trường Tiểu học àm trưởng nhóm. Ảnh P.V |
Ngoài ra, theo ông Quế, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng phải tập trung chỉ đạo giải quyết vụ việc ngay từ cơ sở, tuyệt đối không để phát sinh thành điểm nóng, phức tạp, gay dư luận xấu và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Thường xuyên nâng cao cảnh giác với các hoạt động biến tướng, tạo lòng tin như thăm hỏi, tặng quà… của tổ chức này trên địa bàn nhằm lôi kéo các trường hợp tham gia. Chỉ đạo kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng hoạt động đa cấp huy động vốn để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Thường trực Huyện ủy Thanh Chương cũng đề nghị Công an huyện tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án đấu tranh, ngăn chặn. Tập trung thống kê, rà soát, lập danh sách các đối tượng hoạt động, các trưởng nhóm, những người đứng ra tổ chức huy động vốn trên địa bàn để triển khai các biện pháp quản lý, không để xảy ra vụ việc phức tạp….
Xử lý nghiêm giáo viên tham gia đa cấp huy động vốn
Liên quan đến bài viết “Đa cấp huy động vốn thời 4.0 bủa vây nhiều giáo viên” đăng trên báo Nghệ An, UBND huyện Thanh Chương cho biết, ngay sau khi báo phản ánh, địa phương đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT kiểm tra, xác minh các trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy, chỉ có 8 người thừa nhận đang tham gia nhóm Lion Group, trong đó có 5 người ở Trường THCS Thanh Liên, 2 người ở Trường THCS Thanh Thịnh và 1 người ở Trường Tiểu học Thanh Thủy.
UBND huyện Thanh Chương sau đó đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT và hiệu trưởng nhà trường khẩn trương chấn chỉnh, yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ trường học; kiểm điểm, làm rõ nếu có vi phạm tùy theo mức độ để xử lý nghiêm theo quy định. UBND huyện Thanh Chương cũng hứa sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện vào cuộc để ngăn chặn các hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật, nhất là không để xảy ra trong môi trường giáo dục trên địa bàn.
Nhóm Lion Group Thanh Chương đi trao tặng quà. Huyện Thanh Chương hiện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương nâng cao cảnh giác với chiêu trò tạo lòng tin kiểu này. Ảnh P.V |
Về việc kết quả kiểm tra của huyện Thanh Chương cho thấy, chỉ có 8 giáo viên trên địa bàn tham gia vào đa cấp huy động vốn có tên Lion Group, một hiệu trưởng xin được giấu tên cho biết, sau khi Báo Nghệ An có bài phản ánh, Phòng GD&ĐT huyện đã yêu cầu các trường báo cáo có giáo viên tham gia vào nhóm này hay không.
“Tuy nhiên, xác minh thì chắc chắn là các giáo viên không thừa nhận rồi. Kể cả việc nhiều giáo viên đã mất tiền vì tham gia vào các nhóm đa cấp khác trước đây cũng giấu hết. Không chỉ sợ bị nhà trường xử lý, họ mà còn sợ gia đình. Có người còn bị chồng dọa bỏ vì đã đầu tư vào đa cấp….”, vị hiệu trưởng nói và khẳng định, trên thực tế có rất nhiều giáo viên đã tham gia chứ không thể chỉ có 8 người.
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Thái Văn Thành - Giám đốcSở Giáo dục và Đào tạo biết, ông cũng đã nắm được thông tin về nhiều giáo viên gần đây tham gia vào các tổ chức huy động vốn đa cấp. Trong đó, đáng kể nhất là các huyện Thanh Chương và Yên Thành.
“Tôi cũng đã có chỉ đạo, với huyện Thanh Chương là phải xử lý triệt để. Ngoài ra, tôi cũng trực tiếp chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành về vấn đề tương tự”, ông Thành nói và cho hay, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục ban hành các văn bản để một lần nữa đốc thúc các phòng giáo dục và đạo tạo, các trường học kiểm soát chặt chẽ tình trạng này
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành: “Quan điểm của sở là nghiêm cấm giáo viên tham gia vào đa cấp huy động vốn. Ngoài ra, còn cấm cả tham gia vào phường, hụi trái phép…. Vì tham gia vào những cái này không chỉ rủi ro cao cho bản thân họ, mà còn ảnh hưởng đến việc dạy học trên nhà trường” . Ảnh tư liệu P.V |
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong thời gian qua hoạt động đa cấp không phép và hiện tượng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, huy động tài chính trái phép đang có xu hướng gia tăng. Để ngăn chặn, phòng ngừa các hoạt động trái phép này, theo Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với hoạt động bán hàng đa cấp không phép và hoạt động lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thực hiện các hoạt động huy động tài chính trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo tinh thần Chỉ thị số 21 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Thông tin - Truyền thông và các đơn vị báo chí, truyền thông trên địa bàn triển khai xây dựng các chương trình thường kỳ, chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp và cảnh báo cho người dân về các hoạt động biến tướng, bất chính trong kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Đa cấp huy động vốn thời 4.0 'bủa vây' nhiều giáo viên ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Mặc dù từ Sở Giáo dục và Đào tạo cho đến cấp phòng đã có nhiều văn bản cấm, nhưng hàng loạt giáo viên vẫn công khai tham gia các đường dây đa cấp huy động vốn rồi lôi kéo cả đồng nghiệp, người thân. Đã có rất nhiều người mất hàng trăm triệu đồng chỉ vì lòng tham lãi suất cao.