Nghệ An: Rét đậm, rét hại, hàng ngàn người dân mắc bệnh đường hô hấp

Thanh Sơn - Thanh Hoa 10/01/2018 17:57

(Baonghean.vn) - Rét đậm, rét hại kéo dài kèm theo mưa phùn đã khiến cho hàng ngàn người có tiền sử viêm phổi tắc nghẽn mãn tính trở nặng và các ca bệnh viêm đường hô hấp tăng đột biến.

Nhiều trẻ nhập vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng bị bệnh viêm phổi nặng. Ảnh: Thanh Hoa
Nhiều trẻ nhập vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng bị bệnh viêm phổi nặng. Ảnh: Thanh Hoa

Trẻ, già lao đao vì rét

Theo thống kê của Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An: Từ ngày 10/12/2017 đến ngày 10/01/2018, có 25.800 lượt bệnh nhi đến khám, trong đó trên 5.600 lượt bệnh nhi phải điều trị nội trú.

Tổng số lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị không tăng so với những tháng khác trong năm, song lượng người mắc bệnh về đường hô hấp lại tăng. Thậm chí, nhiều trẻ đến viện trong tình trạng tính mạng bị đe dọa bởi biến chứng viêm phổi cấp, nhiễm trùng huyết... Bé Bùi Tuấn Kiệt (3 tháng tuổi) quê ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn là một trong những trường hợp đó.

Bé Bùi Tuấn Kiện bị viêm phổi cấp đang được theo dõi, điều trị tại Khoa Hô Hấp, Bệnh viện Sản Nhi. Ảnh: Thanh Hoa
Bé Bùi Tuấn Kiệt bị viêm phổi cấp đang được theo dõi, điều trị tại Khoa Hô Hấp, Bệnh viện Sản Nhi. Ảnh: Thanh Hoa

Chị Bùi Thị Nguyệt Anh - mẹ bé Kiệt cho biết: Gần 1 tháng nay, cháu bị sổ mũi, ho, thở khò khè phải điều trị tại bệnh viện khu vực. Vừa mới ra viện được 1 tuần thì trời trở lạnh, gió mùa về, bệnh cháu lại tái phát. Cháu quấy khóc, bỏ bú, khó thở, tím tái, cốt cao co giật nên tôi đưa cháu xuống thẳng Bệnh viện Sản Nhi. Các bác sĩ chuẩn đoán cháu bị viêm phổi cấp.

Sau 1 ngày điều trị tích cực, bé Bùi Tuấn Kiệt đã hạ sốt, sức khỏe dần ổn định, da dẻ hồng hào trở lại. Theo các bác sĩ Khoa Hô hấp: Cháu Kiệt cần phải điều trị thêm từ 7 - 10 ngày mới có thể xuất viện.

Trong đợt rét này, không chỉ trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh mắc bệnh mà số trẻ trên 10 tuổi mắc bệnh đường hô hấp biến chứng cũng gia tăng.

Cháu Hoàng Quang Thuận, 13 tuổi, ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn là một trong những bệnh nhân nhập viện trong đợt rét này. Chị gái của Thuận cho hay: Ban đầu thấy Thuận đau lưng, đau bụng, gia đình cứ nghĩ em bị đau xương khớp nên tự lấy thuốc điều trị. Sau 2 ngày không đỡ, đưa Thuận xuống viện mới biết em bị nhiễm trùng máu do viêm phổi thùy theo dõi áp xe phổi. Đến nay, sau 5 ngày điều trị nội trú, bệnh tình của Thuận đã giảm dần, bớt sốt...

Không riêng gì ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An mà số bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp đến điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh cũng tăng lên đáng kể. Số giường bệnh kế hoạch của Khoa Dị ứng - Hô Hấp là 35 giường (thực kê là 64 giường) không đủ cho số bệnh nhân nằm điều trị. Những ngày qua, số bệnh nhân điều trị nội trú ở khoa luôn xấp xỉ 80 - 85 người.

Khoa Dị ứng Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh quá tải, hai giường nằm 3 người. Ảnh: Thành Chung
Khoa Dị ứng - Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh quá tải, hai giường ghép nằm 3 người. Ảnh: Thành Chung

Trong tổng số người bệnh mắc bệnh đường hô hấp tại khoa thì người cao tuổi chiếm đa số, phần lớn họ đều có tiền sử bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính. Ông Nguyễn Song Hào, 69 tuổi, ở khối 6, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh đang điều trị tại khoa cho hay: "Với bệnh này cứ trời lạnh, thay đổi thời tiết đột ngột là trở nặng. Không khí lạnh kéo về, tôi khó thở nên vào đây điều trị được 5 ngày rồi. Thấy đỡ hơn thì mai tôi cũng xin về để phòng lây chéo cũng như nhường giường cho người khác. Bệnh nhân đông quá"!

Giữ ấm để phòng bệnh

Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhật Huy - Trưởng khoa Dị ứng - Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh lý giải: Mùa lạnh, những bệnh mãn tính, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp như hen phế quản mãn, viêm phổi mãn lại gia tăng, bùng phát. Đối tượng người mắc thường là những người già bởi sức khỏe yếu, sức đề kháng cũng kém đi. Các bệnh đường hô hấp mùa này thường nặng hơn nên số ngày điều trị dài hơn, dẫn đến tình trạng quá tải ở bệnh viện.

Khoa Dị ứng - Hô hấp phải kê thêm giường bệnh ở khu vực hành lang. Ảnh: Thành Chung
Khoa Dị ứng - Hô hấp phải kê thêm giường bệnh ở khu vực hành lang. Ảnh: Thành Chung

Bác sĩ Lê Nhật Huy khuyến cáo: "Với những người cao tuổi, để phòng bệnh cần chú trọng việc giữ ấm cơ thể. Người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính cần đi tiêm phòng. Đặc biệt, cần chú ý đến việc sử dụng rơm rạ, củi, than để sưởi ấm. Đã có nhiều người phải nhập viện điều trị do khói độc ảnh hưởng đường hô hấp".

Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Anh Sơn - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng đưa ra khuyến cáo tương tự: "Tuyệt đối không sử dụng than đá, than củi để sưởi ấm cho trẻ, vì hơi than tỏa ra khí rất độc. Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi thay đổi thời tiết, đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, các bậc cha mẹ cần giữ ấm, đặc biệt miệng, mũi, cổ và chân cho trẻ bằng việc đảm bảo không khí ấm áp trong phòng. Tránh cho trẻ đến nơi đông người, không cho trẻ tiếp xúc với khói, bụi"...

Với bệnh viêm đường hô hấp mãn tính, B.s Lê Nhật Huy dặn dò ông Hào không nên vận động quá sức, quá nhiều trong thời tiết lạnh. Ảnh: Thành Chung
Với bệnh viêm đường hô hấp mãn tính, BS Lê Nhật Huy dặn dò bệnh nhân không nên vận động quá sức, quá nhiều trong thời tiết lạnh. Ảnh: Thành Chung

Không chỉ phòng lạnh cho trẻ mà các bậc cha mẹ còn cần chú ý phòng nóng quá cho các bé bằng việc không ủ ấm quá mức khiến mồ hôi túa ra, ngấm ngược vào người... Trong những ngày trời rét đậm, rét hại kéo dài cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, làm ấm thức ăn, nước uống trước khi dùng, rửa tay sạch sẽ trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh.

Khi thấy trẻ bị ho kéo dài, sốt cao, bỏ bú, ngủ li bì khó đánh thức... không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ khám và điều trị kịp thời./.

Mới nhất
x
Nghệ An: Rét đậm, rét hại, hàng ngàn người dân mắc bệnh đường hô hấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO