Nghệ An sẵn sàng kịch bản xuất khẩu lao động “hậu” Covid-19

Một trong những lĩnh vực bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 hiện nay là công tác xuất khẩu lao động. Song song với việc triển khai nhiều biện pháp ứng phó, thì ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An đang sẵn sàng một kịch bản nhằm đẩy mạnh công tác đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi dịch bệnh được đẩy lùi. 

Lâu nay, mùa Xuân được coi là mùa của tư vấn, tuyển dụng, mùa của những chuyến bay xuất khẩu lao động (XKLĐ). Bởi sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người lao động ở các nước hết hạn hợp đồng trở về nước có nhu cầu đi tiếp; người lao động trong các công ty, xí nghiệp hoặc lao động tự do trong nước có nhu cầu chuyển hướng việc làm, tăng thu nhập bằng con đường XKLĐ.

Tuy nhiên, khác với các năm trước, năm nay, do ảnh hưởng của dịch  Covid-19 tác động, công tác XKLĐ trong cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng đã, đang gặp nhiều khó khăn. Hình ảnh dễ thấy nhất, nếu như các năm trước, vào thời điểm này, thường tập nấp người lao động từ khắp các huyện, thành, thị xã trong tỉnh đổ về làm hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Nghệ An, thì năm nay vắng hoe. Ông Vũ Trọng Cường –  Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Nghệ An, cho biết: So với cùng thời điểm năm ngoái, năm nay, từ sau nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, số lượng người đến làm hộ chiếu giảm hẳn, đặc biệt trong vài tuần gần đây giảm hơn 75%. Trong số người làm hộ chiếu dịp này chủ yếu là đi XKLĐ.

Phóng vấn người lao động theo đơn hàng từ nước bạn của Công ty Cổ phần quốc tế KAIZEN .
Phóng vấn người lao động theo đơn hàng từ nước bạn của Công ty Cổ phần quốc tế KAIZEN .

Là đơn vị được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép và trực tiếp đưa người đi XKLĐ tại các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Arap Xeut, Dubai, Algieri, Malaysia, Rumani…, Công ty cổ phần quốc tế KAIZEN cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Bà Trịnh Thị Huyên – Chủ tịch Hội đồng, kiêm Tổng Giám đốc công ty này, cho biết: Hoạt động tư vấn, tuyển dụng người đi XKLĐ của doanh nghiệp cao điểm nhất vẫn là vào mùa Xuân. Nghĩa là khoảng 3 tháng sau Tết Nguyên đán, mỗi năm có khoảng 1.000 đến 1.500 lao động trong tỉnh đăng ký, tham khảo, tư vấn XKLĐ qua doanh nghiệp, chiếm khoảng 50% tổng số lượng của cả năm; đồng thời, trong thời gian đó cũng có khoảng 500 – 600 lao động được xuất cảnh. Song năm nay, ngay thời điểm ra Tết, do tâm lý lo sợ dịch Covid-19, nhiều lao động e ngại và không dám đi XKLĐ; những người xác định và quyết tâm đi trong giai đoạn này thì vài tuần nay lại có lệnh phong tỏa và cấm nhập cảnh từ phía nhiều nước (khoảng 98% nước mà đơn vị ký kết trực tiếp đưa người đi XKLĐ đang áp dụng lệnh cấm này). Cho nên, tính từ ngày 31/01 đến nay, chỉ có khoảng 500 lao động tham khảo và có nhu cầu tư vấn tuyển dụng XLLĐ thông qua công ty và có hơn 250 lao động xuất cảnh. Đặc biệt trong những ngày gần đây khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, có ngày chỉ có vài lao động, có ngày không có người nào có nhu cầu tham khảo hoặc được tư vấn về XKLĐ.

Tình trạng nêu trên đã, đang diễn ra tương tự tại Công ty CP Thương mại Phúc Chiến Thắng. Theo ông Nguyễn Lê Thắng – Tổng Giám đốc công ty này, dịch  Covid-19 không chỉ buộc nhiều nước “đóng cửa” nhập cảnh, mà ngay cả nền kinh tế của họ trong một số lĩnh vực cũng đang ngừng trệ, đồng nghĩa nhu cầu lao động theo đó cũng sụt giảm, thậm chí là không có nhu cầu; dẫn đến nhiều đơn hàng tuyển dụng, đợi xuất cảnh đều bị tạm dừng. Mặt khác, hoạt động tư vấn, tuyển dụng tập trung theo hội nghị, hội thảo, hiện đơn vị cũng đang tạm dừng. Những yếu tố trên ảnh hưởng trực tiếp đến công tác XKLĐ của đơn vị. Nếu như các năm trước, bình quân mỗi tháng sau Tết có khoảng hơn 100 lao động có nhu cầu tư vấn XKLĐ và khoảng 50 – 60 lao động xuất cảnh, thì từ đầu năm Canh Tý đến nay, mỗi tháng chỉ có vài chục người có nhu cầu tư vấn và tổng số người xuất cảnh cũng chỉ con số vài chục. Trong điều kiện này, đơn vị đang tiến hành sắp xếp cán bộ, người lao động làm việc trong công ty luân phiên làm việc, tránh lãng phí nhân lực, nguồn chi phí trong giai đoạn khó khăn này.

Chủ sử dụng Rumani trực tiếp tuyển lao động tại Công ty cổ phần Thương mại Phúc Chiến Thắng.
Chủ sử dụng Rumani trực tiếp tuyển lao động tại Công ty cổ phần Thương mại Phúc Chiến Thắng.

Ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cũng khẳng định, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh đã, đang bị ảnh hưởng sâu sắc do dịch Covid-19. Nhiều lao động sau khi được đào tạo, học ngoại ngữ, nhưng đến nay vẫn chưa thể xuất cảnh đi làm việc tại các nước. Mặc dù được coi là thời điểm “vàng” xuất khẩu lao động, nhưng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 2.568 lao động xuất cảnh, thị trường chủ yếu là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc; đạt 18,71% kế hoạch cả năm 2020. Đây là khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cần có giải pháp, biện pháp quyết liệt để đạt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu lao động cả năm đã đề ra.

Hiện tại, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tính đến hết ngày 27/3, thế giới đã ghi nhận gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có người mắc dịch Covid-19. Trong số đó có nhiều nước đã ban bố lệnh phong tỏa và cấm nhập cảnh, bao gồm các nước có truyền thống XKLĐ của Nghệ An. Đối với Việt Nam, tình hình dịch bệnh cũng đang có chiều hướng tăng người nhiễm bệnh.

Trước bối cảnh đó, thời gian qua, Sở LĐ – TB&XH Nghệ An đã chỉ đạo các huyện, thành, thị xã và các doanh nghiệp XKLĐ tạm dừng tư vấn, tuyển sinh XKLĐ tập trung để phòng tránh dịch; đồng thời hạn chế xuất cảnh khi dịch bệnh chưa được khống chế, nhất là các nước đang có diễn biến phức tạp. Gắn với đó, phối hợp các ngành, địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về, nhất là lao động ở các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…; tăng cường quản lý việc sử dụng lao động là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở LĐ – TB&XH cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị tham gia XKLĐ phối hợp với các đối tác, chủ sử dụng lao động ở các nước bạn triển khai các biện pháp tuyên truyền để người lao động tự bảo vệ sức khỏe và chống dịch hiệu quả; đồng thời có biện pháp bảo hộ người lao động trong các trường hợp cần thiết. Cùng với đó, chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước, trong tỉnh, giúp người lao động có cơ hội việc làm mới trong thời gian dịch Covid-19.

Tư vấn xuất khẩu lao động cho người dân của Công ty Cổ phần quốc tế KAIZEN.
Tư vấn xuất khẩu lao động cho người dân của Công ty Cổ phần quốc tế KAIZEN.

Song song với các hoạt động trên, Sở LĐ-TB&XH đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh XKLĐ sau khi dịch bệnh được đẩy lùi. Và để đảm bảo công tác XKLĐ được đẩy mạnh sau dịch, ngành đang chỉ đạo các đơn vị tham gia XKLĐ tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương làm tốt công tác dự nguồn; duy trì hoạt động tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng nhằm chủ động để khi hết dịch không để bị thiếu hụt lao động khi các thị trường có nhu cầu trở lại. Đặc biệt chú trọng tập trung tuyên truyền, tư vấn phù hợp gắn với có chính sách cụ thể cho số lượng lớn lao động tự do từ các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan hoặc lao động bất hợp pháp từ các nước trở về nước trong thời gian dịch (có khoảng hơn 15.000 người) nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của người lao động và người nhà lao động đi XKLĐ thông qua hợp đồng để đảm bảo việc làm ổn định, thu nhập cao hơn, đặc biệt là được bảo hộ hoàn toàn khi có những rủi ro, bất trắc xảy ra. Đây được coi là cơ hội cho các đơn vị tham gia XKLĐ trong thời gian dịch bệnh hiện nay khi thời điểm sau dịch nguồn lao động sẽ rất dồi dào.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp và yêu cầu tạm dừng tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh XKLĐ tập trung theo hình thức hội nghị, hội thảo; các đơn vị XKLĐ cần linh hoạt, sáng tạo trong việc tiếp cận người lao động để tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng, đào tạo thông qua các hình thức online trực tuyến, qua facebook, zalo, qua điện thoại, qua trang web của mỗi đơn vị…

Đồng thời với đó là tăng cường phối hợp cấp ủy, chính quyền các địa phương thông qua đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động khi trực tiếp đến các hộ gia đình tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; điều tra, nắm bắt các trường hợp đi lao động tại các nước trở về, qua đó thông tin người lao động cung cấp cho các doanh nghiệp để tư vấn, tuyển dụng, đào tạo nhằm chủ động nguồn. Mặt khác, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp tham gia XKLĐ cần tập trung trang bị, củng cố thêm kiến thức, kỹ năng; đồng thời nghiên cứu, định hướng lại thị trường để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới.

“Có như vậy, sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, các nước bước vào giai đoạn đẩy mạnh phát triển sản xuất cần nhiều lao động thì chúng ta sẵn sàng đưa người đi XKLĐ kịp thời, không để thiếu hút nguồn khi thị trường cần. Coi thời điểm sau dịch là mùa “vàng” XKLĐ để tập trung đẩy mạnh, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đưa trên 13 ngàn lao động đi XKLĐ trong năm 2020 mà ngành đã đề ra”, ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐ- TB&XH nhấn mạnh.