Nghệ An sẽ lấy ý kiến thăm dò về chi phí không chính thức của doanh nghiệp, người dân

Thành Duy 22/10/2022 10:17

(Baonghean.vn) - Đây là một trong những giải pháp sẽ được thực hiện định kỳ hàng năm nhằm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An; thể hiện quyết tâm cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, tạo sự bứt phá mạnh mẽ về điểm số và thứ hạng PCI trong bảng xếp hạng toàn quốc.

CHỦ ĐỘNG TIẾP CẬN, HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 7919/UBND-CN ngày 11/10/2022 gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc triển khai các giải pháp cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt để cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của việc cải thiện 10 chỉ số thành phần trong PCI; căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương xây dựng kế hoạch và nâng cao tính chủ động trong việc triển khai thực hiện, tiếp cận, hỗ trợ doanh nghiệp để cải thiện các chỉ tiêu trong từng chỉ số thành phần PCI do đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả cuối cùng của các chỉ tiêu do đơn vị chủ trì.

Hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Thực hiện rà soát, điều chỉnh phù hợp, đồng bộ các loại quy hoạch như: Quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu chức năng... Thực hiện quản lý công khai, minh bạch các quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025; Đề án Phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025; Đề án Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng, cải cách hành chính và chất lượng nguồn nhân lực trong thu hút đầu tư.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm giày dép Viet Glory tại xã Diễn Trường (Diễn Châu). Ảnh: Phạm Bằng

Bố trí, huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm; hoàn thành việc nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến liên kết các địa bàn, mũi trọng điểm; hệ thống cấp thoát nước, điện và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ ngoài hàng rào các khu công nghiệp, đặc biệt quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo Chương trình Cải cách hành chính nhà nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện cần tập trung bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ khởi nghiệp, cải cách thủ tục hành chính (TTHC),... Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm TTHC, quy trình giải quyết TTHC không cần thiết và gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tăng tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra tại Đề án Giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Đề án Đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Đặc biệt, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để cán bộ, công chức, viên chức cấp dưới thuộc đơn vị có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Duy trì gặp gỡ, đối thoại trực tiếp để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất, kinh doanh.

KIỂM TRA, GIÁM SÁT, XỬ LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC GÂY NHŨNG NHIỄU

UBND tỉnh chỉ rõ các nhóm giải pháp cụ thể nhằm cải thiện các chỉ số thành phần của PCI gồm: Tính minh bạch, Hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Chi phí không chính thức, Tiếp cận đất đai, Thiết chế pháp lý, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động và tiên phong của Chính quyền, Gia nhập thị trường và Chi phí thời gian; gắn với phân công thực hiện nhiệm vụ cụ thể.

Trong đó, để cải thiện chỉ số Chi phí không chính thức, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị thường xuyên công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính, trong đó có các khoản thu phí, lệ phí, theo đúng quy định.

Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, đòi hỏi chi phí không chính thức liên quan đến thủ tục đăng ký doanh nghiệp; trong thanh tra, kiểm tra thuộc các lĩnh vực: môi trường, thuế, xây dựng, thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xét xử tòa án… Đặc biệt, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ hàng năm chủ trì tổ chức lấy ý kiến thăm dò về chi phí không chính thức của các doanh nghiệp, người dân.

Trong thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành có nhiều cố gắng, nỗ lực; chỉ số PCI của Nghệ An chưa có sự bứt phá, thậm chí có xu hướng giảm. Năm 2021, chỉ số PCI của Nghệ An đứng thứ 30 cả nước, giảm 12 bậc so với năm 2020, trong đó 6 chỉ số thành phần giảm thứ hạng so với 63 tỉnh, thành cả nước, gồm: Tiếp cận đất đai giảm 5 bậc, xếp thứ 40; Tính minh bạch giảm 6 bậc, xếp thứ 29; Chi phí không chính thức giảm 6 bậc, xếp thứ 51; Cạnh trạng bình đẳng giảm 19 bậc, xếp thứ 62; Tính năng động giảm 24 bậc, xếp thứ 58; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự giảm 10 bậc, xếp thứ 49.

Nghệ An sẽ lấy ý kiến thăm dò về chi phí không chính thức của doanh nghiệp, người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO