Nghệ An: Sẽ rà soát, sắp xếp bố trí giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục mới
(Baonghean.vn) - Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An sẽ phối hợp Sở Nội vụ rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên để xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí đội ngũ, bố trí đủ giáo viên để tổ chức dạy học theo Chương trình phổ thông tổng thể.
Sáng 16/12, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long - UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đồng chủ trì hội nghị có đồng chí Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Cùng dự có lãnh đạo các phòng chuyên môn trực thuộc Sở, các huyện, các phòng Giáo dục và Đào tạo của 21 huyện, thành thị. Ảnh: Mỹ Hà |
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Theo kế hoạch, Chương trình GDPT mới sẽ bắt đầu được triển khai ở lớp 1 từ năm học tới và tiếp tục sẽ được thực hiện cuốn chiếu trong những năm tiếp theo ở các bậc học khác. Việc triển khai chương trình GDPT mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thế hệ trẻ, đáp ứng những đòi hỏi của thực tế và bắt kịp xu thế chung của nhân loại.
Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo giới thiệu về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ảnh: Mỹ Hà |
Để thực hiện chương trình này, các trường cũng cần phải đảm bảo về đội ngũ với tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp đối với tiểu học để dạy học 2 buổi/ngày, đảm bảo về cơ cấu giáo viên, đặc biệt các môn học mới như Tin học, Ngoại ngữ và các môn tích hợp. Bên cạnh đó phải đảm bảo đủ phòng học với 1 lớp/phòng, các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã bàn về những khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình GDPT mới tại Nghệ An. Theo đó, hiện bất cập lớn nhất ở Nghệ An đó là cơ cấu, đội ngũ giáo viên ở bậc tiểu học chưa đủ, chỉ mới đạt 1,28 giáo viên/lớp và đang cần phải bổ sung thêm 2.226 giáo viên. Ở các bậc học còn lại, nhiều trường đang thiếu giáo viên các môn như Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Ngoại ngữ.
Đồng chí Kha Thị Tím - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà |
Nghệ An hiện cũng đang có hơn 500 điểm trường lẻ ở bậc tiểu học nên khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí giáo viên. Tất cả các bậc học từ tiểu học, THCS, THPT đều chưa đạt theo tỷ lệ yêu cầu của chương trình mới.
Liên quan đến những nội dung này, phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Đến thời điểm này, Chính phủ đã có cơ chế chính sách tuyển dụng giáo viên để bổ sung cho bậc học tiểu học. Riêng trong năm học tới, biên chế đã được xây dựng với 380 người để các địa phương có kế hoạch tuyển dụng giáo viên, đảm bảo đủ giáo viên với tỷ lệ 1.4 giáo viên/lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Qua nghe ý kiến các đại biểu, Hội nghị thống nhất thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp Sở Nội vụ rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí đội ngũ phù hợp; phối hợp Sở Kế hoạch và đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; phối hợp Sở Tài chính xây dựng nhu cầu kinh phí đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông.
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GDĐT và phù hợp thực tế của tỉnh. Đảm bảo 100% giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh hoàn thành chương trình bồi dưỡng trước thời gian bắt đầu triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông đối với từng cấp học.
Việc triển khai theo chương trình mới đòi hỏi phải bố trí đủ giáo viên ở mọi môn học (trong ảnh: Giờ học thể dục của học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2). Ảnh: Mỹ Hà |
Bên cạnh đó, chủ động rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu quả; dồn dịch các điểm trường lẻ, trường có ít lớp, ít học sinh ở cấp tiểu học để tập trung đầu tư nguồn lực, bố trí đội ngũ, đảm bảo 100% học sinh cấp tiểu học được học các môn bắt buộc theo lộ trình.