Hiểm họa khôn lường từ pháo tự chế

Đặng Cường 12/12/2023 15:07

(Baonghean.vn) - Thời điểm trước, trong dịp Tết Nguyên đán, tình trạng chế tạo, tàng trữ, buôn bán và sử dụng pháo nổ trái phép lại diễn biến phức tạp. Ngành chức năng đã vào cuộc xử lý nghiêm, tuy nhiên hành vi tàng trữ, tự chế pháo nổ vẫn diễn ra, đáng lo ngại có nhiều đối tượng thanh, thiếu niên.

Đặt mua thuốc, học cách làm pháo trên mạng

Thực tế, không khó để tìm các video dạy cách chế tạo pháo tại nhà. Chỉ cần gõ từ khóa “cách làm pháo” hoặc “làm pháo”, trên công cụ tìm kiếm trực tuyến Google sẽ có hàng loạt video hướng dẫn cách làm các loại pháo khác nhau. Hơn thế nữa, vì cạnh tranh về lượng view mà nhiều kênh YouTube còn hướng dẫn những cách chế tạo pháo đơn giản, độc đáo, âm thanh lớn,... để thu hút. Đáng quan ngại, chủ kênh không cảnh báo người xem mà còn nhấn mạnh cách làm của mình an toàn, không gây nguy hiểm.

Công thức có sẵn trên mạng, cách làm đơn giản, nguyên liệu rẻ, dễ tìm mua trên các trang thương mại điện tử,… là nguyên nhân chính khiến nhiều người, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên tò mò, ham vui, vì lợi nhuận đã tự chế pháo nổ tại nhà và nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra.

bna_09. ảnh pv.jpg
Nổ pháo tự chế khiến người đàn ông ở xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) bị thương nặng (sự việc xảy ra vào tháng 12/2022). Ảnh tư liệu

Mới đây nhất, khoảng 17h ngày 7/12/2023, tại một cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em tại xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình xảy ra vụ nổ khiến 2 người tử vong. Nguyên nhân được xác định, qua thông tin trên mạng xã hội Facebook, Nguyễn Văn Linh (SN 1996) trú khối 1, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đặt mua thuốc pháo, dây cháy chậm, vỏ pháo trên mạng về chế tạo pháo nổ để bán. Linh thuê Mai Thị X (SN 1993) và Lường Thị G (SN 1995) cùng trú tại huyện Kim Sơn để làm công việc lắp ráp ngòi nổ, đóng gói thuốc pháo nổ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện xảy ra cháy, nổ, khiến căn nhà cấp 4 bị sập một phần và 2 người phụ nữ tử vong.

Tại địa bàn Nghệ An, những vụ việc tương tự từng xảy ra cũng không ít. Ngày 9/12/2022, tại một quán cà phê trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, đã xảy ra 1 vụ nổ liên quan đến pháo tự chế, khiến anh N.T.T. (SN 1992), trú tại xóm 2, xã Hạnh Lâm bị dập nát bàn tay và bị thủng bụng.

Những vụ việc nói trên là minh chứng rõ nhất về mức độ nguy hiểm cho việc tự chế pháo nổ. Tuy nhiên, vi phạm vẫn xảy ra. Nhiều trường hợp bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ đều cho biết việc đặt mua thuốc pháo, học cách làm pháo đều có trên mạng, trong đó chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh.

bna_Hai em nhỏ (SN 2010) cùng tang vật pháo tự chế được Công an xã Nam Thanh (Nam Đàn) phát hiện, xử lý ngày 5.12.2023. Ảnh CANĐ.jpg
Hai em nhỏ (SN 2010) cùng tang vật pháo tự chế được Công an xã Nam Thanh (Nam Đàn) phát hiện, xử lý ngày 6/12/2023. Ảnh: CAND

Đơn cử, vào lúc 11h00 ngày 6/12/2023, qua tuần tra kiểm soát tại khu vực xóm 5, tổ công tác của Công an xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn phát hiện em P.H.M (SN 2010, trú tại xóm 7, xã Nam Thanh) có hành vi tàng trữ 2 túi ni lông, trong đó 1 túi nặng 1,1kg có chứa bột tinh thể màu trắng có mùi hắc (nghi là bột kali clorat) và 1 túi nặng 0,5kg có chứa bột tinh thể màu vàng (nghi là lưu huỳnh). Tiến hành kiểm và xác minh công an xã xác định số nguyên liệu trên được em P.H.M đặt mua trên mạng về để sử dụng làm nguyên liệu rồi theo hướng dẫn để chế tạo pháo nổ và đã nổ thành công 5 quả trước khi bị công an phát hiện.

Kết hợp tuyên truyền, xử lý nghiêm

Liên quan công tác phòng, chống các hành vi vi phạm về pháo, ngày 29/8/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 636/KH-UBND về việc phòng, chống các hành vi vi phạm về pháo trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 10/9/2023 đến ngày 26/02/2024. Theo đó, người đứng đầu UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành, thị đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về cấm sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn, đặc biệt đối với các đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên…

Riêng lực lượng Công an tập trung nắm tình hình các đối tượng nghi vấn hoạt động trong các đường dây, ổ nhóm nhập lậu, buôn bán trái phép các loại pháo, thuốc pháo. Các đối tượng đã có tiền án, tiền sự về hành vi nhập lậu, sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo. Số đối tượng là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên có biểu hiện sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo… Các cơ sở kinh doanh các loại tiền chất, hóa chất mà các đối tượng thường lợi dụng trong việc mua bán dễ dàng để sản xuất, chế tạo pháo nổ trái phép... để kịp thời có biện pháp đấu tranh, bắt giữ.

bna_8. ảnh pv.jpg
Tang vật một vụ chế tạo pháo do Công an xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn) phát hiện xử lý vào cuối tháng 12/2022. Ảnh tư liệu

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngành Giáo dục rất quan tâm đến việc tuyên truyền, phòng, chống pháo nổ trong học đường. Hàng năm, Sở đều chỉ đạo các trường phối hợp với lực lượng công an tổ chức tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ và ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại các trường học, song trên thực tế các vụ việc học sinh liên quan đến pháo nổ vẫn xảy ra. Việc tự chế pháo nổ có thể bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, hoặc nặng hơn sẽ bị xử lý hình sự. Đáng lo ngại nhất có thể dẫn tới thương vong nếu như xảy ra cháy, nổ trong quá trình chế tạo pháo. Bởi trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh… khi phát nổ dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực...

Về tính chất nguy hiểm của tai nạn do pháo tự chế, một bác sĩ tại khoa Cấp cứu, thuộc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, cho biết: Pháo phát nổ có thể gây rách da, tổn thương phần mềm, nghiêm trọng hơn là gãy xương tay, chân, chấn thương sọ não, ngực, bụng,... Đáng nói, pháo tự chế rất độc hại cho hệ hô hấp do chứa nhiều bụi kim loại dẫn đến nguy cơ nhiễm khói hóa chất, thời gian phơi nhiễm khói hóa chất này nếu dưới 3 phút sẽ ảnh hưởng nhẹ đến cơ thể. Trên 3 phút, hệ hô hấp bắt đầu bị ảnh hưởng, đặc biệt với người có tiền sử bệnh hô hấp, hen suyễn. Bụi khói của pháo còn ảnh hưởng trực tiếp đến mắt, làm chảy nước mắt hoặc loét giác mạc, gây hại lên mô cơ… Ngoài ra, nếu dị vật chui vào trong mắt sẽ gây nhiễm trùng, hủy hoại các mô mắt, đau đớn kéo dài.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần, để hạn chế xảy ra các tai nạn đáng tiếc liên quan đến pháo tự chế, ngoài việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những đối tượng đăng tải, phát tán các clip hướng dẫn cách chế tạo pháo và đối tượng có hành vi mua bán trái phép các chất nổ, hoặc hóa chất để chế tạo pháo. Các bậc phụ huynh, nhà trường, địa phương cũng phải tăng cường việc quản lý, giám sát, nâng cao hiểu biết và nhận thức của các em học sinh, thanh, thiếu niên về tác hại, hậu quả nguy hiểm của việc tự chế tạo và sử dụng pháo nổ, phòng tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo Điều 190, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6 kg đến dưới 40 kg thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 kg đến dưới 120 kg, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120 kg trở lên thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm.

Mới nhất

x
Hiểm họa khôn lường từ pháo tự chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO