Nghệ An sử dụng hơn 500 tấn vật tư bảo vệ thực vật mỗi năm
(Baonghean.vn) - Mỗi năm Nghệ An thải ra đồng ruộng khoảng 50 - 70 tấn rác thải thuốc BVTV các loại. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh về vấn đề xử lý thuốc BVTV sau khi sử dụng.
PV:Ông có thể cho biết rác thải thuốc BVTV ảnh hưởng như thế nào đối với môi trường và cuộc sống con người ?
Ông Nguyễn Tiến Đức: Bao bì vỏ chai thuốc BVTV chủ yếu được làm bằng nilon và chai nhựa nên rất khó phân hủy, trong điều kiện tự nhiên chúng có thể tồn tại hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Trong khi đó, theo một số kết quả nghiên cứu, lượng bao bì, vỏ chai thuốc BVTV được thải ra môi trường sau khi sử dụng thuốc chiếm khoảng 10 -15% và lượng thuốc BVTV còn sót lại trong bao bì khoảng 2 - 5%.
Thực trạng này dẫn đến việc thuốc có khả năng bay hơi, gây ô nhiễm không khí; làm ô nhiễm môi trường đất, nước, nếu lâu dài có thể ảnh hưởng tới mạch nước ngầm; Lượng thuốc BVTV còn sót lại sẽ tiêu diệt các động vật, vi sinh vật trong đất, nước và các thiên địch có ích trên đồng ruộng.
Nông dân huyện Quỳnh Lưu phun thuốc BVTV. Ảnh: Quang An |
Thuốc BVTV có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người đi phun thuốc, xâm nhiễm vào người qua 3 con đường là qua tiếp xúc, qua ăn uống và hít phải hơi thuốc trong quá trình sử dụng.Thuốc cũng có thể đi vào cơ thể động vật, vào nông sản phẩm, tồn tại và tích lũy trong đó, gây ảnh hưởng đến người sử dụng. Khi tác động đến cơ thể con người, có thể gây ngộ độc cấp tính, biểu hiện bằng các triệu chứng chóng mặt, toát mồ hôi, ói mửa, co giật khó thở, ngất, có thể dẫn tới tử vong; Ngộ độc mãn tính, thuốc xâm nhập vào cơ thể và tích lũy trong cơ thể gây đột biến gen, ung thư…
PV: Tình hình sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riền như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Đức: Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm nước ta sử dụng từ 35.000 - 100.000 tấn hóa chất BVTV. Thông thường, bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, tương đương hơn 10.000 tấn/năm.
Nghệ An là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn, hàng năm toàn tỉnh gieo trồng khoảng 370.000 ha cây trồng các loại; trong đó cây lúa 180.000ha, cây lạc 20.000 ha, cây ngô 40.000 ha; cây sắn 20.000 ha; cây mía 30.000 ha; cây rau màu 20.000 ha; cây ăn quả có múi 5.000 ha...
Với diện tích canh tác đó, hàng năm Nghệ An sử dụng khoảng 500 -700 tấn thuốc BVTV, thải ra đồng ruộng từ 50 - 70 tấn rác thải thuốc BVTV các loại.
Người dân mua thuốc BVTV tại huyện Nam Đàn. Ảnh: Quang An |
PV:Để hạn chế tác hại của loại rác thải nguy hiểm này, cần tuân thủ những quy định nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Đức: Những năm qua, để giảm thiểu tác hại của rác thải BVTV, Chi cục Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã tập trung ban hành các công văn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thu gom rác thải BVTV sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng; phối hợp với các địa phương xây dựng hệ thống bể thu gom bao bì vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng.
Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị tuyên truyền hoặc lồng ghép tuyên truyền và các lớp IPM, ICM, SRI, cộng đồng cho người dân về tác hại của bao bì vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền về vấn đề này.
Người sản xuất phải có ý thức thu gom lại vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng để xử lý theo đúng quy định. Không vứt vỏ bao bì bừa bãi để tránh gây ô nhiễm lên sản phẩm và môi trường. Không sử dụng vỏ bao bì thuốc BVTV vào các mục đích khác; đặc biệt vào việc chứa, kê, lót sản phẩm, đựng nước hay lương thực và thực phẩm. Vỏ bao bì thuốc BVTV phải được thu gom và xử lý đúng quy định. Tại các khu vực sản xuất nên có các bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV.
Để quản lý tốt vấn đề này, bên cạnh ý thức của người sản xuất, rất mong UBND tỉnh, huyện và các cấp, ngành hàng năm bố trí nguồn kinh phí để thực hiện thu gom, tiêu hủy bao bì vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng trên đồng ruộng.
PV:Xin cảm ơn ông!