Nghệ An tăng 21 bậc về chỉ số hài lòng của người dân

Phạm Bằng 19/04/2023 10:30

(Baonghean.vn) - Sáng 19/4, Bộ Nội vụ công bố Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index 2022).

Sáng 19/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp lần thứ tư để đánh giá tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh và đại diện các sở, ngành, địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban chỉ đạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

NGHỆ AN XẾP THỨ 16 VỀ CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2022

Tại phiên họp, Bộ Nội vụ đã công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS 2022) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index 2022).

Năm 2022 là năm thứ 11 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số PAR index của các bộ, các tỉnh, thành phố cả nước; là năm thứ 6 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Năm 2022, Bộ Nội vụ đã phê duyệt Bộ tiêu chí đánh giá mới nhằm sửa đổi, bổ sung, cập nhật các tiêu chí và phương pháp đánh giá cho phù hợp với thực tiễn và góp phần thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính.

Chỉ số Cải cách hành chính mới được ban hành bao gồm 2 bộ tiêu chí đánh giá cho cấp bộ và cấp tỉnh. Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ được sử dụng đánh giá, xếp hạng 17 bộ, cơ quan ngang bộ 2 và 2 cơ quan đặc thù (Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc), bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong số đó, có 31.50 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.

Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được sử dụng đánh giá, xếp hạng 63 UBND tỉnh, thành phố, với 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó, 32 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.

Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành Trung ương.

Để triển khai đánh giá xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 86.000 phiếu, trong đó, có 36.095 phiếu của người dân; 50.109 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là công chức, lãnh đạo, quản lý các cấp tại bộ, cơ quan, địa phương.

Theo đó, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 các bộ, cơ quan ngang bộ có 3 nhóm: Chỉ số cải cách hành chính trên 90 điểm, bao gồm 2 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp.

Chỉ số cải cách hành chính từ trên 80 điểm đến dưới 90 điểm, bao gồm 11 đơn vị, bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công Thương.

Chỉ số cải cách hành chính dưới 80 điểm có 4 đơn vị là: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao.

Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm như sau: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90 điểm trở lên, gồm 2 tỉnh, thành phố. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80 điểm - dưới 90 điểm, gồm 56 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70 điểm - dưới 80 điểm, gồm 5 tỉnh, thành phố.

Theo kết quả đánh giá, Quảng Ninh trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 với kết quả đạt 90.10 điểm. Đứng vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng là thành phố Hải Phòng với kết quả đạt 90.09 điểm. Xếp thứ 3 đến thứ 5 là các địa phương: TP. Hà Nội (89.58 điểm), Bắc Giang (88.54 điểm), Đà Nẵng (87.54 điểm).

Tỉnh Nghệ An xếp thứ 16, đạt 86,67 điểm, tăng một bậc so với năm 2021.

Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 là tỉnh Phú Yên, đạt 75.99 điểm, thấp hơn 5.42 điểm so với năm 2021. Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 khá thấp là Bình Thuận, đạt 79.45 điểm, xếp vị trí thứ 60/63; Bắc Kạn, đạt 79.35 điểm, xếp vị trí thứ 61/63; Cao Bằng, đạt 77.55 điểm, xếp vị trí thứ 62/63.

NGHỆ AN XẾP THỨ 14 VỀ CHỈ SỐ HÀI LÒNG PHỤC VỤ HÀNH CHÍNH NĂM 2022

Đối với Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS 2022), tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xếp vị trí thứ nhất với 87,59%; Thái Nguyên xếp vị trí thứ 2 với 86,26%; Cà Mau xếp vị trí thứ 3 với 85,67%; Bình Dương xếp vị trí thứ 4 với 85,52%; Thanh Hóa xếp vị trí thứ 5 với 85,31%.

Bình Thuận là tỉnh xếp vị trí cuối cùng về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 với 72,54%. Xếp thứ 62 là tỉnh Cao Bằng với 74,81%, xếp thứ 61 là tỉnh Quảng Nam với 75%.

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tỉnh Nghệ An xếp thứ 14 với 82,82%, tăng 21 bậc so với năm 2021 xếp thứ 35.

Việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân được Bộ Nội vụ - Cơ quan Thường trực cải cách hành chính của Chính phủ - triển khai trong phạm vi cả nước hàng năm theo yêu cầu của Chính phủ kể từ năm 2017 đến nay (năm 2015 triển khai tại 10 tỉnh, thành phố đại diện).

Năm 2022 là năm đầu tiên có thay đổi lớn về nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng. Nội dung đo lường sự hài lòng của người dân năm 2022 tập trung trên 2 khía cạnh, gồm việc xây dựng, tổ chức thực hiện các nhóm chính sách quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân và việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung.

Quầy tiếp nhận yêu cầu chuyển phát qua Bưu điện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Lâm Tùng

8 nhóm chính sách được lựa chọn bao gồm: Chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách điện sinh hoạt; chính sách nước sinh hoạt; chính sách an sinh, xã hội.

Đối tượng khảo sát thu thập thông tin đo lường sự hài lòng năm 2022 là người dân (đủ 18 tuổi trở lên), được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng để đảm bảo tính đại diện, khách quan. Chỉ số hài lòng được tính là điểm trung bình phần trăm của tất cả các mức điểm phản ánh các mức độ hài lòng của người dân được khảo sát.

Kết quả đo lường năm 2022 cho thấy, người dân ở nông thôn có mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cao hơn 4,96%, so với người dân ở đô thị, mức độ hài lòng của hai nhóm dân số này lần lượt là 82,37% và 77,41% .

Nghệ An tăng 21 bậc về chỉ số hài lòng của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO