Nghệ An: Tăng cường phối hợp trong quản lý thị trường dịp cuối năm
(Baonghean.vn) - Tình trạng buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng... trên địa bàn cả nước cũng như Nghệ An vẫn còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Theo các ngành, lực lượng, trên thực tế với loại hàng cấm, hàng nhập lậu, phương thức phổ biến của các đối tượng là mang vác, vận chuyển nhỏ lẻ hàng hóa qua các đường mòn, lối mở biên giới, sau đó, hợp thức hóa đơn bán hàng vận chuyển vào nội địa. Để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng còn ngụy trang, cất giấu tinh vi cùng với hàng hóa khác như trong thùng xe, hầm xe tự chế..
Chưa kể, từ sau dịch Covid-19, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ “núp bóng” với danh nghĩa hàng “xách tay”, “hàng sale” giá rẻ diễn ra ngày càng phổ biến và được các đối tượng bán trên các sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội. Đáng lo ngại hơn, các đối tượng tiến hành giao dịch, mua bán trên trang thương mại điện tử các nền tảng ứng dụng như website tự lập, Zalo, Facebook… đăng ký thông tin không chính xác để giao dịch, khiến tình hình càng thêm phức tạp.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm tại cơ sở kinh doanh quần áo do bà N.T.L làm chủ, địa chỉ tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương. Ảnh: QLTT |
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý thị trường Nghệ An, từ đầu năm 2022 đến nay, đã tiến hành kiểm tra 2.948 vụ, xử lý 2.624 vụ, với tổng giá trị thu phạt trên 8 tỷ đồng. Điển hình, sáng 6/7/2022, Đội QLTT số 11 (Cục QLTT Nghệ An) phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) cùng Công an xã Thanh Hương (Thanh Chương) kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh quần áo do bà N.T.L làm chủ, địa chỉ tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh của bà L. đang vận hành các tài khoản Facebook “Tổng kho A.T; Store A.T” để tiến hành các hoạt động livestream, bán hàng, chốt đơn qua mạng xã hội. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 2.100 bộ quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc lô hàng.
Làm việc với đoàn kiểm tra, bà L. thừa nhận toàn bộ số hàng trên bà mua trôi nổi trên thị trường về đăng tải và livestream trên các tài khoản fanpage của shop để bán kiếm lời. Đội QLTT số 11 đã tiến hành hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo đúng quy trình, quy định của pháp luật; tịch thu toàn bộ số hàng trên với giá trị thu, phạt ước tính 70 triệu đồng.
1,3 tấn đường cát được Công an huyện Đô Lương thu giữ. Ảnh tư liệu: Nguyễn Long |
Mới đây, vào 7h30 ngày 15/11, tổ công tác Công an huyện Đô Lương nhận được tin báo về việc cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa Vinh Hòa tại khối 6, thị trấn Đô Lương có hành vi buôn bán đường cát không rõ nguồn gốc. Theo đó, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh nói trên do ông Nguyễn Trọng Vinh (SN 1983), trú tại khối 6, thị trấn Đô Lương làm chủ. Qua kiểm tra, đã phát hiện có 26 bì đường cát, vỏ bao bì in nhiều chữ nước ngoài, có trọng lượng hơn 1,3 tấn. Tổ công tác yêu cầu ông Nguyễn Trọng Vinh xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng hóa. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Trọng Vinh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số đường cát trên. Công an huyện Đô Lương đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ tang vật để tiến hành điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Từ xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; góp phần bảo đảm bình ổn giá, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết.
Cục Quản lý thị trường Nghệ An tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp đã ký kết với các ngành như Cục Hải quan; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Công an tỉnh, Sở Công Thương; Công ty Xăng dầu Nghệ An. Qua đó, hỗ trợ nhau trong trao đổi, cung cấp thông tin về nghiệp vụ, thẩm tra, xác minh, phối hợp lực lượng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Cục Quản lý thị trường Nghệ An tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ảnh: Đ.C |
Theo Đại tá Dương Hồng Hải - Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An: Thông qua nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, các đối tượng thường lợi dụng lĩnh vực xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Nổi lên như hoạt động vận chuyển tiền tệ, mua bán gia súc (trâu, bò) trái phép qua biên giới; vận chuyển, kinh doanh xăng, dầu trái pháp luật trên khu vực biên giới, vùng biển. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bắt 7 vụ/13 cá nhân và 1 tổ chức, tang vật thu giữ là 7.260 kg sắt phế liệu, 83 kg quặng, 16 con bò, 10.000 USD, 15.443 lít dầu diezel, 1.123.000 đồng số lợi bất hợp pháp do bán 1.844 lít dầu diezel; khởi tố hình sự 3 vụ/4 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ/9 cá nhân và 1 tổ chức, nộp ngân sách Nhà nước 222.500.000 đồng (tăng 6 vụ/12 đối tượng so với cùng kỳ năm 2021).
Thực tế cho thấy, để hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… xâm nhập vào thị trường, ngoài các nguyên nhân khách quan, “lỗ hổng” từ phía các ngành, lực lượng chức năng, còn bởi xuất phát từ chính nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đơn cử, “có cung ắt có cầu”, khi người dân “sính” hàng ngoại, nhưng lại ham rẻ thì những mặt hàng được làm giả, kém chất lượng sẽ phát sinh. Chưa kể, các đối tượng thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết và thu nhập còn thấp của người dân để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng về các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tiêu thụ…
Theo ông Nguyễn Văn Hường - Cục trưởng Cục QLTT Nghệ An cho biết: Cùng với kế hoạch triển khai thường xuyên, ngày 8/11/2022, Cục QLTT Nghệ An đã ban hành Kế hoạch triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đó, trên cơ sở xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra theo từng chuyên đề, lĩnh vực cụ thể, từng địa bàn trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn dịp cuối năm như: Điện tử, điện lạnh, quần áo, giày, dép, bánh kẹo, đường cát, bia, rượu, nước giải khát, động vật và các sản phẩm chế biến từ động vật...
Tiêu hủy hàng giả, hàng nhái tại Cục Quản lý thị trường Nghệ An. Ảnh: QLTT |
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hóa, công bố chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa... của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ để kịp thời phát hiện các thủ đoạn gian lận thương mại. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm; việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến...
Tăng cường phối hợp tích cực với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương để triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra, kiểm soát các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các tuyến đường bộ, đường sắt tại các địa bàn trọng điểm của tỉnh. Cũng theo ông Nguyễn Văn Hường, Cục phân định rõ trách nhiệm người đứng đầu, nếu địa bàn nào để xảy ra tình trạng điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm thì Đội trưởng Đội QLTT phụ trách địa bàn đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Cùng với đó, Cục QLTT Nghệ An sẽ tăng cường quản lý, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Đặc biệt, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân công chức tha hóa, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
Như vậy, có thể thấy, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp, cùng với vai trò chính của lực lượng quản lý thị trường, cần sự vào cuộc tích cực của các ngành, lực lượng, các địa phương, người dân và cả doanh nghiệp trong phát hiện, phối hợp xử lý. Theo đó, lực lượng chức năng cần tiếp tục phát huy hiệu quả kênh tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng về những vi phạm trên thị trường để kịp thời kiểm tra, xử lý. Đồng thời, cùng với công tác tuyên truyền, chính người dân cần tự nâng cao nhận thức của chính mình, trở thành người tiêu dùng thông thái, để không tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…