Nghệ An tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm
Công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) đã góp phần nâng cao ý thức của mỗi tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chất lượng, vì sức khỏe của người tiêu dùng.
Chuyển biến tích cực
Những ngày này, không khí sản xuất tại Công ty TNHH Hải sản Sơn Huyền (Cửa Lò) như rộn ràng, hối hả hơn. Nhân viên ở đây đang tập trung sản xuất kịp đơn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Chị Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc công ty chia sẻ, 3 dòng sản phẩm của doanh nghiệp gồm chả mực đặc biệt, tôm tẩm bột, nem hải sản đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2022. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở của chị đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để nâng cấp, trang bị hệ thống máy cấp đông, máy bảo quản, máy xay thực phẩm và máy chiên tách dầu. Hệ thống này giúp chị kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách chặt chẽ từ sơ chế nguyên liệu đến chế biến, đóng gói sản phẩm.
Chị Liên cho biết, trước đây ít khi người ta để ý đến khâu này, thường dùng một lượng dầu nhất định để chiên sản phẩm. Vậy nhưng, dòng máy hiện đại này có thể tự động để tách lượng dầu dư thừa từ thực phẩm sau khi chiên xong, giúp giảm lượng chất béo trong sản phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Và quan trọng nữa, nó còn giảm lượng dầu thải ra môi trường. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và môi trường xung quanh.
Hiện nay, nhận thức của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm ngày càng nâng cao. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã phát huy vai trò của mình trong công tác bảo đảm vệ sinh ATTP.
Có được kết quả nêu trên là nhờ sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Ông Lê Đức Ánh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngành đã chủ động và phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực đảm bảo ATTP với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Nhờ vậy, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm từng bước được nâng cao. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước đây vi phạm nay đã thực hiện tốt các điều kiện và thủ tục hành chính về vệ sinh ATTP như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phù hợp với ngành nghề kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP; khám sức khỏe cho nhân viên theo quy định... Đồng thời, tự cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, do các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ nhiều, thường xuyên biến động, không tập trung, mang tính đặc trưng vùng, miền, trong khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa rõ ràng, gây khó khăn việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chế tài xử lý cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ không có đăng ký kinh doanh và không có cam kết đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh hiện chưa có gây khó khăn trong công tác quản lý. Chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết đánh giá các tiêu chí thẩm định điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Một số nhóm sản phẩm chưa có tiêu chuẩn để đánh giá giới hạn cho phép hoặc đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản thay thế dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm của cơ sở, tiêu chuẩn để thẩm định và hậu kiểm ATTP của cơ quan quản lý.
Trong năm 2024, Sở Công Thương đã tiến hành thanh tra 1 cuộc tại 4 đơn vị, xử phạt 1 đơn vị số tiền 10 triệu đồng. Phối hợp ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo hồ sơ xử phạt do đoàn liên ngành chuyển, tổng số tiền xử phạt 41 triệu đồng. Tham gia các đoàn liên ngành về ATTP tại tuyến tỉnh vào các dịp cao điểm trong năm, trong đó, dịp Tết Trung thu năm 2024, đoàn đã tiến hành kiểm tra 25 cơ sở, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 6 cơ sở vi phạm và chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng đề nghị ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng thẩm quyền, với tổng số tiền 88,5 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm về an toàn thực phẩm chủ yếu là người trực tiếp chế biên thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; Kinh doanh dịch vụ ăn uống có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực; Vi phạm quy định của pháp luật điều kiện bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm; Sản xuất thực phẩm có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực; Không đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng phù hợp quy định để rửa, khử trùng tay, vệ sinh cá nhân và trang thiết bị, dụng cụ.
Phối hợp xử lý, bảo đảm an toàn thực phẩm
An toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận vì ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của con người, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được sự chỉ đạo của cấp trên, Sở Công Thương đã kịp thời triển khai thực hiện các quy định trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc ngành quản lý trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2024, Sở Công Thương đã lồng ghép, bố trí trong các hoạt động thường xuyên cũng như phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ của ngành. Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức một số lớp tập huấn về ATTP; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP. Hàng năm, là thành viên giám sát các Đoàn liên ngành an toàn thực phẩm vào các đợt cao điểm trong năm: Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân, Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm, dịp Tết Trung thu.
Sở Công Thương cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức: Lồng ghép trong công tác thẩm định, kiểm tra các cơ sở; tuyên truyền trên website của Sở và các đơn vị trực thuộc; Treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng; tổ chức các hoạt động kết nối cung -cầu, kết nối giao thương trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ngoài ra, trong công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Sở Công Thương đã tập trung tuyên truyền về vấn đề an toàn thực phẩm tác động đến sức khỏe mỗi người, nêu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân, người lao động trong việc thực hiện các quy định về ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và tác hại của việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức người lao động, chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục cập nhật các quy định mới và tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt để thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tập trung chỉ đạo, triển khai công tác đảm bảo ATTP vào các dịp trọng điểm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân, Tháng hành động Vì ATTP, dịp Tết Trung thu năm 2025. Tăng cường công tác giám sát, hậu kiểm an toàn thực phẩm tại các cơ sở thuộc ngành Công Thương quản lý…”, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết thêm.