Nghệ An 'tăng tốc' các biện pháp để 'gỡ thẻ vàng' thủy sản
(Baonghean.vn) - Tại Nghệ An, cận kề mốc thời gian gỡ “thẻ vàng”, trước những thách thức đang đặt ra, các cấp, ngành đang “tăng tốc” các biện pháp tuyên truyền kết hợp kiểm soát, xử lý vi phạm theo khuyến nghị của đoàn kiểm tra Ủy ban châu Âu (EC).
Tuyên truyền đi trước một bước
Buổi tuyên truyền chống khai thác IUU do Bộ đội Biên phòng Nghệ An tổ chức cho hơn 200 chủ phương tiện và ngư dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), với phương pháp thuyết trình, sử dụng các hình ảnh minh họa và nêu vụ việc cụ thể, nhằm giúp bà con nhận thức đúng và chấp hành nghiêm chỉnh khi tham gia hoạt động trên biển.
Ông Trần Văn Nguyện - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho biết: “Chúng tôi kết hợp với đồn biên phòng tổ chức tuyên truyền có mời tất cả bà con đánh bắt xa bờ nên rất ý nghĩa, thời gian tiếp theo sẽ tổ chức tuyên truyền ở tất cả các cuộc họp, sinh hoạt định kỳ địa phương sẽ tổ chức tuyên truyền”.
Nghệ An có 82 km bờ biển, với 3.384 phương tiện tàu cá, trong đó, có hơn 1.600 phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất trên 90 mã lực, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu to, máy lớn để đánh cá xa bờ nâng cao hiệu quả khai thác và tham gia bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền của Tổ quốc. Tuy nhiên, trong quá trình làm ăn trên biển, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Trước tình hình đó, trong đợt cao điểm tuyên truyền này, lực lượng Bộ đội Biên phòng Nghệ An tập trung làm tốt công tác quản lý tàu cá, tổ chức cho ngư dân ký cam kết chống khai thác IUU và tuyên truyền đến ngư dân thuộc địa bàn các huyện, thị ven biển của tỉnh.
Ông Bùi Xuân Trúc - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết, huyện và đồn biên phòng thường xuyên tuyên truyền, giải thích những nội dung khai thác bất hợp pháp, tuần tra, kiểm soát các tàu khai thác sai vùng, sai tuyến, kiểm soát tàu cá ra, vào theo đúng quy định…
Cảng cá Quỳnh Phương là nơi mà mỗi ngày có rất đông tàu, thuyền trong và ngoài tỉnh ra, vào, ngoài triển khai lực lượng đến từng phương tiện, phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống đánh bắt IUU, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương còn phối hợp với địa phương tổ chức các tổ, đội tuyên truyền lưu động tới từng tàu của ngư dân; tăng cường kiểm tra từng tàu cá trước khi rời bến phải đảm bảo các thủ tục, thiết bị giám sát hành trình, phương tiện nào không hoạt động thì không cho xuất bến.
Đang chuẩn bị các vật tư, nhu yếu phẩm cho chuyến ra khơi mới, ngư dân Lê Văn Hai - chủ tàu TH 91752 TS cho biết: "Chúng tôi thường xuyên được tuyên truyền, nhắc nhở nên thuyền viên thực hiện nghiêm. Tàu ra, vào cảng luôn phải đầy đủ thủ tục. Ngoài trình báo với đồn biên phòng, chúng tôi cũng trình báo với Ban Quản lý cảng”.
Đồn Biên phòng Quỳnh Phương quản lý trên hơn 1.100 phương tiện tàu cá các loại. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong hỗ trợ giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển. Kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ bà con ngư dân trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, hướng dẫn các phương tiện hoạt động vùng biển xa kết hợp đánh bắt hải sản với nắm bắt, cung cấp tin tức, hình ảnh về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta cho các lực lượng chức năng xử lý, giải quyết.
Trung tá Nguyễn Tư Hóa - Chính trị viên Đồn Biên phòng Quỳnh Phương cho biết, do đặc điểm của ngư dân trên địa bàn hoạt động theo trăng, nước không về cùng lúc, các phương tiện đánh bắt xa bờ chúng tôi thông qua hệ thống liên lạc, radio, Icom để tuyên truyền, phối hợp cảng cá kiểm tra, kiểm soát chặt các phương tiện tàu cá ra, vào cảng.
Ông Đậu Ngọc Lam - Cảng phó Cảng cá Quỳnh Phương(TX. Hoàng Mai) cho biết thêm: Đồn Biên phòng kết hợp với cảng cá xuống từng tàu tuyên truyền, hoặc phát tờ rơi cho ngư dân khi ra biển tuân thủ pháp luật, tránh vi phạm khai thác IUU.
Siết chặt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
Song song với tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt các quy định về khai thác thủy sản, cập nhật kịp thời thông tin lên hệ thống quản lý thông tin của quốc gia, thì việc kiểm soát, xử lý vi phạm cũng là nội dung cần đẩy mạnh trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023. Bởi trong 6 nội dung mà Ủy ban châu Âu khuyến nghị đối với ngành Thủy sản Việt Nam cần thực hiện, thì có 2 nội dung nổi bật cần khắc phục ngay, đó là: “Cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh khung pháp lý để tăng cường hiệu lực, hiệu quả, siết chặt công tác quản lý chống khai thác IUU; Công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU tại địa phương còn rất yếu kém”.
Trên địa bàn Nghệ An, việc thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản được thực hiện chủ yếu bởi Sở Nông nghiệp và PTNT, trực tiếp là Chi cục Thủy sản, và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh. Tại Chi cục Thủy sản, các phòng Thanh tra, Pháp chế và 3 trạm thủy sản là bộ phận trực tiếp chủ trì thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thủy sản. Để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển, Chi cục Thủy sản được trang bị 2 tàu kiểm ngư KN-688-NA (công suất 1.100CV), VN-93967- KN (công suất 660CV) và 2 xuồng công suất 40CV.
Trên cả nước, hằng tuần, hằng tháng, các lực lượng chức năng lập danh sách tàu cá vi phạm IUU, danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU gửi Tổng Cục Thủy sản và các sở Nông nghiệp và PTNT 28 tỉnh, thành phố ven biển để phối hợp kiểm soát, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Chi cục Thủy sản thành lập 2 đoàn kiểm tra sử dụng tàu kiểm ngư, xuồng công tác thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển 10 ngày công tác, kiểm tra 26 lượt phương tiện. Qua kiểm tra, các đoàn đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với 1 vụ/1 đối tượng/1 phương tiện và bàn giao cho các đồn biên phòng tuyến biển xử lý theo quy định.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển và Hải đội 2 tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển, khu vực cửa sông, cửa lạch, tìm kiếm cứu nạn được 41 đợt/168 lượt cán bộ, chiến sĩ. Kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập tại cửa sông, cửa lạch và bến đậu được 3.349 lượt phương tiện/18.924 lượt lao động đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Qua kiểm tra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 6 vụ/6 đối tượng/6 phương tiện, với số tiền phạt 41 triệu đồng.
Ông Trần Như Long – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, chi cục thành lập 34 đoàn kiểm tra sử dụng tàu kiểm ngư, xuồng công tác thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển 133 ngày công tác, kiểm tra được 571 lượt phương tiện. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 65 vụ/65 đối tượng/65 phương tiện, với số tiền phạt 128,3 triệu đồng; tịch thu 1 bộ kích điện. Bàn giao các đồn biên phòng tuyến biển xử phạt vi phạm hành chính theo quy định 14 vụ/14 đối tượng/14 phương tiện.
Các đồn biên phòng tuyến biển và Hải đội 2 tổ chức phối hợp lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các cửa lạch, bãi ngang được 497 đợt/43.892 lượt phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính 74 vụ/94 đối tượng/94 phương tiện, với tổng số tiền xử phạt là 628 triệu đồng. Tịch thu 8 bộ kích điện, 200m dây điện.
Đối với hoạt động đánh cá xa bờ, trong 10 tháng đầu năm 2023, có 33 tàu cá vượt ranh giới vào vùng biển Trung Quốc; 8 tàu cá có hành vi vi phạm về thiết bị giám sát hành trình và khai thác thủy sản sai vùng. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 chủ tàu cá, với tổng số tiền 190 triệu đồng.